Thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng

Bài học sâu sắc lấy dân làm gốc

“Đặt lợi ích nhân dân lên trên hết; liên hệ chặt chẽ với nhân dân; sẵn sàng học hỏi nhân dân,…” - là những bài học vô cùng quý báu trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác xây dựng Đảng. Hơn lúc nào hết, trong giai đoạn cách mạng hiện nay, bài học thân dân, gần dân, kính dân, vì dân phải được thấm nhuần triệt để từ lãnh đạo cấp cao đến mỗi cán bộ, đảng viên ở địa phương, cơ sở.

Thời gian qua, cấp ủy nhiều địa phương đã rất chú trọng tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp, lắng nghe ý kiến nhân dân.
Thời gian qua, cấp ủy nhiều địa phương đã rất chú trọng tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp, lắng nghe ý kiến nhân dân.

Vì nhân dân mà phục vụ

Bài học thân dân, gần dân sẽ chẳng phải viện dẫn đâu xa, bởi thực tế từ cơ sở đã rất sinh động, mà mỗi địa phương, mỗi cán bộ lãnh đạo đều sẽ đúc rút được nhiều kinh nghiệm từ thực tiễn.

Mặc dù không còn công tác ở huyện Tam Đường (tỉnh Lai Châu) đã nhiều năm nay, nhưng đồng chí Vương Văn Thắng, nguyên Bí thư Huyện ủy vẫn được người dân nơi đây nhắc nhớ với biệt danh “ông Bí thư của nông, lâm nghiệp” bởi những tâm huyết, trăn trở, gắn bó bao năm với mảnh đất này. Khi nhận nhiệm vụ Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Lai Châu rồi Bí thư Thành ủy Lai Châu, người cán bộ ấy vẫn luôn giữ phong cách gần dân, sâu sát công việc nơi dân. “Mọi việc còn ngổn ngang, bề bộn lắm, nhưng để tạo đột phá cho Lai Châu, tất nhiên không chỉ trong phạm vi thành phố, lúc này vẫn là phải phát triển nông, lâm nghiệp. Đấy là thế mạnh cũng là sở trường của người dân ở đây, quan trọng là người lãnh đạo phải nghĩ được đường hướng, lựa chọn giải pháp và làm gương cho dân theo”. Bởi luôn nghĩ thế, luôn trăn trở cùng dân những việc làm ăn sinh kế nên dù ở cương vị nào, đồng chí Vương Văn Thắng thường xuyên đến tận nơi, về tận chốn nắm bắt tình hình, kịp thời có những chỉ đạo sâu sát. Chỉ sau gần ba năm làm Bí thư Thành ủy Lai Châu, đồng chí Vương Văn Thắng đã cùng đảng bộ, chính quyền thành phố Lai Châu tạo nên khí thế làm việc mới trong toàn bộ máy. Thái độ và ý thức của mỗi cán bộ, công chức trên địa bàn luôn hướng tới mục tiêu phục vụ đời sống nhân dân và đáp ứng tốt nhất yêu cầu công việc, qua đó giúp cho đô thị trẻ nơi địa đầu Tây Bắc Tổ quốc chuyển mình mạnh mẽ cùng đất nước.

Cùng với nhiều cán bộ của Lai Châu, nhất là lớp cán bộ trẻ, những năm qua, trong quá trình triển khai các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương Đảng, ở mỗi địa phương thuộc các tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Phú Thọ, Lào Cai,… và nhiều nơi khác nữa đều đã có những cách làm hay, sáng tạo, biết dựa vào nhân dân để đưa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống.

Nếu Bình Xuyên được coi là điểm sáng của tỉnh Vĩnh Phúc trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và XII) gắn với Chỉ thị 05-CT/TW bằng việc đẩy mạnh cải cách hành chính, quán triệt đến mỗi cán bộ, đảng viên phải chấn chỉnh ý thức, thái độ tiếp dân sao cho thật gần gũi, coi việc của dân như việc của mình, từ đó lần lượt giải quyết hiệu quả những vấn đề bức xúc và hoàn thành tốt việc xây dựng huyện nông thôn mới, thì Tỉnh ủy Thái Nguyên lại ưu tiên công tác tuyên truyền trong nhiệm vụ chính trị, tổ chức triển khai học tập Nghị quyết, tạo sự đồng thuận từ cán bộ quản lý các cấp rồi phổ biến xuống tận cơ sở.

Trong khi đó, Tỉnh ủy Tuyên Quang sau khi lĩnh hội tinh thần Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương đã thảo luận, lắng nghe ý kiến nhân dân để ban hành Nghị quyết của tỉnh sao cho sát đúng với thực tế, có trọng tâm, trọng điểm, số lượng ít nhưng phải có tính khả thi, bảo đảm hiệu quả thực hiện.

Đảng ủy Công an tỉnh Phú Thọ đặc biệt coi trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các Nghị quyết Trung ương. Qua đó, các đơn vị đã có những cách làm hay, sáng tạo, phù hợp đặc điểm, tình hình của đơn vị từ việc đổi mới công tác nhận xét, đánh giá, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ đến đổi mới công tác thi đua khen thưởng, tổ chức thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”. Bằng việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, biểu dương những tấm gương “Người tốt, việc tốt” trong ngành, quán triệt tinh thần “Vì nhân dân phục vụ” của mỗi cán bộ, chiến sĩ, Công an tỉnh Phú Thọ đã gặt hái được nhiều thành tựu to lớn, nhất là trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.

Thấm nhuần tư tưởng “dân là gốc”

Tuy nhiên, đây mới chỉ là những chuyển biến ban đầu từ cơ sở, những chủ trương, đề án, ý tưởng còn đang được các tỉnh, các địa phương triển khai và rút kinh nghiệm. Muốn đạt được hiệu quả cao nhất, bảo đảm thắng lợi của mỗi Nghị quyết, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật và đánh giá đúng sự thật. Có như thế, những cán bộ, nhất là cán bộ trẻ mới có thể nhận thức sâu sắc về nguy cơ, nhận diện đúng những biểu hiện và đề ra các giải pháp phù hợp để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Từ đó, kiên quyết khắc phục những yếu kém trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, trách nhiệm, năng lực và động cơ đúng đắn, thật sự tiên phong, gương mẫu, luôn đặt lợi ích của tập thể, quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, thật sự là cán bộ của dân, phục vụ nhân dân.

Để đạt được những mục tiêu ấy, bên cạnh đòi hỏi phải đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, cần thấm nhuần tư tưởng “dân là gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như truyền thống lịch sử dân tộc hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Muốn thế, trước tiên phải phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp. Thực tế chứng minh rằng, nơi nào cấp ủy, chính quyền quan tâm, người đứng đầu thể hiện rõ quyết tâm và sự quyết liệt trong chỉ đạo đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; biết dựa vào dân mà triển khai chính sách, nơi ấy sẽ có chuyển biến, thành tựu rõ rệt.

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng là những văn kiện mang tính lý luận và tổng kết thực tiễn sâu sắc, được kế thừa từ lịch sử vẻ vang của Đảng và của toàn dân tộc, nhất là từ thành tựu của 30 năm đổi mới. Đó cũng là kết quả được tập hợp từ nhiều nguồn ý kiến đóng góp của toàn Đảng, toàn dân; được thảo luận qua các đại hội từ cơ sở tới toàn quốc; kết tinh trí tuệ nhiều thế hệ. Nghị quyết được ví như “thượng tầng”, nhưng để những chủ trương hay và đúng ấy đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả thì phải bắt đầu từ cơ sở, bắt đầu từ điểm tựa vững chắc: Nhân dân.