Bài học ở Lục Yên

Trong nửa nhiệm kỳ 2020-2025, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái có nhiều cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng bị thi hành kỷ luật. Nhờ đoàn kết trên dưới một lòng, được nhân dân ủng hộ, cán bộ nỗ lực vượt qua sai lầm, địa phương này đã và đang đạt được nhiều kết quả đáng mừng trong xây dựng nông thôn mới, trở thành điểm sáng của tỉnh trong việc vận động nhân dân tham gia hiến đất làm đường giao thông nông thôn.
0:00 / 0:00
0:00
Bí thư Huyện ủy Lục Yên Hoàng Hữu Độ (bên trái) tham gia "Ngày cùng dân" tại xã Tân Lập.
Bí thư Huyện ủy Lục Yên Hoàng Hữu Độ (bên trái) tham gia "Ngày cùng dân" tại xã Tân Lập.

Sai đến đâu, sửa đến đấy

Lục Yên là địa phương có hơn 85% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở có mặt còn hạn chế. Cuối năm 2022, bảy tổ chức đảng và 81 đảng viên thuộc đảng bộ huyện bị xử lý kỷ luật với các hình thức từ khiển trách đến cảnh cáo. Ban Thường vụ Huyện ủy nhiệm kỳ 2015-2020 cũng bị khiển trách. Nội dung vi phạm chủ yếu là trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng; nguyên nhân chính của vi phạm là do sự thay đổi về cơ chế, chính sách do đó cán bộ, công chức chưa nghiên cứu kỹ để tham mưu, tổ chức thực hiện.

Quyết tâm sai đến đâu, sửa đến đấy, tạo mọi điều kiện để người vi phạm được rèn luyện, sửa chữa, phấn đấu, không ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, ngay sau khi các tổ chức đảng, đảng viên nhận quyết định thi hành kỷ luật, Ban Thường vụ Huyện ủy đã rà soát, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ; cho cán bộ tự đánh giá, nhận xét và đề xuất nguyện vọng công tác.

Bí thư Huyện ủy Hoàng Hữu Độ chia sẻ, thực tế cho thấy, việc tái thiết, kiện toàn cấp ủy sau kiểm điểm, kỷ luật cũng gặp khá nhiều khó khăn, bởi người dân, dư luận xã hội rất khắt khe đối với cán bộ, đảng viên có vi phạm, thậm chí có lúc nghiệt ngã. Cũng có ý kiến cho rằng, đảng viên bị thi hành kỷ luật là không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm các quy định của Đảng, thì liệu còn đủ tín nhiệm với nhân dân nữa không? Qua thời gian, khi cơ quan có thẩm quyền giải thích, làm rõ về hành vi, nội dung và nguyên nhân vi phạm, thì nhân dân hiểu rõ bản chất của vấn đề, nên động viên cán bộ nỗ lực vượt qua sai lầm, khuyết điểm.

Thấy rõ khuyết điểm của mình, các cấp ủy tập trung kiểm điểm rút kinh nghiệm, đề ra kế hoạch khắc phục; một số cán bộ không đủ điều kiện tiếp tục công tác thì xin nghỉ để cấp trên bố trí người thay thế. Nhờ đó, sau khi bố trí, sắp xếp lại, ở hầu hết những nơi có cán bộ vi phạm kỷ luật, đội ngũ cán bộ chủ chốt đã phát huy tốt vai trò đầu tàu gương mẫu, làm tốt việc vận động nhân dân, đồng lòng xây dựng nông thôn mới. Đến nay, huyện đã đi đầu trong việc thu ngân sách, làm tốt công tác xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp như đá xẻ ốp lát, đá trắng khối xuất khẩu, tạo động lực bền vững cho phát triển kinh tế-xã hội. Kết quả là chín tháng năm 2023, có 28 trong số 42 chỉ tiêu kế hoạch tỉnh giao đạt và vượt tiến độ. Phong trào xây dựng nông thôn mới và làm đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Lục Yên được triển khai rộng khắp. Đến nay, Lục Yên có 11 trong số 23 xã đạt chuẩn nông thôn mới như: Tân Lĩnh, Yên Thắng, An Lạc, Trúc Lâu, Mai Sơn,... bốn xã dự kiến sẽ đạt chuẩn nông thôn mới cuối năm 2023 là Tô Mậu, Lâm Thượng, Minh Tiến và Mường Lai.

Lục Yên là địa phương điểm sáng của tỉnh trong việc vận động nhân dân hiến đất để mở rộng mặt đường và làm đường giao thông. Từ Lục Yên, phong trào này lan tỏa tới nhiều địa phương khác, qua đó đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn miền núi Yên Bái. Từ năm 2020 đến nay, toàn huyện đã thực hiện 133 dự án mở mới, mở rộng, cải tạo, nâng cấp làm đường giao thông nông thôn, có 4.527 hộ gia đình tự nguyện hiến hơn 556.000 m2 đất, cùng các loại công trình, cây cối trên đất ước giá trị 213 tỷ 839 triệu đồng.

Điển hình, tuyến Liễu Đô-Vĩnh Lạc-Minh Tiến được mở rộng mặt đường từ 5 m lên 9 m, với chiều dài toàn tuyến 5,3 km. Khẩu hiệu "Dịch rào hiến đất" trở thành phong trào sâu rộng, cho nên 72 hộ dân đã hiến gần 17.000 m2 đất, hơn 4.700 cây ăn quả, 966 m2 tường rào, vật kiến trúc, cây cối, hoa màu.

Bài học và thành quả

Về xã Lâm Thượng, nơi bà con dân tộc Tày chiếm 93% số dân, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, chúng tôi tìm hiểu sự chuyển biến sau những "biến cố" ở nơi này. Dọc đường, những ruộng lúa chín vàng, những ao nuôi cá bỗng phía trước mỗi ngôi nhà sàn, cuộc sống thật bình yên dưới chân núi Nà Kèn, một thời được coi là "điểm nóng" kéo dài ở vùng này. Bí thư Đảng ủy Lê Viết Đại cho biết, trong nửa nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng ủy xã có bốn đảng viên và Chi bộ Hin Lạn bị thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách. Nội dung vi phạm chủ yếu là trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, do cán bộ, công chức chưa nghiên cứu kỹ để tham mưu, tổ chức thực hiện, dẫn đến sai phạm. Đây là bài học sâu sắc để Đảng bộ xã rút kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo.

Được Huyện ủy quan tâm, cấp ủy sớm được kiện toàn bổ sung ba đồng chí tham gia Đảng ủy, luân chuyển cán bộ chủ chốt từ địa phương khác về. Từ đó, hoạt động của tổ chức đảng tại đây đã có những thay đổi đáng kể. Kết thúc năm 2022, xã có toàn bộ chỉ tiêu kế hoạch huyện giao đạt và vượt. Đặc biệt, xã đã làm mới hơn 11 km đường giao thông nông thôn. Trong đó, đã vận động nhân dân hiến đất làm đường 5.700m, riêng thôn Thâm Pất là 5.000m, thu ngân sách đạt 119%, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 22,1%... Xã làm được hơn 42 km đường điện thắp sáng đường quê, trị giá 970 triệu đồng; hơn 4 km tuyến đường hoa, trị giá gần 10 triệu đồng.

Nói về việc xử lý cấp ủy và đảng viên vi phạm, đồng chí Tạ Văn Long, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Yên Bái cho biết, khi cán bộ bị vi phạm kỷ luật, việc chỉ rõ do đâu mà có khuyết điểm ấy hết sức quan trọng. Vi phạm đến đâu, xử lý đến đó, nhưng đồng thời cũng phải quan tâm, sát sao, động viên, khích lệ danh dự và trách nhiệm, tạo cho họ có lòng tin vào tổ chức, từ đó vươn lên. Thực tế ở Yên Bái, với cách làm đồng bộ, toàn diện, có các giải pháp cụ thể, sát thực tế theo phương châm "Giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm" gắn với thưởng, phạt nghiêm minh đi đôi với làm tốt công tác dân vận khéo, đến nay các tổ chức, cá nhân có vi phạm bị kỷ luật đều chuyển biến tốt. Công tác đánh giá cán bộ đi vào thực chất, cụ thể, không du di, tạo tiền đề tốt cho việc quy hoạch cán bộ trong nhiệm kỳ tới. Qua vụ xảy ra ở Lục Yên, tỉnh có được bài học sâu sắc hơn để nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và chất lượng công tác tham mưu.

Nhớ lại những điều không vui năm cũ, đồng chí Nguyễn Kim Ba - Bí thư Đảng ủy xã Tô Mậu (huyện Lục Yên) nói với chúng tôi mà như tự nhủ chính mình: "Thôi thì, các cụ có câu, ngã ở đâu hãy đứng lên ở đó. Nhờ có cấp ủy cấp trên quan tâm, tập thể đoàn kết, bà con thông cảm, động viên, tôi và một số anh em nhận thức rõ hơn khuyết điểm của mình, tự soi, tự sửa. Cũng may, do hồi đó chưa nắm vững các quy chế, quy định mà vi phạm, chứ không mục đích cá nhân gì nên bà con thương, vẫn ủng hộ và cho mình cơ hội sửa sai, phấn đấu".