Kiên quyết, kiên trì đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực (★)

Bài 5: "Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt"

"Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt" - không chỉ là một thông điệp mà còn là mệnh lệnh, là tinh thần của người đứng đầu Đảng ta - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cả đường lối phát triển của đất nước thời gian tới. Cuộc trò chuyện dưới đây của phóng viên Báo Nhân Dân cuối tuần với các nhà lãnh đạo, quản lý và chuyên gia sẽ giúp bạn đọc rõ hơn tinh thần ấy.
0:00 / 0:00
0:00
Cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được nhiều cán bộ, đảng viên coi là "cẩm nang" về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta. Ảnh: TTXVN
Cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được nhiều cán bộ, đảng viên coi là "cẩm nang" về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta. Ảnh: TTXVN

- Thưa các đồng chí, từ thực tiễn công tác, các đồng chí có thể chia sẻ ý nghĩa việc quán triệt học tập cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Vì sao thời gian qua công tác đấu tranh với thứ "giặc nội xâm" này được tiến hành khá mạnh mẽ, nhưng vẫn còn diễn biến khá phức tạp. Vậy phải làm gì, làm thế nào để hiện thực hóa tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư với phương châm "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt"?

Bài 5: "Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt" ảnh 1

Đồng chí Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

- Đồng chí Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Đúng là, tuy công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đã gặt hái được nhiều kết quả to lớn, song hiện nay, vấn đề tham nhũng, tiêu cực ở nước ta còn diễn biến phức tạp, với mức độ nghiêm trọng. Trong bối cảnh đó, việc xuất bản cuốn sách của đồng chí Tổng Bí thư có ý nghĩa lớn lao. Cuốn sách có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, có tính hiệu triệu cao, là sự cổ vũ, thúc đẩy công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng đạt kết quả trong thời gian tới. Theo Tổng Bí thư, vấn đề căn cơ là cần phòng ngừa từ sớm, từ xa, mà trọng tâm là xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là ngăn chặn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, tức là trị tận "gốc" tham nhũng, tiêu cực.

- PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương: Theo tôi, để đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả, trước hết là sự nêu gương. Trong sách, chúng ta nhận thấy rõ sự nêu gương của đồng chí Tổng Bí thư. Sự nêu gương đó không phải là những phát biểu cao đàm khoát luận, mà bằng những lời giản dị nhưng sâu sắc, đi vào lòng người. Chúng ta, bằng trách nhiệm của mình, cũng phải quyết tâm, nêu cao ý chí, vừa lan tỏa giá trị của cuốn sách, vừa phải thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, là xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chặn mọi ngả đường tham nhũng; không để tham nhũng, tiêu cực có đất sống. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà nể nang thì không thể thành công.

- Đồng chí Trần Thị Thanh Thủy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên, Bí thư Thị ủy Mỹ Hào: Rõ ràng thực trạng tham nhũng, tiêu cực còn phức tạp. Với những kinh nghiệm, kết quả đạt được, đồng chí Tổng Bí thư, đồng thời là Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã trách nhiệm, sâu sát, quyết liệt chỉ ra rằng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện trên tinh thần "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt". Tức là phải phát huy sức mạnh đoàn kết, tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự; kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, tiêu cực. Từ đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp hướng tới mục tiêu "không thể", "không dám", "không muốn", "không cần" tham nhũng, tiêu cực.

- Như vậy, thời gian tới, để công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt mục tiêu thực chất và hiệu quả, chúng ta phải chú trọng cụ thể những vấn đề gì, theo đồng chí?

Bài 5: "Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt" ảnh 2

PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương

- PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ: Công tác phòng, chống tham nhũng đang đi đúng hướng. Nhưng sau nhiều năm nữa, công tác này thế nào là điều Đảng phải tính toán ra sao để "giữ lửa", lan tỏa cho các cấp, bộ, ngành. Theo tôi ngoài biện pháp về thể chế, chính sách, thì việc chọn lựa, xây dựng đội ngũ lãnh đạo vô cùng quan trọng. Chúng ta phải lựa chọn được những cán bộ trung kiên, liêm chính, trong sạch, bố trí vào vị trí chủ chốt. Họ phải là những người đề cao pháp luật, không tư lợi, kiên quyết bảo vệ cái đúng, đấu tranh với cái tiêu cực, quân pháp bất vị thân. Đồng thời không để người yếu kém về chuyên môn, phẩm chất đạo đức không tốt lọt vào những vị trí quan trọng. Những cơ quan bảo vệ pháp luật của Đảng càng phải làm tốt điều này.

- Đồng chí Trương Thị Ngọc Ánh: Để góp phần quan trọng đưa tinh thần, quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trở thành khí thế mạnh mẽ trong thực tế cuộc sống, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên cần tập trung triển khai mạnh và rộng hơn nữa việc giám sát các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, gây nhiều bức xúc trong nhân dân; giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xử lý các thông tin mà nhân dân và báo chí phản ánh về tham nhũng, tiêu cực. Bên cạnh đó, tích cực tham gia phản biện xã hội những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm kịp thời khắc phục tình trạng "lợi ích nhóm", xử lý kịp thời những "khoảng trống", "kẽ hở", nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện thể chế để "không thể" tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường sự phối hợp giữa hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội với hoạt động kiểm tra, giám sát của cấp ủy, hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.

- Đồng chí Trần Thị Thanh Thủy: Chúng ta phải tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm, có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhất là những định hướng lớn trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác giáo dục, tuyên truyền, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; cải cách hành chính và xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Đồng thời tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trước hết là các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và các cơ quan nội chính từ Trung ương đến địa phương. Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu trong tất cả lĩnh vực công tác, trong tác phong ứng xử, đạo đức, lối sống.

- Đồng chí có thể chia sẻ thêm những gì chung quanh vấn đề này, nhất là từ thực tế công tác?

- PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ: Liên quan vấn đề này, ở tầm sâu hơn, công tác xây dựng, phát triển văn hóa đất nước, đạo đức cách mạng rất quan trọng. Chúng ta cần đề cao văn hóa Đảng, văn hóa chính trị. Văn hóa chính trị là sức mạnh và môi trường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả. Suy cho cùng, tham nhũng, tiêu cực là sự thể hiện ý thức phản văn hóa. Tham nhũng cũng là những hành vi đi ngược lại sự tiến bộ của xã hội, con người. Khi có nền văn hóa cao thì mỗi cán bộ, đảng viên cũng sẽ làm việc trách nhiệm hơn, ứng xử tốt hơn, với Tổ quốc thì phụng sự, với người dân thì phục vụ.

- Đồng chí Trương Thị Ngọc Ánh: Với tinh thần như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhắc, cán bộ, đảng viên cần ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong mọi nhiệm vụ, ở mọi lĩnh vực công tác. Mỗi cán bộ phải luôn biết dựa vào nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, dư luận, báo chí để góp ý kiến kịp thời với người đứng đầu, với cấp ủy, chính quyền. Đồng thời có chính kiến, quan điểm rõ ràng, có phương pháp phù hợp đấu tranh với hành vi sai trái, ngăn ngừa các biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", bảo vệ cái đúng, bảo vệ uy tín và sự lãnh đạo của Đảng.

Bài 5: "Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt" ảnh 3
Đồng chí Trần Thị Thanh Thủy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên, Bí thư Thị ủy Mỹ Hào

- Đồng chí Trần Thị Thanh Thủy: Thị ủy Mỹ Hào tập trung thực hiện "Kỷ cương, trách nhiệm, quyết liệt trong giải phóng mặt bằng; tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị; nâng cao chất lượng nông thôn mới". Những lý luận sắc bén, logic, khoa học, những trăn trở, tâm huyết, quyết tâm và tấm gương sáng ngời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, về phòng, đấu tranh chống tham nhũng thật sự đã gợi mở, định hướng cho chúng tôi phải làm gì, làm như thế nào để phòng, chống tham nhũng hiệu quả. Vì vậy, cùng với việc nghiêm túc nghiên cứu các chủ trương, đường lối của Đảng về vấn đề này, Ban Thường vụ Thị ủy đã nhanh chóng chỉ đạo các ban, ngành chức năng xây dựng kế hoạch quán triệt và tổ chức thực hiện các giải pháp cuốn sách của Tổng Bí thư đã gợi mở.

- Trân trọng cảm ơn các đồng chí!

(★) Xem Báo Nhân Dân cuối tuần từ số 12, ngày 19/3/2023.

Bài 5: "Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt" ảnh 4
TS Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương

Quán triệt sâu sắc tư tưởng của Tổng Bí thư

TS Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương

Như các đồng chí đã phân tích, Cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" có giá trị lý luận và thực tiễn rất sâu sắc; không chỉ là "cẩm nang" định hướng công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà còn phản ánh cuộc đời hoạt động cách mạng vô tư, trong sáng luôn nói đi đôi với làm và làm hết lòng, hết sức vì Đảng, vì dân của đồng chí Tổng Bí thư; đồng thời thể hiện niềm tin của nhân dân đối với công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Đảng lãnh đạo, thể hiện tư tưởng lấy dân làm gốc, dựa vào dân, phát huy sức mạnh của nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Do vậy, việc quán triệt, triển khai thực hiện các nội dung Cuốn sách là rất cần thiết, có ý nghĩa quan trọng nhằm đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, hiệu quả cao hơn theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đây là mong muốn tha thiết của người đứng đầu Đảng ta, vừa là yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, vừa là yêu cầu, đòi hỏi của nhân dân.

Điều quan trọng là cần quán triệt, thấm nhuần sâu sắc các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo cốt lõi mà đồng chí Tổng Bí thư đã nhiều lần nhấn mạnh, đó là: kết hợp chặt chẽ giữa xây và chống, gắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trọng tâm là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên để phòng ngừa tham nhũng tiêu cực từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải kiên quyết, kiên trì, không nghỉ, không ngừng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh. Đồng thời để thực hiện tốt những mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới, đòi hỏi phải biến quyết tâm chính trị thành hành động thực tế của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của người đứng đầu các cấp trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phải đặc biệt chú trọng công tác cán bộ, chọn đúng người, giao đúng việc và thường xuyên kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực của cán bộ. Đó là những bài học kinh nghiệm quý báu, mang tầm lý luận mà đồng chí Tổng Bí thư đã đúc kết trong Cuốn sách qua 10 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng Ban Chỉ đạo.

Có thể nói, việc nghiên cứu, thấm nhuần và vận dụng, triển khai thực hiện có hiệu quả các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, bài học kinh nghiệm, giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nêu trong Cuốn sách không chỉ là nhiệm vụ của các cấp, các ngành, các địa phương, mà còn là tình cảm, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên đối với Đảng và đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.