Kiên quyết, kiên trì đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực (★)

Bài 3: Cần quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn

Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang được Đảng và Nhà nước ta vừa thực hiện với quyết tâm cao, nỗ lực lớn và phương pháp đúng, vừa không chủ quan nóng vội, không né tránh, cầm chừng, thỏa mãn và làm một cách rất kiên trì, bền bỉ, sao cho đạt hiệu quả cao nhất.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng (Hà Nội). Ảnh: Đăng Khoa
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng (Hà Nội). Ảnh: Đăng Khoa

Cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành đầu tháng 2 vừa qua thật sự là một tác phẩm quan trọng, thể hiện quyết tâm của Đảng ta trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, củng cố lòng tin của đảng viên và nhân dân trong cuộc đấu tranh cam go, quyết liệt này.

Các bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đã liên tục 10 năm từ năm 2013 làm Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (từ năm 2021 là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực) cho thấy đường lối nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong việc chỉ đạo, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên phạm vi cả nước là "việc làm cần thiết, tất yếu", là "một xu thế không thể đảo ngược được".

Mục tiêu của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhằm trong sạch Đảng và bộ máy nhà nước, để phát triển đất nước bởi tham nhũng là "khuyết tật bẩm sinh" của quyền lực. Điều 2 Luật Phòng, chống tham nhũng (năm 2018) đã chỉ rõ cụ thể, chi tiết 12 hành vi tham nhũng trong khu vực công, bao gồm: tham ô tài sản; nhận hối lộ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; giả mạo trong công tác vì vụ lợi; đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi; nhũng nhiễu vì vụ lợi; không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi. Còn các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện thì chỉ bao gồm: tham ô tài sản, nhận hối lộ hay đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.

Như vậy, các hành vi tham nhũng đã được vạch mặt, chỉ tên khá rõ. Người dân, doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước, cán bộ, đảng viên cứ nhìn vào đó mà tránh.

Ấy thế mà không phải ai cũng nhận thức được. Chẳng thế mà nhờ công tác phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực đã được chỉ đạo và thực hiện một cách bài bản, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, thực hiện đúng quan điểm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào" nên trong giai đoạn 10 năm (2012-2022) đã xử lý kỷ luật 2.740 tổ chức đảng và hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có hơn 190 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (có bốn Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; 36 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương; hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang; qua thanh tra, kiểm toán kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân, chuyển cơ quan điều tra, xử lý gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong giai đoạn thi hành án đã đạt 34,7%, trong đó riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi đã thu hồi tài sản đạt 41,3% với nhiều vụ án lớn, thu hồi hàng chục nghìn tỷ đồng. Những kết quả đó là hiện hữu và không thể phủ nhận, được nhân dân, cán bộ, đảng viên chân chính ghi nhận, ủng hộ.

Đảng và Nhà nước ta đã không ngừng hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể tham nhũng, tiêu cực thể hiện trong Bộ luật Hình sự năm 2015 và Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật dưới luật. Công tác công khai, minh bạch, giám sát, kiểm soát quyền lực đi đôi với xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm, thực hiện chính phủ số, xã hội số, công dân số gắn với số hóa các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp và cải cách chế độ tiền lương và thu nhập gắn với xác định vị trí việc làm, nhiệm vụ của từng công chức, viên chức nhà nước là những bước đi tích cực theo hướng "không thể, không muốn và không cần" tham nhũng, tiêu cực.

Đảng và Nhà nước ta cũng từng bước mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khu vực ngoài nhà nước và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng. Tất cả thể hiện xu thế nâng cao vị trí, vai trò của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tinh thần thượng tôn pháp luật. Đó là cái mà cả cán bộ công quyền và cả người dân và doanh nghiệp đều rất cần.

Tuy đã có những bước tiến quan trọng của cuộc chiến đấu chống "giặc nội xâm", để lại những dấu ấn tốt đẹp và sự lan tỏa mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân nhưng nhìn thẳng vào sự thật, diễn biến của thực tiễn, Đảng ta đã yêu cầu phải có những bước tiến mới, quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới, để người dân và cộng đồng doanh nghiệp thấy được, hưởng được những thay đổi tích cực trong bộ máy công quyền, trong từng công chức, viên chức nhà nước, chứ như hiện nay thì "lời ong, tiếng ve" phàn nàn về môi trường sản xuất, kinh doanh, đầu tư phát triển, thủ tục hành chính còn khá nặng nề, chưa kể là có xu hướng diễn biến ít trắng trợn hơn, tinh vi hơn trước hoặc chây ỳ, đùn đẩy trách nhiệm, khoanh tay không làm gì cả.

Những thói hư, tật xấu này của bộ máy công quyền đã được Tổng Bí thư nêu trong loạt bài "Rèn luyện suốt đời, thường xuyên tự soi, tự sửa" đăng trên Tạp chí Cộng sản 40-50 năm trước như các tác phẩm: "Bệnh sợ trách nhiệm" viết năm 1973 với bút danh Người xây dựng. "Của công, của riêng" năm 1978, "Móc ngoặc" năm 1978, "Tình đồng chí" viết năm 1979 và "Chức vụ và uy tín" năm 1984, "Làm xiếc" năm 1985, "Một sự thật nhức nhối" năm 1987 với bút danh Trọng Nghĩa, "Cái làm nên uy tín đảng viên" năm 1990 vẫn còn nóng hổi thời sự và giữ nguyên những giá trị của nó.

Ngay cả 50 năm trước, trong tác phẩm "Bệnh sợ trách nhiệm", tác giả đã dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh "Ai sợ phụ trách và không có sáng kiến thì không phải người lãnh đạo". Điều này thật đúng ngay cả hôm nay, khi có không ít việc nước, việc dân ách tắc, chậm trễ do bệnh sợ trách nhiệm, đến nỗi Thủ tướng Chính phủ còn phải yêu cầu "ai không làm thì đứng sang một bên", và "dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm" vẫn đang là yêu cầu cấp bách đối với mọi cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Có tiền mà không mua được thuốc chữa bệnh cho dân, thiết bị y tế cho bệnh viện; có tiền mà tiến độ đầu tư các công trình trọng điểm giao thông, thủy lợi chậm tiến độ thì quả là "thật đáng trách". Niềm tin của người dân ở hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội chính là ở đây.

Hay trong bài "Làm xiếc" cách đây ngót 40 năm, tác giả đã nêu trong dư luận xã hội ta, từ "làm xiếc" được dùng để ám chỉ và phê phán những việc làm có tính xảo thuật và mánh khóe vì lợi ích cá nhân, lợi ích cục bộ của một số người, một số cơ quan, đơn vị. Vậy thử hỏi, ngày nay, với các vụ việc đã bị phát hiện, xử lý hay chưa bị phát hiện, xử lý liệu việc "làm xiếc" đã chấm dứt?

Bài "Một sự thật nhức nhối" cho thấy thói hám danh, cho oai, cho sang… (tr. 504, sđd) lãng phí ngân sách hay sống sang, ăn sang, tiêu sang, chơi sang đang thành cái mốt của không ít người đã được tác giả vạch ra từ 36 năm trước đến nay vẫn còn tồn tại trong không ít cán bộ, đảng viên, vô cảm trước những khó khăn, bần hàn của người lao động đang bị mất việc làm do tình hình kinh tế khó khăn, doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, nợ nần ngân hàng.

Có thể dẫn ra nhiều câu chuyện cụ thể, nhiều bài học đắt giá từ các bài viết của tác giả trong hơn 600 trang sách về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thật đáng tiếc khi nhiều thói hư, tật xấu trong một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, thiếu ý chí, tính Đảng, chạy theo của cải, vật chất thay vì hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân của vài ba chục năm trước, tiếc thay vẫn chưa bị đẩy lùi mà còn diễn biến phức tạp hơn.

Tôi tin tưởng rằng, tác phẩm "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai còn đang mưu cầu lợi ích cá nhân trên lưng của người dân, đất nước. Tất cả bọn chúng phải bị quét sạch để trả lại môi trường sống, lao động sản xuất và học tập, sáng tạo bình yên của người dân, doanh nghiệp.

Tôi cho rằng, tác phẩm quan trọng này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nên được sinh hoạt ở các tổ đảng trong toàn quốc để mỗi đảng viên thấy được trách nhiệm cụ thể của mình, tùy vị trí công tác, trong cuộc đấu tranh này.

(Còn nữa)

(★) Xem Báo Nhân Dân cuối tuần từ số 12, ngày 19/3/2023.