Thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu cho thấy, toàn tỉnh hiện nay có khoảng 139.000 ha chuyên nuôi trồng thủy sản. Những năm qua, sản lượng thủy sản đạt bình quân hơn 200.000 tấn/năm. Đặc biệt, hiện nay nhiều mô hình nuôi tôm đang phát triển mạnh, điển hình như tôm thẻ siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao trong nhà kính; mô hình nuôi tôm sú công nghiệp; mô hình kết hợp tôm-lúa;… đem lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao, bền vững.
Trong các mô hình nuôi tôm kể trên, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao được đánh giá là có nhiều ưu điểm vượt trội. "Đây là mô hình có tỷ lệ thành công lên đến khoảng 75- 80%, năng suất bình quân đạt hơn 22 tấn/ha/năm, thời gian nuôi ngắn, kích cỡ lớn, chất lượng tôm bảo đảm", ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu chia sẻ.
Cũng theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu, trên địa bàn tỉnh đang có hơn 30 công ty, doanh nghiệp tư nhân nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu là Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và Thương mại Trúc Anh; Tập đoàn Việt-Úc (trụ sở tại phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu); Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Long Mạnh (xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình); Công ty trách nhiệm hữu hạn Huy Long An - Bạc Liêu (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình),... Đây là những đơn vị có quy mô lớn tầm cỡ khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Ngoài ra, Bạc Liêu còn có hơn 600 hộ dân nuôi tôm siêu thâm canh với gần 5.000 ha, tập trung chủ yếu tại vùng ven biển thành phố Bạc Liêu, huyện Hòa Bình, Đông Hải, sản lượng thu hoạch bình quân mỗi năm đạt từ 48.000-50.000 tấn tôm nguyên liệu, chủ yếu là tôm thẻ và tôm sú. Trong các ngành nghề thủy sản thì nuôi tôm được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Giá trị từ con tôm mang lại chiếm 58% trong cơ cấu sản phẩm nông nghiệp và gần 21% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Ông Phan Văn An, một nông dân nuôi tôm giỏi ở xã Long Điền (huyện Đông Hải) phấn khởi chia sẻ: Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao có thể kiểm soát chu trình nuôi thông qua các công nghệ cho ăn tự động, ứng dụng công nghệ điện toán đám mây để kiểm soát các chỉ tiêu môi trường nước. Mô hình nuôi này kéo giảm tôm chết sớm trong giai đoạn từ 25-30 ngày sau thả giống; tăng số vụ nuôi/năm (3-4 vụ); tái sử dụng nước, hạn chế được bệnh dịch xâm nhập khu nuôi; giảm diện tích nuôi, phù hợp cả quy mô nuôi nông hộ lẫn quy mô trang trại, nhất là những vùng có độ mặn không ổn định; mật độ nuôi cao từ 150-300 con/m2, thời gian nuôi ngắn 2,5-3 tháng, mang lại hiệu quả kinh tế cao… Tuy nhiên, khó khăn lớn đối với nhiều hộ là số vốn đầu tư cao, từ 800 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng/ha đối với một khu nuôi hoàn chỉnh. Chính vì vậy, không phải ai cũng có nhiều vốn để đầu tư mô hình này.
Theo ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu, so các mô hình truyền thống, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao đã chứng minh cho năng suất tăng từ 10-15 lần. Nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh nghề nuôi tôm của địa phương, đặc biệt đẩy mạnh mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, tỉnh đã quy hoạch, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, tích cực nhân rộng mô hình đến các doanh nghiệp và các hộ nông dân trong tỉnh.
Tỉnh Bạc Liêu được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá là địa phương có nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao hàng đầu cả nước, có thứ hạng cao trong khu vực Đông Nam Á. Đồng thời, tỉnh đã có bốn doanh nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đủ các tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới. Bên cạnh đó, tỉnh còn có một số công ty nuôi tôm và công ty xuất khẩu thủy sản đã có đủ điều kiện xuất khẩu tôm nguyên con trực tiếp sang các thị trường "khó tính" như châu Âu, Australia...
Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong năm lĩnh vực trụ cột phát triển kinh tế-xã hội đang được tỉnh Bạc Liêu tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư. Theo đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06 về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025, trong đó, xác định con tôm là sản phẩm chủ lực và nuôi tôm là hướng phát triển kinh tế mũi nhọn của tỉnh, chú trọng đẩy mạnh nuôi tôm theo mô hình ứng dụng công nghệ cao.