Xử lý nghiêm xe “dù”, bến “cóc”

Ngành giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đang triển khai lập lại trật tự, an toàn giao thông, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách và trật tự đô thị. Đáng chú ý, nhiều biện pháp đã được đưa ra nhằm xử lý triệt để tình trạng xe “dù”, bến “cóc” đang có dấu hiệu gia tăng hoạt động trên địa bàn thành phố.
0:00 / 0:00
0:00
Cần mạnh tay để xử lý tình trạng xe “dù”, bến “cóc”.
Cần mạnh tay để xử lý tình trạng xe “dù”, bến “cóc”.

Bát nháo xe “dù”, bến “cóc”

Thời gian gần đây, tình trạng xe “dù”, bến “cóc” hoạt động gia tăng sau khi di dời các tuyến xe khách từ Bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh) ra Bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức). Cụ thể, các nhà xe cố tình không đón khách tại bến mới mà dừng, đón trả khách dọc đường, khu vực chung quanh bến xe cũ, gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông. Không những vậy, quanh khu vực đường Nguyễn Thái Bình, Phạm Ngũ Lão (quận 1), nhiều xe thường xuyên tấp vào lề đường đón trả khách sai quy định; các cây xăng dọc quốc lộ 13 - hướng từ Bến xe Miền Đông cũ ra quốc lộ 1 (TP Thủ Đức), cây xăng trên đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh) cũng thường xuyên trở thành bãi đáp cho các xe đón, trả khách trái quy định. Dọc các tuyến đường ra Bến xe Miền Đông mới như bãi xe 397 Đinh Bộ Lĩnh, đường Điện Biên Phủ đoạn từ ngã tư Hàng Xanh đến cầu Sài Gòn (Bình Thạnh), quốc lộ 1 từ cầu vượt Bình Phước đến khu du lịch Suối Tiên, khu vực quận 5…, xe “dù”, bến “cóc” hoạt động rầm rộ, lấy hết khách của các nhà xe trong bến.

Theo Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, thời gian qua, khi thành phố di dời thêm 79 tuyến xe khách liên tỉnh từ bến xe hiện hữu ra Bến xe Miền Đông mới đã xảy ra tình trạng các phương tiện không vào bến hoạt động mà tập kết tại một số địa điểm bắt khách sai quy định. Ước tính có khoảng 140 trong gần 300 chuyến xe không hoạt động trong bến mới mà ra ngoài đón khách theo kiểu xe “dù”, bến “cóc”.

Thống kê của Thanh tra Sở Giao thông vận tải thành phố cho thấy, từ đầu năm 2022 đến nay, lực lượng thanh tra giao thông đã lập biên bản xử lý 1.709 trường hợp phương tiện vận tải hành khách vi phạm. Trong đó, đã phối hợp, xử lý qua camera giám sát về lỗi xe dừng, đón trả khách sai quy định gần 600 trường hợp, phạt tiền tổng cộng hơn 700 triệu đồng.

Mới đây, Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh cũng vừa công bố 76 điểm xe “dù”, bến “cóc” tại 11 quận, huyện và TP Thủ Đức; trong đó, quận 5 nhiều nhất (25 điểm); đứng thứ hai là TP Thủ Đức (22 điểm); quận 12 (6 điểm); quận 1 (5 điểm); quận Bình Tân, 10, Tân Phú (cùng 4 điểm); quận Bình Thạnh và huyện Bình Chánh (cùng 2 điểm); huyện Hóc Môn và quận Tân Bình (cùng 1 điểm).

Nói về tình trạng nêu trên, Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải thành phố Đàm Phan Phát cho hay, khi lực lượng thanh tra giao thông phát hiện xe dừng đỗ không đúng quy định để đón, trả khách thì lái xe thường đối phó bằng cách cho xe nổ máy, ngồi tại vị trí lái, khi lực lượng chức năng đến kiểm tra lại cho xe chạy. Bên cạnh đó, còn ghi nhận nhiều đơn vị kinh doanh vận tải hành khách cho người cảnh giới, khi phát hiện có lực lượng chức năng thì lập tức thông báo không cho xe vào dừng đón, trả khách.

Trong khi đó, nhiều hành khách lại mang tâm lý muốn bắt xe thật nhanh, ngại chờ đợi phải mất thời gian nên không vào bến xe liên tỉnh để mua vé mà đứng đón xe dọc đường hoặc các điểm không đúng nơi quy định, góp phần làm gia tăng nạn xe “dù”, bến “cóc”. “Thời gian tới, lực lượng thanh tra giao thông sẽ tăng cường xử phạt qua camera. Đồng thời, tăng mức xử phạt đối với các đơn vị vận tải hành khách vi phạm thường xuyên như thu hồi phù hiệu, giấy phép vận tải, giấy phép kinh doanh để răn đe”, ông Phát nhấn mạnh.

Còn theo Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC08, Công an TP Hồ Chí Minh), tình trạng đỗ xe nơi cấm, đón trả khách sai quy định rất phức tạp. Thời gian qua, PC08 và các quận, huyện phối hợp xử lý nghiêm các vi phạm. Theo đó, trong 10 tháng của năm 2022, cơ quan chức năng đã xử lý 4.000 trường hợp liên quan xe “dù”, bến “cóc”, xử phạt tổng số tiền gần 14 tỷ đồng. Từ nay tới cuối năm, PC08 đề nghị công an các quận, huyện rà soát những điểm dừng đón, trả khách sai quy định nhằm xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Xử lý nghiêm xe “dù”, bến “cóc” ảnh 1

Xe “dù”, bến “cóc” hoạt động rầm rộ, biến tướng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Các địa phương phải vào cuộc quyết liệt

Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô-tô hành khách TP Hồ Chí Minh cho rằng, các biện pháp xử lý hiện nay chưa đủ nghiêm nên xe “dù” vẫn chạy loạn xạ dưới hình thức xe trá hình, xe hợp đồng, bến “cóc” mọc lên dưới nhiều hình thức. Ông Tính kiến nghị cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh cần đưa ra kế hoạch lâu dài, có nghiên cứu và tính toán để dẹp tình trạng lộn xộn này nhằm quản lý hiệu quả xe đang chạy ngoài bến.

“Cần tổ chức trung chuyển tốt, kể cả dùng xe bus, grab, taxi; quyết liệt chống xe “dù”, bến “cóc”, không để tình trạng ra quân rầm rộ xong đâu lại vào đấy. Mặt khác, xem xét lại quy hoạch bến xe phù hợp với điều kiện thực tiễn, quy mô bến xe rộng hay hẹp để tránh sự đầu tư lãng phí”, ông Lê Trung Tính góp ý về giải pháp xử lý xe “dù”, bến “cóc”.

Trước thực trạng thời gian qua, Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông phối hợp lực lượng công an các quận, huyện, kiểm tra các xe đón, trả khách không đúng quy định; tăng cường rà soát, bổ sung camera giao thông trên các tuyến đường thường xuyên xảy ra tình trạng đón trả khách sai quy định và tiến hành phạt nguội…

Về lâu dài, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Phan Công Bằng cho hay, tiếp tục nghiên cứu hình thành vành đai hạn chế ô-tô trên 30 chỗ (trừ xe chở công nhân, chuyên gia, khách du lịch…) lưu thông vào trung tâm thành phố để đón trả khách. “Theo kế hoạch, việc cấm xe trên 30 chỗ vào trung tâm đang được hoàn thiện, dự kiến trình UBND thành phố trong tháng 11 và triển khai tháng 12 tới. Đây là một trong những giải pháp tiến tới giải tỏa ùn tắc giao thông nội đô và giải quyết tình trạng xe dù, bến cóc hoạt động sai quy định”, ông Bằng cho biết.

Bên cạnh đó, Sở Giao thông vận tải đề nghị các quận, huyện và TP Thủ Đức kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý các vi phạm để tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn được ổn định. Ngành giao thông thành phố tiếp tục kiến nghị Cục Đường bộ Việt Nam sớm nâng cấp hệ thống thiết bị giám sát, nhằm tạo thuận lợi trong kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động quản lý vận tải. Ngoài ra, Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh cũng sẽ phối hợp với Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố liên quan rút giấy phép các trường hợp xe khách liên tỉnh hoạt động theo hợp đồng hoặc du lịch nhưng chạy như xe tuyến cố định, đón trả khách sai quy định.

Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cũng đã giao trách nhiệm cho các quận, huyện và TP Thủ Đức phải vào cuộc để xử lý tình trạng xe lập văn phòng, đón trả khách không đúng quy định, dừng đón trả khách dưới lòng lề đường. Hiện nay, việc các nhà xe lập văn phòng, rồi tổ chức đón trả khách ngay dưới lòng, lề đường vẫn diễn ra công khai, địa phương chưa tích cực vào cuộc xử lý.

Theo Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, trên địa bàn có 58 đơn vị vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh với 1.579 phương tiện. Trong khi đó, có hơn 1.351 đơn vị vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch với hơn 90.800 phương tiện. Nhiều nhà xe núp bóng chạy hợp đồng, du lịch nhưng hoạt động như những tuyến cố định, ảnh hưởng các xe trong bến.