Xây dựng ý thức nhường đường cho người đi bộ

Bà Hạnh hàng xóm nhà tôi vừa đi bộ một vòng hồ Thiền Quang (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) về, phàn nàn rằng, muốn trở về nhà khó quá.
0:00 / 0:00
0:00

Khó, là bởi từ bờ hồ về nhà bà phải sang đường. Dù có vạch kẻ đường cho người đi bộ nhưng mỗi lần muốn sang đều vô cùng khó khăn. Ô-tô, xe máy dường như đều muốn đi nhanh, không ai nhường đường cả. Dù bà Hạnh có vẫy tay xin đường thì nhiều xe vẫn cứ phóng ào ào qua…

Nghe bà Hạnh kể, tôi chợt nhớ tới hôm rồi, đưa con lên phố chơi, khi muốn sang từ phố Bà Triệu sang phố Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm), dù đã có vạch kẻ đường và tín hiệu đèn giao thông bật xanh cho người đi bộ sang đường, vậy mà nhiều xe máy, xe ô-tô vẫn thản nhiên đi, không nhường đường cho người đi bộ.

Nếu người Việt cảm thấy khó khăn khi sang đường ở Hà Nội, thì những vị khách nước ngoài gặp khó khăn nhiều hơn. Đứng quan sát ở vị trí vỉa hè giữa phố Hàng Trống và Lê Thái Tổ một lúc là có thể thấy ngay nhiều du khách nước ngoài lúng túng khi muốn sang đường để di dạo ngắm cảnh hồ Gươm. Có vạch kẻ đường, có đèn nhấn tín hiệu xin đi bộ sang đường nhưng xe cộ nhiều lúc cứ ùn ùn đi qua khiến nhiều du khách cảm thấy không yên tâm.

Không nhường đường cho người đi bộ muốn sang đường, đó đã và đang là thực tế khá phổ biến ở Hà Nội cũng như ở các đô thị khác trên cả nước và đó là sự xuống cấp đáng báo động của văn hóa tham gia giao thông. Mặc dù luật đã quy định mức phạt đối với các phương tiện không nhường đường cho người đi bộ qua đường, song mức phạt này còn khá thấp nên không đủ sức răn đe, cơ bản không khiến người điều khiển phương tiện quan tâm. Bên cạnh đó, việc xử phạt cũng không được thực hiện nghiêm túc nên các chủ phương tiện còn xem nhẹ.

Để hình thành được ý thức nhường đường cho người đi bộ khi tham gia giao thông và ý thức này trở thành văn hóa ăn sâu vào suy nghĩ của mọi người, các cơ quan chức năng cần nâng cao chế tài xử phạt, đồng thời, cần có chiến dịch tuyên truyền, ra quân xử phạt nghiêm những chủ phương tiện cố tình vi phạm các quy tắc giao thông, trong đó có việc không nhường đường cho người đi bộ tại các nơi có vạch kẻ đường, có đèn tín hiệu.

Cần lắm sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan chức năng, để “nhường đường” trở thành nét văn hóa giao thông của Thủ đô, không còn là nỗi ám ảnh với người dân và du khách khi đi bộ ở Hà Nội.