Xây dựng văn hóa đọc cho trẻ

Những năm qua, các hoạt động, mô hình lan tỏa văn hóa đọc ngày càng diễn ra sôi nổi, sáng tạo. Tuy nhiên, tạo dựng thói quen đọc sách từ gia đình đến cộng đồng vẫn cần sự chung tay, mở rộng bằng nhiều cách làm hay và thiết thực hơn. Đây là nội dung chính của buổi tọa đàm “Cùng nhau xây dựng tủ sách gia đình”.
0:00 / 0:00
0:00
Trao đổi ý kiến tại tọa đàm về xây dựng tủ sách ở mỗi gia đình.
Trao đổi ý kiến tại tọa đàm về xây dựng tủ sách ở mỗi gia đình.

Đọc sách cùng con

Từng có tám năm du học tại Nhật Bản, một đất nước rất xem trọng văn hóa đọc, diễn giả Nguyễn Quốc Vương đã chia sẻ một số yếu tố liên quan việc làm cho trẻ em thích đọc sách. Ở nước ta hiện nay, nhiều gia đình vẫn chưa có các tủ sách riêng, phụ huynh chưa thể hiện sự tôn vinh giá trị tinh thần và cũng không có thói quen đọc sách. “Yếu tố đầu tiên chúng ta muốn sửa để trẻ con có thói quen đọc sách là từng gia đình, từng cộng đồng cùng theo đuổi văn hóa đọc, thoát đi cuộc sống đời thường về cơm áo. Chúng ta cần có định hướng về tư tưởng hướng đến một cuộc sống không chỉ có cơm ăn, áo mặc, nhà ở mà còn hiểu biết về văn hóa và vui với văn hóa đó”, diễn giả Nguyễn Quốc Vương cho biết. Ông Vương cũng đã chỉ ra thực tế những trẻ thích sách thường được sống trong các gia đình có bố mẹ yêu sách. Họ thích sách và theo đuổi giá trị đọc. Từ đó, lối sống luôn tìm tòi cái mới, chinh phục từng trang sách dần có trong tâm thức con trẻ.

Cô Phạm Thị Châu, nhà giáo về hưu đánh giá: “Đọc sách là một mấu chốt tạo nên nhân cách mỗi con người, tạo nên lớp văn hóa cho cuộc sống. Mỗi câu chuyện từ sách mang lại có giá trị cuộc sống vô cùng quý giá. Bất cứ một phương pháp giáo dục nào mà không có sách làm gốc thì không thể thành công”.

Thời đại công nghệ số với nhiều phương tiện, thiết bị hiện đại ra đời và lợi ích công nghệ đã mang lại nhiều tiện ích cho cuộc sống. Tuy nhiên, ở một khía cạnh nhất định, lý do khiến trẻ nhỏ hiện nay khó hình thành thói quen đọc sách là vì phụ huynh quá dễ dãi khi cho trẻ tiếp cận tivi, điện thoại từ rất sớm. Là một ông bố có con nhỏ, diễn giả Nguyễn Quốc Anh gợi ý cho phụ huynh về cách đọc sách cho con ngoài giờ học hoặc cả trong lúc đi du lịch. “Bố mẹ nên là một tấm gương đọc sách, cho con trẻ thấy chúng ta yêu sách. Đi du lịch tôi vẫn mang sách. Vào đến khách sạn, trước khi đi ngủ tôi sẽ đọc cho con nghe từng đoạn ngắn, nó sẽ hình thành thói quen hằng ngày”, anh nói.

Xây dựng tương lai qua sách

Đồng cảm với câu chuyện xoay quanh việc tạo một tủ sách gia đình, nhà nghiên cứu, họa sĩ Ngô Đức Chí cho biết, anh đã có một tủ sách với hơn 5.000 cuốn trong gia đình. Mỗi ngày, tủ sách nhỏ nhà anh Chí lại có thêm những cuốn sách về triết học, văn học, mỹ thuật, lịch sử và anh tự hào khi đã truyền được cảm hứng đọc sách đến con mình. “Con tôi đã 5 tuổi nhưng việc dạy chữ tôi để cho cô giáo, còn mình chỉ đọc sách hằng ngày cho cháu nghe. Cứ mang sách về đến nhà là bé đòi đọc ngay. Mặc dù chưa biết viết nhưng bé biết ngắt câu và thường nói theo tư duy văn viết”, anh Chí cho biết.

Thời gian gần đây, tại TP Hội An, những mô hình, cách làm trực quan đang được triển khai nhằm lồng ghép yếu tố văn hóa vào từng trang sách giúp học sinh dễ dàng tiếp cận, hiểu được văn hóa địa phương. Bà Lê Thị Tuấn, Trưởng phòng Bảo tàng Hội An, trực thuộc Trung tâm quản lý Bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho hay: “Hiện nay, nhóm anh chị em trong bảo tàng có biên soạn tài liệu giáo dục di sản trong học đường. Đó là những tài liệu dành cho cấp tiểu học đã được triển khai dạy từ năm học 2020-2021, bao gồm tài liệu cho giáo viên và tài liệu cho học sinh. Nhóm tài liệu dành cho học sinh sẽ mang tính trực quan. Có những hình ảnh kèm câu hỏi, những phần áp dụng công nghệ giúp giáo viên dễ truyền tải nội dung”.

Theo diễn giả Nguyễn Quốc Vương, tạo sự yêu thích sách cho con cần theo sự tăng dần. Khi trẻ con bắt đầu có cảm hứng với sách, chúng sẽ thích sách theo sự tự nhiên trong suy nghĩ. Việc quan tâm đến cảm xúc của trẻ sau mỗi lần chúng đọc để hiểu con hơn là điều vô cùng quan trọng. Cùng với đó, những câu lạc bộ đọc sách cho nhau nghe nên được triển khai rộng rãi và nên kết hợp các mô hình như viết, vẽ, sáng tạo các đồ thủ công mỹ nghệ cùng với việc đọc. Đồng thời, cộng đồng những người yêu sách cần sự chủ động đi tìm những người cùng sở thích để lan tỏa nhiều hơn nét văn hóa này.