Hồn tre trong trò chơi của trẻ

Cây tre không chỉ là biểu tượng của làng quê mà còn gắn liền với nhiều trò chơi dân gian thú vị. Trong cuộc sống hôm nay, nhiều mô hình trò chơi làm từ thân tre cho trẻ nhỏ luôn khiến người lớn cảm thấy thân quen, gần gũi bởi ký ức xưa tràn về.
0:00 / 0:00
0:00
Khu vui chơi làm từ tre tại một trường mầm non ở miền núi Thanh Hóa.
Khu vui chơi làm từ tre tại một trường mầm non ở miền núi Thanh Hóa.

Từ chuyện xưa ở làng...

Nhớ những hội làng, trò chơi cầu tre là một thử thách sự khéo léo của người chơi. Cây tre dài được cố định một đầu, đầu còn lại cột vào dây thừng, treo lơ lửng để tạo thành một "cây cầu" nhỏ. Người chơi cố gắng giữ thăng bằng khi bước, không mấy ai đi được đến cuối cây cầu nhưng tất thảy đều vui vì đó là thử thách bản thân.

Câu chuyện về cây tre và sự gắn bó với đời sống làng quê, ai cũng có thể kể vanh vách, chẳng hạn như ông Nguyễn Văn Nhàn, đóng đồ tre ở thôn Hội Lâm, xã Tiên Châu (Tiên Phước, Quảng Nam), cho biết: “Từ xa xưa, cây tre đã như một người bạn đồng hành. Từng dụng cụ trong gia đình như mâm ăn cơm, ghế ngồi, chiếc giường bên hiên nhà, thúng, mủng, dần, sàng, nơm úp cá, giỏ đựng cua, dây buộc bánh các loại đều làm từ tre”.

Em Đỗ Lê Hoàng Lâm, lớp 7, Trường THCS Nguyễn Du (Hội An, Quảng Nam), cho biết: “Con đọc tài liệu, xem phim và học biết được người Ê Đê, Ba Na ở Tây Nguyên dùng tre để tạo nên những nhạc cụ và tiếng vang của nó mang âm hưởng núi rừng. Còn với người Thái, họ đã kết nối nhiều cây tre làm thành cọn nước tức một chiếc guồng lớn đặt cạnh dòng suối để lấy nước tưới đồng ruộng, giúp mùa màng bội thu”.

Lời kể đưa mọi người trở về một thời mà cây tre hiện diện ở mọi nơi, từ lao động sản xuất đến văn hóa và nghệ thuật. Với ông Nhàn và nhiều người, tre không chỉ là vật liệu mà còn là nét văn hóa, là ký ức của một làng quê tràn đầy sức sống và giản dị, nơi thiên nhiên và con người hòa làm một.

Yêu cây tre từ quá khứ dự hội làng của thời thơ ấu, chị Đoàn Thị Xuân Điền, giáo viên mầm non xã Đông Quang (TP Thanh Hóa), cho hay: “Tre ở làng quê Việt không chỉ là cây gắn liền với đời sống mà còn là một phần của tuổi thơ và ký ức cùng những trò chơi khó quên”.

Nhiều người đã từng chơi những trò chơi dân gian đều kể về những kỷ niệm của mình, chị Đào Thị Tố Loan, giáo viên tiểu học phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa), cho biết: “Nhớ ngày xưa chơi trò đi cầu tre có thưởng. Mỗi bước chân đều phải thật cẩn trọng vì cây cầu tre lúc nào cũng chao đảo, dễ làm người chơi mất thăng bằng nên phải dùng sự tập trung để giữ vững cơ thể. Nói chung những trò chơi từ cây tre không chỉ mang lại sự gắn kết cộng đồng mà còn rèn luyện sự khéo léo, nhanh nhạy cho người chơi".

... đến việc chơi ở trường

Với niềm đam mê đặc biệt dành cho chất liệu tre, anh Trần Ngọc Minh, sống tại thôn Hồng Kỳ, xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa, Thanh Hóa), làm công việc chế tác các sản phẩm từ thân cây tre nhiều năm. Đối với anh, cây tre không chỉ là nguyên liệu tự nhiên quen thuộc mà còn là ký ức của nhiều người. Anh Minh cho hay: “Tôi luôn mong muốn tạo ra các món đồ chơi làm từ tre dành cho trẻ nhỏ. Đó là những món đồ chơi thân thiện không chỉ giúp trẻ khám phá thế giới chung quanh mà còn dần dần khơi dậy tình yêu đối với thiên nhiên và văn hóa truyền thống”.

Thời gian gần đây, anh Minh thường lên các huyện Ngọc Lặc, Bá Thước, Cẩm Thủy (Thanh Hóa) lấy nguyên liệu. Sau khi có được nguyên liệu đạt chuẩn, anh đã dựa trên mô hình các trò chơi dành cho thiếu nhi làm từ vật liệu nhựa hoặc bê-tông để chuyển sang vật liệu bằng tre.

Anh Minh cho biết: “Tre là chất liệu dễ tái chế, lành tính, bền vững và mang đậm chất Việt. Những món đồ chơi như thúng mủng, cầu trượt nhỏ, khung tổ tò vò từ thân tre và lốp xe cũ trong sân trường sẽ giúp các cháu nhỏ phát triển kỹ năng vận động. Tôi hy vọng các trường mẫu giáo trên cả nước sẽ quan tâm và đặt hàng những sản phẩm đồ chơi bằng tre nhiều hơn”.

Tại một số trường mầm non miền núi, các khu vui chơi cho trẻ như cầu trượt, cầu thang, nhà lồng, những chiếc cầu và bậc thang ở đây phần lớn được tạo hình từ các thân tre chắc chắn: “Mỗi chi tiết đều mang dấu ấn từ thiên nhiên và sự tái chế, không tốn kém và ảnh hưởng đến môi trường như các mẫu cầu trượt hay nhà chơi làm từ nhựa đúc, thép. Điều này giúp trẻ em vừa được vui chơi và vừa học được bài học về bảo vệ môi trường”, cô Lê Thị Phương, giáo viên mầm non tại thị trấn Bến Sung (Như Thanh, Thanh Hóa), cho hay.