Hỏi & Đáp

Bạn đọc
0:00 / 0:00
0:00

Tham quan một số tuyến điểm vùng sông nước, tôi thấy nhiều người vẫn chủ quan không mặc áo phao. Xin hỏi Thời Nay, pháp luật có quy định phải mặc áo phao khi ngồi trên ghe, thuyền không, nếu không sẽ bị xử lý như thế nào? (Trịnh Thúy Hà, quận Ba Đình, TP Hà Nội).

Thời Nay:

Việc không mặc áo phao hoặc sử dụng dụng cụ cứu sinh khi tham gia giao thông đường thủy có thể bị xử phạt theo Nghị định 139/2021, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa.

Cụ thể, tại khoản 3 Điều 34 Nghị định 139/2021 quy định phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với người, hành khách khi có hành vi không mặc áo phao cứu sinh hoặc không mang dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân khi tham gia giao thông trên các phương tiện sau:

- Phương tiện không có động cơ có trọng tải toàn phần đến 15 tấn, hoặc có sức chở đến 12 người;

- Phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính đến 15 sức ngựa, hoặc có sức chở đến 12 người;

- Phương tiện chở khách ngang sông (đò, phà).

Ngoài ra, Nghị định 139/2021 cũng quy định các mức xử phạt vi phạm liên quan đến phao cứu sinh trong giao thông đường thủy nội địa, cụ thể:

- Đối với hành vi không hướng dẫn cách sử dụng thiết bị, dụng cụ cứu sinh (áo phao...), cứu đắm cho người, hành khách trên phương tiện thì người lái phương tiện sử dụng phương tiện có sức chở đến 12 người bị phạt tiền từ 1-2 triệu đồng.

- Đối với hành vi kinh doanh vận tải hành khách, hành lý, bao gửi bằng tàu theo chuyến cố định mà không có bảng hướng dẫn cách sử dụng thiết bị, dụng cụ cứu sinh (áo phao...), cứu đắm:

+ Nếu cá nhân vi phạm thì bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng;

+ Nếu tổ chức vi phạm thì bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.