Công phu và khéo léo
Những người cao tuổi trong làng kể lại, thoạt đầu, bánh làm ra chỉ để phục vụ nhu cầu của một số hộ và người dân địa phương, tiếp đến bánh được chọn làm món “lương khô” cho các cuộc hành quân dưới thời vua chúa Nguyễn. Ngày nay, bánh tráng không chỉ trở thành món ăn quen thuộc trong các dịp lễ hội, cúng giỗ, tiệc mừng của người dân miền trung mà người dân nơi khác, khách du lịch cũng biết đến và yêu thích hương vị đặc trưng của bánh. “Ngày càng có nhiều các loại bánh kẹo, đồ ăn vặt nhưng chúng tôi vẫn có một thị trường riêng. Mỗi ngày làng nghề vẫn đỏ lửa, chúng tôi ý thức rằng giữ nghề là giữ cái hồn cốt của cha ông, còn nghề là còn người. Hiện, trong làng còn hơn 50 hộ theo nghề làm bánh tráng thủ công này”, ông Tiến cho biết.
Theo ông Tiến, những vật dụng cần thiết để làm bánh tráng gồm lò đất, nồi lớn có căng vải dùng để tráng bánh, một cái gáo múc bột, một ống lăng lấy bánh và những chiếc vỉ phơi. Để làm ra được những chiếc bánh, nguyên liệu chính là gạo, nhưng không phải loại gạo nào cũng có thể làm được bánh ngon. Người thợ làm bánh làng Lựu Bảo chú trọng đến việc chọn kỹ gạo trắng, thơm, chất lượng sau đó ngâm nước qua đêm để bột mềm rồi đem xay nhuyễn.
Khi bột đã đạt độ nhuyễn mong muốn, người thợ dùng chiếc khuôn tre để tráng từng lớp bột mỏng. Công đoạn tráng bánh đòi hỏi kỹ thuật cao, tay phải đều và nhanh để lớp bột mỏng, mịn đều nhưng không bị rách. Chiếc bánh bột mỏng sau khi tráng xong sẽ được đem ra phơi nắng tự nhiên. Mỗi tấm bánh cần phơi dưới ánh mặt trời từ 1 đến 2 giờ để đạt độ giòn vừa đủ. “Phơi bánh là một nghệ thuật. Ánh nắng là yếu tố quan trọng nhưng không phải lúc nào nắng cũng vừa ý người làm. Những ngày trời âm u hay mưa dầm, bánh khó khô, dễ bị dai hoặc ẩm mốc. Vì vậy, người dân Lựu Bảo luôn phải nắm rõ thời tiết, chọn những ngày nắng ráo để làm ra mẻ bánh ngon nhất”, ông Tiến tiết lộ.
Hương vị đặc trưng riêng
Điểm đặc biệt của bánh tráng Lựu Bảo là mùi thơm. Nó không chỉ đơn thuần là mùi lúa mới, mà còn có cả chút khói ngai ngái, chút hương đồng cỏ nội, gợi nhớ về những ngày an nhàn sau mùa gặt. Khi nướng, bánh tráng Lựu Bảo bung nở, tỏa mùi thơm ngọt của loại gạo mới, quyện cùng chút mặn từ gia vị. Một chiếc bánh tráng ngon khi nướng phải có độ giòn tan, nhưng khi nhúng nước lại phải dẻo mềm, không rách. Chính vì nét đặc trưng riêng, bánh tráng Lựu Bảo đã trở thành nguyên liệu quen thuộc trong nhiều món ăn của người Huế. Với độ mỏng, dẻo và vị thơm bùi, bánh tráng không chỉ dùng để nhúng cuốn mà còn được nướng, trộn, chiên tạo nên nhiều hương vị hấp dẫn cho món ăn.
Mặc dù tồn tại đã lâu, nhưng theo thời gian, làng nghề truyền thống đang đối diện với nhiều khó khăn. Cuộc sống hiện đại, công nghệ máy móc mới từ xay, trộn, tráng bánh đã làm cho các sản phẩm thủ công dần mất đi sự cạnh tranh. Hơn nữa, lớp trẻ ngày nay ít mặn mà với việc duy trì nghề truyền thống khiến nhiều người cao tuổi lo lắng về tương lai của làng nghề.
Để thích ứng với xu hướng mới, nhiều chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm cũng đã và đang được địa phương tổ chức để đưa bánh tráng Lựu Bảo đến gần hơn với thị trường trong và ngoài nước. Các tour du lịch về làng nghề cũng được mở, giúp du khách không chỉ đến tìm hiểu về quá trình làm bánh mà còn khám phá thêm về cảnh quan đời sống và con người nơi đây. Điều này không chỉ giúp việc duy trì và phát huy giá trị văn hóa của làng nghề mà còn là nguồn sinh kế bền vững cho nhiều hộ gia đình. Đặc biệt, trong bối cảnh các sản phẩm truyền thống, tự nhiên ngày càng được ưa chuộng thông qua các hình thức truyền thông trên mạng xã hội nên bánh tráng Lựu Bảo có thêm cơ hội để vươn xa.
Anh Nguyễn Minh Nhật, từng sinh ra và lớn lên ở làng Lựu Bảo, nay là hướng dẫn viên Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, không giấu nổi niềm tự hào khi nói về món bánh quê nhà: “Hương vị của bánh tráng Lựu Bảo ai đã từng thử qua một lần sẽ không thể quên. Nó không chỉ là cái giòn, cái thơm, mà là cả tình người, cái hồn quê đọng lại trong từng miếng bánh. Đó không chỉ là một món ăn, mà còn là một tác phẩm nghệ thuật, chứa đựng trong đó là cả một câu chuyện về sự kiên trì, về tình yêu với với nghề”.