Vui hội Xên Lẩu Nó với dân tộc Thái

NDO - Cũng như các dân tộc khác, người Thái đen ở huyện biên giới Sông Mã, tỉnh Sơn La, có kho tàng văn hóa dân gian khá phong phú và đa dạng với nhiều lễ hội độc đáo như: Mừng cơm mới, Xên bản, Hạn khuống… Trong đó, đặc sắc nhất phải kể đến lễ hội Xên Lẩu Nó.
Các con nuôi chuẩn bị đồ lễ để cảm ơn thầy cúng.
Các con nuôi chuẩn bị đồ lễ để cảm ơn thầy cúng.

Giám đốc Bảo tàng tỉnh Sơn La Ngô Thị Hải Yến cho biết: "Ở lễ hội Xên Lẩu Nó, nếu loại trừ đi những yếu tố mê tín dị đoan, các thầy cúng đã đóng vai trò quan trọng như: liên kết và bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống cộng đồng; chữa khỏi bệnh cho dân, giúp cộng đồng trong việc củng cố đời sống tinh thần, làm tăng niềm tin và nghị lực sống cho mỗi con người trước những bệnh tật, thử thách, khó khăn của cuộc sống; biết hướng thiện, tránh cái xấu, sống hiếu thuận với cha mẹ, vợ chồng chung thủy, vun vén gia đình, biết đối nhân xử thế và làm theo những điều ông bà răn dạy, pháp luật cho phép".

Được tổ chức 3-5 năm/lần, lễ hội Xên Lẩu Nó kéo dài 3 ngày 3 đêm tại nhà thầy cúng. Sau khi chọn ngày tổ chức, mọi người sẽ được báo trước 10 ngày để chuẩn bị tham dự. Từ sáng sớm, những người được thầy cúng chữa khỏi bệnh, được coi là con nuôi của thầy cúng, khắp bản trên, mường dưới mang lễ vật như: gùi gạo, con gà, rượu… đến nhà thầy cúng để tạ ơn.

Phần lễ và phần hội của Xên Lẩu Nó có sự đan xen với nhau. Đây được coi là một ngày hội lớn của cộng đồng người Thái đen, thu hút được nhiều đối tượng, lứa tuổi tham gia, bởi ý thức tôn trọng truyền thống văn hóa của dân tộc. Tại đây, mọi người gặp gỡ, chúc nhau sức khỏe, chia sẻ những kinh nghiệm quý trong xây dựng gia đình văn hóa, giáo dục con cháu làm những điều tốt.

Với ý nghĩa như vậy, lễ hội Xên Lẩu Nó không chỉ thu hút được mọi người trong xã, ngoài xã mà còn thu hút cả người ở các tỉnh khác hay dân tộc khác tham dự. Khi ánh mặt trời khuất sau những dãy núi, sau những nghi lễ cảm tạ trời đất cũng là thời điểm không gian bỗng vỡ òa và sôi động bởi những tiếng trống, tiếng chiêng cùng những tiếng hát, tiếng cười với những điệu xòe pha chút men rượu cần nghiêng ngả. Trong ánh lửa bập bùng, không phân biệt tuổi tác, nam, nữ hay dân tộc, mọi người tay trong tay xòe, reo vang hết mình.

Khi những làn sương trắng bạc chiếm lĩnh những mái nhà sàn hay lưng chừng núi, cũng là lúc mọi người kết thúc điệu xòe, lời hát. Để rồi đến đêm kế tiếp, tất cả lại tiếp tục quyện vào nhau, vai khoác vai, tay trong tay cùng điệu trống, chiêng nhảy múa... Những chum rượu cần bao lần đổ nước vẫn chảy ngọt, mềm môi, đống lửa cũng bao lần thêm củi, rực than hồng và rồi bao tốp người thay nhau vào đánh trống, gõ chiêng, nhảy múa…

Ánh mặt trời dần tỏa sáng, thăm thẳm đường rừng, mọi người lại háo hức trở về với những nương ngô, thửa ruộng. Dư âm về một lễ hội linh thiêng, sôi động sẽ mãi theo họ trong cuộc sống hằng ngày, giúp họ vượt qua những lo toan thường nhật và cùng hẹn gặp ở lễ hội lần sau.