Hồi sinh nghề dệt thổ cẩm
của người Ba Na
làng Xí Thoại

Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống đặc trưng đã có từ hàng trăm năm trước của người dân tộc Ba Na. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, do nhiều yếu tố tác động, thị trường hàng hóa may mặc đa dạng, phong phú tràn ngập khắp nơi…, nghề dệt thổ cẩm truyền thống gần như bị mai một, người biết nghề thưa dần…
Thực hiện chính sách bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số, tỉnh Phú Yên đã quan tâm chỉ đạo các sở ngành, địa phương khôi phục, phát triển nghề dệt thổ cẩm độc đáo này. Đến nay, dệt thổ cẩm làng Xí Thoại, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân đã được tỉnh Phú Yên công nhận làng nghề truyền thống.
Độc đáo nghề dệt thủ công

Năm nay bước vào tuổi 85, bà So Thị Nghiệp (83 tuổi), ở thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân vẫn còn rất minh mẫn. Bà Nghiệp kể, từ xa xưa, người Ba Na đã dùng cây lanh, cây bông và cây gai dầu có sẵn trên rừng để tạo ra sợi vải thổ cẩm. Đây là chất liệu sợi vải tự nhiên, an toàn và thân thiện với môi trường. Từ những khung cửi thô sơ tự làm, những người thợ tài hoa đã dệt thành nhiều sản phẩm may mặc có một không hai.
Nét đặc sắc riêng có của dệt thổ cẩm Ba Na thôn Xí Thoại là bề mặt vải được dệt những ô hoa văn nổi trông giống như được thêu tay một cách rõ nét, cầu kỳ ở cả 2 mặt vải. Họa tiết trong các sản phẩm dệt thổ cẩm này là những hình khối đối xứng, phản ánh quan niệm về vũ trụ, trời-đất, âm-dương.
Mỗi tấm vải thổ cẩm là một tác phẩm nghệ thuật thu nhỏ, lấy cảm hứng từ vẻ đẹp thiên nhiên, hoa lá, nơi gắn liền với cuộc sống, sinh hoạt chốn núi rừng của người Ba Na. Màu sắc chủ đạo là trắng, đỏ và đen. Người Ba Na đặc biệt tôn trọng màu đen và coi nó như một biểu tượng của quyền lực tự nhiên, tượng trưng cho sức mạnh và vẻ uy nghiêm của thiên nhiên hoang dã. Còn màu đỏ biểu thị sức mạnh và tình yêu; màu trắng đại diện cho nguyện vọng và ước mơ.
Người Ba Na dùng vải thổ cẩm để may trang phục như váy áo, khố, khăn, túi... Đàn ông mặc áo chui đầu, cổ xẻ, hở ngực, cộc tay, đóng khố; phụ nữ mặc áo chui đầu, không xẻ cổ kết hợp với váy. Váy của phụ nữ Ba Na chỉ là một tấm vải đen được quấn quanh thân dưới, có tua rua hạt cườm. Những họa tiết băng trắng nằm chủ yếu phần giữa thân áo và váy; hai ống tay áo đều được trang trí hoa văn. Thắt lưng váy được dệt thêu hoa văn và tua vải hai đầu, buông thõng dài hai đầu sang hai bên hông.
Vào những dịp lễ hội, các cô gái Ba Na sử dụng những bộ váy áo rực rỡ, phối thêm nhiều phụ kiện như khăn choàng, túi xách, vòng đeo tay thổ cẩm… để làm tôn lên dáng vẻ yêu kiều, thướt tha trong những điệu múa mềm mại, uyển chuyển theo nhịp cồng chiêng…
Chính sự tinh tế, độc đáo gắn với bản sắc văn hóa bao đời nay của người Ba Na, nên nghề dệt thổ cẩm được lưu giữ, truyền từ đời này đến đời khác trong các gia đình, giòng họ theo kiểu “mẹ truyền con nối”. Các cụ kể rằng, theo truyền thống, các cô gái Ba Na đến tuổi trưởng thành đều được các bà, các mẹ truyền dạy cách dệt thổ cẩm và xem đây là một cách gìn giữ nét văn hóa đặc trưng của gia đình, của dân tộc mình.

Theo bà So Thị Nghiệp, thời của bà, các chàng trai Ba Na phải khỏe mạnh, giỏi đi săn, làm rẫy; còn các cô gái Ba Na phải giỏi đan lát, biết dệt thổ cẩm thì mới lấy được vợ, được chồng. Những cô gái Ba Na từ 12-15 tuổi sẽ được mẹ truyền dạy cách dệt vải để may những chiếc áo váy, dệt những tấm khăn dùng trong mùa lễ hội. Dệt thổ cẩm trở thành một kỹ năng cần thiết của các cô gái khi đến tuổi trưởng thành. Tùy vào sự khéo tay và khả năng sáng tạo mà người con gái Ba Na sẽ tạo ra những họa tiết khác nhau trên tấm vải và những bộ trang phục chính là “thước đo” sự đảm đang, khéo léo của các cô gái Ba Na.
Nghệ nhân Đoàn Thị Minh, ở làng Xí Thoại năm nay 75 tuổi, đã gắn bó với khung dệt thổ cẩm từ nhỏ tâm sự: Từ những năm 13, 14 tuổi, bà đã được mẹ truyền dạy nghề dệt thổ cẩm. Lớn lên có gia đình, ngày bà làm nương, làm rẫy, tối về ngồi vào khung cửi. “Khi thì dệt váy áo cho mình, cho chồng con, lúc thì nhận dệt cho người quen đặt hàng”, bà Minh chia sẻ.
Phát triển thành sản phẩm du lịch, hàng hóa

Với ý thức giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của người phụ nữ Ba Na, bà Đoàn Thị Minh, So Thị Nghiệp và nhiều nghệ nhân lớn tuổi khác cũng hướng dẫn, truyền dạy cho con cháu làm nghề, giữ nghề dệt thổ cẩm. Tuy nhiên, sự đam mê và tay nghề không thể so sánh với các chị, các mẹ ngày xưa.
Hơn nữa, ngày nay kinh tế phát triển, miền ngược miền xuôi đã gắn kết với nhau. Sản phẩm hàng hóa, nhất là vải vóc, quần áo may sẵn tràn ngập mọi nơi đã tạo cho người đồng bào quen dần với những bộ quần áo may sẵn của người Kinh…Rồi chỉ vào những dịp lễ hội mới thấy đàn ông, đàn bà, nam nữ thanh niên vận trang phục truyền thống.
Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Ba Na đứng trước nguy cơ bị mai một. Bà La O Thị Ngọc, một nghệ nhân tâm huyết, luôn giữ lửa, truyền nghề cho thế hệ trẻ chia sẻ: “Có thời điểm, thôn Xí Thoại chỉ còn vài ba người còn biết cách lên khung dệt, phối màu, hoa văn. Những cô gái trẻ bây giờ thường không còn đủ kiên nhẫn, chịu khó với từng động tác luồng sợi, dệt vải nên việc tìm người truyền nghề cũng rất khó khăn”.
Ông Trần Quốc Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân cho biết, trước nguy cơ nghề dệt thổ cẩm Xí Thoại bị mai một, thất truyền, năm 2000, huyện Đồng Xuân chỉ đạo xã Xuân Lãnh thành lập tổ dệt thổ cẩm địa phương. Tổ gồm 16 chị em phụ nữ biết nghề và đam mê truyền nghề. Tuy nhiên, tổ dệt này hoạt động không hiệu quả do rất khó tìm được đầu ra cho sản phẩm của làng nghề.
Năm 2016, từ nguồn kinh phí khuyến công, Sở Công Thương Phú Yên phối hợp huyện Đồng Xuân triển khai “Đề án bảo tồn, duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm ở thôn Xí Thoại”. Đề án gồm 5 hạng mục: đào tạo nghề; đầu tư trang thiết bị (khung dệt, len chỉ thêu); học tập, tìm kiếm, du nhập nghề; thiết kế mẫu mã và sản xuất thử một số dòng sản phẩm mới. Những năm sau đó, ngành Công Thương thường xuyên tạo điều kiện để đưa sản phẩm dệt thổ cẩm Xí Thoại giới thiệu, quảng bá tại nhiều chương trình hội chợ quảng bá, xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh.

Từ tháng 4/2022, UBND huyện Đồng Xuân phối hợp tổ chức MCNV (tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, hoạt động vì quyền sức khỏe và hòa nhập xã hội của các nhóm thiệt thòi tại Việt Nam) triển khai dự án “Nâng cao thu nhập và tạo việc làm cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Đồng Xuân”. Theo đó, tổ chức MCNV hỗ trợ 13 bộ khung dệt, 2 tủ kính trưng bày sản phẩm; tổ chức 2 lớp tập huấn cho phụ nữ thôn biết cách lên khung, tạo hoa văn vải dệt.
Giới thiệu về làng nghề thổ cẩm Xí Thoại (Phú Yên) tại Thủ đô Hà Nội. (Ảnh: baophuyen.vn)
Giới thiệu về làng nghề thổ cẩm Xí Thoại (Phú Yên) tại Thủ đô Hà Nội. (Ảnh: baophuyen.vn)
Dự án cũng hỗ trợ một số thành viên tổ dệt tham gia tập huấn tại hợp tác xã Dệt thổ cẩm Cơ Tu Zara (tỉnh Quảng Nam) để tạo ra các sản phẩm dệt thổ cẩm phục vụ khách du lịch; hỗ trợ liên kết hộ sản xuất với doanh nghiệp, quảng bá tiếp thị sản phẩm… Nhờ vậy, làng nghề dệt thổ cẩm Xí Thoại đã làm được 20 sản phẩm mới được rất nhiều du khách ưa chuộng…Đến cuối năm 2023, làng nghề dệt thổ cẩm Xí Thoại đã được UBND tỉnh Phú Yên công nhận là làng nghề truyền thống.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, đồng chí Hồ Văn Mười, Bí thư Huyện ủy Đồng Xuân cho biết: về lâu dài, huyện Đồng Xuân tiếp tục huy động các nguồn lực để xây dựng cơ sở trưng bày các sản phẩm phục vụ du lịch tại địa phương, tạo điều kiện về trang thiết bị, cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu của người dân làng nghề. Mục tiêu của huyện là phát triển làng nghề dệt thổ cẩm Xí Thoại thành điểm du lịch cộng đồng, là động lực thu hút khách du lịch đến với huyện Đồng Xuân.
Du khách quốc tế thích thú khi được xem, trải nghiệm thực tế công việc dệt thổ cẩm của nghệ nhân. (Ảnh: baophuyen.vn)
Du khách quốc tế thích thú khi được xem, trải nghiệm thực tế công việc dệt thổ cẩm của nghệ nhân. (Ảnh: baophuyen.vn)
Hiện nay, nghề dệt thổ cẩm Xí Thoại đã tạo việc làm tại chỗ và tăng thu nhập cho 40 hộ dân; trong đó 30 người có việc làm thường xuyên, ổn định. Thu nhập của người dân làng nghề ngày càng tăng cao. Năm 2022, tổng doanh thu làng nghề đạt 370 triệu đồng; lợi nhuận 336 triệu đồng. Năm 2023, tổng doanh thu đạt 624 triệu đồng; lợi nhuận 576 triệu đồng. Trong đó, những người làm việc chuyên nghiệp có thu nhập từ 4-6 triệu đồng/tháng; người làm không chuyên từ 1,2-1,5 triệu đồng/tháng.
Về lâu dài, huyện Đồng Xuân tiếp tục huy động các nguồn lực để xây dựng cơ sở trưng bày các sản phẩm phục vụ du lịch tại địa phương, tạo điều kiện về trang thiết bị, cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu của người dân làng nghề. Mục tiêu của huyện là phát triển làng nghề dệt thổ cẩm Xí Thoại thành điểm du lịch cộng đồng, là động lực thu hút khách du lịch đến với huyện Đồng Xuân.

Về định hướng phát triển làng nghề dệt thổ cẩm Xí Thoại, Bí thư Huyện ủy Đồng Xuân Hồ Văn Mười xác định: Bên cạnh việc gìn giữ, bảo tồn nghề truyền thống, mục tiêu sau cùng của địa phương là giúp người dân sống được với nghề, tạo việc làm và tăng nguồn thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Địa phương đang làm việc với một số nhà đầu tư nghiên cứu các mô hình phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm; kết hợp giữa du lịch cảnh quan sinh thái với trải nghiệm làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống, biểu diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm và thưởng thức ẩm thực, rượu cần của đồng bào dân tộc Ba Na.
Đặc biệt, vừa qua, sản phẩm dệt thổ cẩm Xí Thoại được tỉnh lựa chọn làm quà tặng cho một số nước châu Âu và trưng bày, giới thiệu tại Hà Lan. Đây là tín hiệu tốt để Đồng Xuân hướng đến mục tiêu đưa sản phẩm dệt thổ cẩm của bà con đồng bào Ba Na thôn Xí Thoại vươn xa hơn, có thể tiếp cận với các thị trường nước ngoài.
Ngày xuất bản: 15/10/2024
Tổ chức sản xuất: ĐÔNG MINH
Nội dung và trình bày: TRÌNH THU TRÂM, BIỆN DIỆU
Ảnh: TRÌNH THU TRÂM, baophuyen.vn