Đồng bào Lự giữ bản sắc từ trang phục truyền thống

Là một dân tộc ít người trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, người Lự vốn ít được biết đến, nhưng trang phục của người Lự lại là một trong những loại trang phục cầu kỳ và mang vẻ đẹp rực rỡ, độc đáo. Với người Lự, những nỗ lực để giữ trang phục truyền thống cũng chính là để giữ gìn bản sắc văn hóa của mình.

Vẻ đẹp độc đáo của trang phục người Lự

Cộng đồng người Lự ở Lai Châu cho đến nay vẫn giữ gìn được nhiều truyền thống văn hóa độc đáo của mình, từ kiến trúc, dân ca dân vũ, ẩm thực, phong tục tập quán, lễ hội…, đặc biệt là trang phục.

Trang phục của người Lự không chỉ thể hiện sự khéo léo, kỳ công, độc đáo, chứa đựng nhân sinh quan, thế giới quan của người Lự, mà còn thể hiện nét riêng biệt làm nên bản sắc văn hóa của họ.

Bà Lò Thị Khăn, xã Bản Hon, huyện Tam Đường, Lai Châu rất ngạc nhiên khi thấy nhiều người ở Hà Nội quan tâm đến bộ trang phục của mình như vậy khi về dự Ngày hội Đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam tại Làng Văn hóa – Du lịch Đồng Mô, Hà Nội. Từ ngạc nhiên đến tự hào, bà ngồi trò chuyện, giải thích với mọi người về những công đoạn làm ra một bộ trang phục, việc mà trước kia cô gái Lự nào cũng phải biết và phải tự làm.

Người Lự là một dân tộc ít người trong cộng đồng 54 dân tộc anh em ở Việt Nam; sinh sống chủ yếu ở một số xã vùng cao thuộc các huyện Tam Đường, Tân Uyên, Sìn Hồ (Lai Châu). Đây là một trong các dân tộc có số dân dưới 10.000 người ở Việt Nam.

Bà Lò Thị Khăn cho biết, do tập quán sống định cư ven các con sông suối, các thung lũng đất đai tương đối bằng phẳng, màu mỡ, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, thủ công nghiệp, mà từ rất sớm, tổ tiên người Lự đã biết trồng bông, dệt vải.

Cầu kỳ nhất là trang phục của phụ nữ Lự, gồm có áo, váy, thắt lưng, khăn đội đầu và các phụ kiện trang sức đi kèm. Áo may bằng vải chàm đen, theo kiểu áo tứ thân, ghép liên kết với nhau từ 6 miếng vải cắt theo hình rẻ quạt, tạo cho áo có vạt xòe rộng so với eo. Tay áo và thân áo đều đắp những đường hoa văn nhỏ cầu kỳ từ vải hoa hoặc thổ cẩm dệt được khâu tỉ mỉ và viền nhiều màu, tạo sự rực rỡ, tươi tắn nổi bật trên nền trang phục màu chàm.

Những em bé dân tộc Lự.

Những em bé dân tộc Lự.

Trang phục phụ nữ Lự có một đoạn hoa văn trang trí đắp vải kiểu này vòng quanh eo từ phía trước ra phía sau, người Lự gọi là “con suối uốn lượn.” Dưới hoa văn ghép vải là những hình tam giác thêu bằng chỉ các màu. Hai bên vạt áo được đính hai dây vải hoa, tua bằng sợi len các màu có xâu cườm. Khi mặc, vạt áo được vắt chéo thân bên trái sang phía sườn phải và buộc hai dây vải với nhau. Trên áo, phụ nữ Lự đeo các dây bạc kết từ các miếng bạc hình tròn, chạy tiệp với các dải hoa văn trang trí thân áo.

Hàng ngày, phụ nữ Lự mặc loại váy ống, được may bằng vải sợi bông nhuộm chàm. Váy được thiết kế hai lớp với hoa văn 3 tầng đẹp mắt. Phần váy ống này cũng được trang trí vô cùng cầu kỳ, tỉ mỉ, với phần trên hông được dệt hoa văn thổ cẩm kết hợp với vải màu, vải hoa.

Thắt lưng và phụ kiện đeo lưng là phục trang độc đáo nhất của người phụ nữ Lự. Thắt lưng thường bằng vải thổ cẩm, đeo bên trong áo, vừa có tác dụng giữ váy, vừa để trang trí. Thắt lưng thường dài khoảng 1 sải tay, dệt từ thổ cẩm sáng màu. Đi kèm với thắt lưng là một chùm dây vải thắt ở eo, một đầu được khâu hình tam giác nhọn, đính kèm chùm quả bông nhiều màu để trang trí.

"Từ rất sớm, tổ tiên người Lự đã biết trồng bông, dệt vải.
Bà Lò Thị Khăn, Bản Hon, Tam Đường, Lai Châu

Làm trang phục rất vất vả, trang phục được làm từ rất nhiều loại màu sắc khác nhau chứ không phải một màu
Bà Lò Thị Khăn, Bản Hon, Tam Đường, Lai Châu

Trang phục của người phụ nữ Lự thường kết hợp cùng đồ trang sức, làm từ bạc, nhôm, đồng, hoặc tết từ vải màu, vải hoa, quả bông, chỉ màu, thổ cẩm sặc sỡ.

Ngày thường, phụ nữ Lự mặc váy chàm thêu móc đơn giản để thuận tiện cho công việc. Vào dịp lễ hội, tết, họ mặc váy hai, ba lớp với đường nét hoa văn trang trí tỉ mỉ, khéo léo. Hiện nay, loại váy này vẫn được chị em ưa thích và sử dụng phổ biến.

Khăn đội đầu cũng là nét độc đáo trong trang phục của người phụ nữ Lự. Khăn thường được trang trí bằng các dải sọc trắng, khi quấn, mặt này được quay ra ngoài. Khăn được trang trí bằng các dây tua rua bạc hoặc các chùm quả bông. Khăn đội đầu cùng với phụ kiện trang sức như vòng cổ, vòng tay, hoa tai được làm từ bạc, nhôm hoặc đồng càng làm tăng thêm vẻ đẹp duyên dáng, yêu kiều của các cô gái dân tộc Lự.

Trang phục của các bé gái Lự cũng cầu kỳ như của người lớn, chỉ khác là các bé không quấn khăn đội đầu.

Trang phục của nam giới người dân tộc Lự đơn giản hơn, với quần áo được nhuộm chàm đen, áo cánh kiểu xẻ ngực cài cúc tết dây vải, có hai túi ở hai vạt áo. Cổ và miệng túi đều được đắp hoa văn thổ cẩm trang trí. Cúc hình viên tròn, nhỏ bằng bạc, cúc đơn hoặc chùm, cài vào các khuyết được tết bằng dây vải.

Nam giới người Lự thường đội khăn đen gấp nếp cuốn nhiều vòng. Trong sinh hoạt, họ thường đem theo bên mình chiếc túi đeo do phụ nữ Lự làm ra. Chiếc túi được làm với nhiều kích cỡ khác nhau và trang trí bằng các hoạ tiết hoa văn với đủ các màu sắc rực rỡ.

Kỳ công trang phục dân tộc Lự

Một bộ trang phục đẹp và cầu kỳ như vậy, chắc chắn phải mất rất nhiều công sức và thời gian để làm ra. Theo bà Lò Thị Khăn, phải mất hai tháng mới làm ra được hoa văn cho một chiếc váy, chưa có thân, thân được làm và khâu vào sau. Tổng thời gian làm một chiếc áo là 3 tháng. Đó là chưa tính thời gian gieo hạt, trồng bông, dệt vải.

“Từ tháng 3, sau khi ăn Tết xong, người Lự chúng tôi đi phát nương, gieo hạt trồng bông. Đến tháng 9, tháng 10 cây bông cho quả, thì đi thu hoạch. Quả bông mang về nhặt cỏ, nhặt hạt rồi phơi khô, bật bông lên kéo sợi, sau đó quấn thành các con sợi rồi đem đi giặt. Giặt xong mang về nấu cơm nát để hồ sợi rồi phơi khô. Sau đó mới mắc sợi vào khung cửi để dệt thành tấm vải rồi nhuộm chàm và thêu” – Bà Lò Thị Khăn mô tả quy trình dệt vải chàm để may trang phục của người Lự.

Toàn bộ các chi tiết hoa văn trên áo đều được khâu bằng tay. Tất cả những chi tiết màu sắc rực rỡ đều do người phụ nữ Lự tự làm, tự thêu, tự đắp.

Nhà nào cũng có khung dệt cửi, làm trang phục cho cả nhà, cả phụ nữ, trẻ con và đàn ông.

Bà Lò Thị Khăn cho biết, trang phục của phụ nữ Lự chưa chồng và có chồng không khác nhau. Cô dâu sẽ mặc bộ trang phục dân tộc đẹp nhất, rực rỡ nhất so với ngày thường. Và điểm đặc biệt nhất, theo bà Khăn, là chú rể phải tự tay làm một bộ trang phục cho cô dâu mặc ngày rước dâu. Nói là tự làm, nhưng có lẽ chú rể cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ từ những phụ nữ trong gia đình để hoàn thành bộ trang phục.

Tuy nhiên, riêng đối với cô dâu người Lự, trong đám cưới không được cài hoa, vì theo quan niệm của người Lự, cô dâu cài hoa không tốt.

Gìn giữ trang phục như giữ bản sắc dân tộc

Bộ trang phục cầu kỳ và mất nhiều thời gian, cho nên mỗi cô gái người Lự đều phải học cách làm từ khi còn nhỏ. Bà Khăn cho biết, từ 7, 8 tuổi là các bé gái đã được học cách làm từ các khâu đơn giản. Với những ai chăm chỉ và khéo tay, khoảng 2 tháng là bắt đầu biết may, thêu cơ bản một bộ trang phục. “Ngày xưa chúng tôi tự hào về bộ quần áo váy đẹp. Tất cả những dịp lễ tết quan trọng trong năm hoặc trong đời người, chúng tôi đều mặc trang phục dân tộc. Bây giờ lớp trẻ chỉ thích quần áo hiện đại, họ sợ bộ trang phục dân tộc lỗi thời nên không hay mặc” – bà Khăn bùi ngùi nói.

Từ 7, 8 tuổi là các bé gái đã được học cách làm từ các khâu đơn giản. Với những ai chăm chỉ và khéo tay, khoảng 2 tháng là bắt đầu biết may, thêu cơ bản một bộ trang phục.

Chính vì không mặc trang phục dân tộc nhiều như các thế hệ trước, mà ngày nay số phụ nữ biết may, thêu trang phục cũng không nhiều. Các bé gái cũng không còn buộc phải biết may, thêu như trước nữa.

Thật ra, như bà Khăn kể, ngày nay muốn may một bộ trang phục truyền thống cũng không còn quá vất vả như ngày trước, vì có sẵn rất nhiều loại nguyên phụ liệu, từ hoa văn trang trí dệt sẵn cho đến quả bông, khuy bạc… “Trước kia chúng tôi thích màu nào thì sẽ tự nhuộm màu đó. Bây giờ chỉ việc mua vải màu về may. Ngày nay nhiều nguyên liệu làm sẵn, có loại sẵn thì may nhanh, nhưng cũng có loại vẫn phải tự may” – bà Khăn nói.

Hiện nay, nghề dệt truyền thống và những bộ trang phục mang bản sắc riêng của người Lự vẫn được những người yêu mến vốn cổ của dân tộc gìn giữ và phát huy, tạo nên nét đặc trưng riêng so với các tộc người khác trong vùng. Đặc biệt, ở bản Hon, xã Bản Hon, huyện Tam Đường, Lai Châu, nếp sống cùng những phong tục, đặc trưng văn hóa của người Lự đang được giữ gìn, tiếp nối, tạo nên sức hấp dẫn về du lịch, thu hút du khách từ nhiều nơi.

Bản thân nhiều người Lự cũng mong muốn những thế hệ sau này giữ gìn, kế tiếp những di sản văn hóa của cha ông, trong đó có trang phục. “Tôi muốn nói với các con, cháu ở nhà là những trang phục này khi ra ngoài rất được yêu thích, người dân tộc Lự phải yêu quý trang phục của chính mình, nếu không thì mất hết bản sắc, không còn là người Lự nữa” bà Lò Thị Khăn bày tỏ.

Ngày xuất bản: 1/11/2024
Tổ chức sản xuất: MINH ĐÔNG
Nội dung và trình bày: LINH KHÁNH
Ảnh: THÀNH ĐẠT