Du xuân đón Tết cùng đồng bào Tày ở xóm Thu Lu:

Nét đẹp Đà Bắc trong lễ cúng đón Tết của người Tày

Những ngày cuối cùng của năm cũ, bà con người Tày ở các xóm núi Thu Lu, xã Giáp Đắt, huyện vùng cao Đà Bắc (Hòa Bình), lại tất bật cùng nhau chuẩn bị lễ vật để dâng cúng tổ tiên, tổng kết lại một năm hăng say lao động và đón Tết, cầu cho một năm mới ấm no, đủ đầy.

Hôm nay, gia đình ông Xa Văn Vì cũng chuẩn bị mâm cỗ với đầy đủ các món ăn truyền thống của cả ngày Tết và lễ cơm mới để dâng cúng tổ tiên. Anh chị em họ hàng, làng xóm và cả gia đình thông gia đều tới để giúp gia chủ làm lễ cúng tiễn năm cũ, đón năm mới và mời tổ tiên về cùng ăn Tết.

Đây là lễ cúng truyền thống quan trọng nhất đối với mỗi gia đình của đồng bào dân tộc Tày, mang ý nghĩa tổng kết một năm sản xuất, dâng thành quả lao động cúng đất trời, cầu mưa thuận gió hòa và bày tỏ sự tôn kính lên ông bà, tổ tiên đã khuất.

Ngày làm lễ, cả gia đình dậy sớm, quần áo, đầu tóc gọn gàng sạch sẽ. Đàn ông thì thịt lợn, thịt gà, phụ nữ đồ xôi, thổi cơm.

Trong những ngày lễ quan trọng này, người con dâu giữ vai trò quan trọng nhất. Mọi việc diễn ra chu đáo, đầy đủ hay không là do sự nhanh nhẹn, đảm đang của người con dâu trong gia đình.


Bếp lửa là nơi diễn ra các hoạt động chính trong nhà, vừa là chỗ đun nấu, bảo quản lương thực, vừa là nơi thờ Thần bếp lửa nhằm xua đuổi tà ma, đề phòng thú dữ và cầu mong sự may mắn, đầm ấm, no đủ.

Ngoài việc chuẩn bị đầy đủ lễ vật, nhân lực, vật lực, thì buổi chiều trước ngày làm lễ, cả gia đình dọn vệ sinh nhà cửa, vườn tược, ao chuồng cho sạch sẽ. Đến tối lấy gạo nếp và gạo cốm cùng các loại thịt thú rừng đã phơi khô ra ngâm để chuẩn bị cho ngày mai thật chu toàn.

Những người phụ nữ quây quần bên nhau, người thì giã bánh dáy, người lại gói bánh chưng. Bánh chưng và bánh dáy cũng là hai món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ cúng của bà con nơi đây.

Người Tày không gói bánh chưng vuông mà chỉ gói bánh dài. Nhân bánh chưng không có đỗ xanh, mà chỉ có thịt lợn, thì là và hạt dổi.

Quả cọ được xem là thức quà dân dã của người dân nơi đây. Sau khi được chế biến đúng cách, quả cọ sẽ có vị bùi bùi, béo ngậy, được dùng để mời khách đến chơi.

Mâm cúng được chuẩn bị công phu với các món bao gồm: cá, thịt, rượu, trầu cau, thú rừng, rau rừng, những sản vật do người dân tự trồng cấy, nuôi được.... tùy thuộc vào từng hoàn cảnh gia đình. Nhưng cho dù hoàn cảnh thế nào, mọi nhà đều cố gắng có một mâm cơm tươm tất nhất, đầy đủ các món đồ lễ để dâng cúng lên tổ tiên. Trước đây đũa cúng phải dùng đũa hoa, nhưng giờ đây giản tiện thì người dân dùng đũa thường.

Bàn thờ tổ tiên được bố trí ở góc tường thẳng cửa vóong chính, còn các mâm thờ nhỏ hơn đặt dưới ban thờ tổ tiên. Ngoài thờ cúng tổ tiên, người Tày còn thờ vua bếp, thổ công; đây là những vị thần cai quản và trông giữ nơi họ sinh sống nên tất cả các gia đình đều làm lễ thờ trong mấy ngày Tết với mong muốn các vị thần sẽ che chở, bảo vệ cho gia đình.

Khi mâm cỗ cúng được hoàn tất cũng là lúc thầy mo tới cúng giúp gia đình. Trong các nghi lễ, vai trò thầy mo rất quan trọng, bởi người Tày tin rằng, thầy mo có thể đại diện cho thế giới con người giao tiếp với thế giới của thần linh và thiên nhiên.

Khi thầy mo cúng xong, gia đình đem những cuộn vải và đồ trang sức cất cẩn thận để dùng cho các lần sau, bày mâm cỗ cúng ra để cả nhà cùng liên hoan. Mâm cỗ của những người quan trọng nhất trong buổi lễ sẽ được đặt đối diện bàn thờ.

Các dịp lễ tết là dịp để gia chủ mời họ hàng làng xóm tới chung vui. Bên mâm cơm, những câu chuyện rôm rả, râm ran cứ kéo dài mãi, gắn kết thêm tình cảm xóm làng, dòng tộc.

Em bé dân tộc Tày ngộ nghĩnh, tinh nghịch trong không gian sum vầy, đầm ấm.

Những nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt của các chị em phụ nữ. Đây là lúc họ tận hưởng thành quả của mình sau nhiều ngày chuẩn bị vất vả.

Hiện nay, cỗ cúng và các nghi lễ đã được bà con làm gọn nhẹ hơn so với xưa kia. Nhưng tất cả đều thể hiện mong ước của con cháu, hy vọng ông bà, tổ tiên sẽ phù hộ cho gia đình sang năm mới mạnh khỏe, may mắn, bình an.

Ngày xuất bản: 10/2/2024
Thực hiện: Nhóm phóng viên