Theo dòng chảy của thời gian, trải qua giao thoa giữa các dân tộc và ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa, đồng bào người Thái ở huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) vẫn  luôn nỗ lực giữ gìn, phát huy những “vốn liếng” của văn hóa cổ truyền trước nguy cơ mai một. Vì vậy, họ không những tự hào về bản sắc truyền thống của dân tộc, dựa vào đó để phát triển kinh tế xã hội mà còn làm say lòng du khách mỗi dịp tới nơi đây.

Tìm lại chữ viết dân tộc mình

Nghệ nhân Ưu tú Sầm Văn Bình

Nghệ nhân Ưu tú Sầm Văn Bình

Qua giới thiệu của Thường trực Huyện ủy Quỳ Hợp, chúng tôi được chị Ngân Thị Hồng (người dân tộc Thái), Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện Quỳ Hợp dẫn đến nhà Nghệ nhân Ưu tú Sầm Văn Bình – một người con của dân tộc Thái đã dày công, tâm huyết sưu tầm lại chữ viết của dân tộc mình trước nguy cơ mai một.

Ngồi tiếp chuyện chúng tôi trong căn nhà nhỏ ngập tràn sách vở, tài liệu liên quan đến chữ Thái cùng những tấm bằng khen các cấp, ông Sầm Văn Bình trầm ngâm: “Với bao nỗ lực tôi đã thi đậu trường Đại học Đường thủy, sau này sáp nhập thành Đại học Hàng hải (Hải Phòng), là “của hiếm” của bản làng thời bấy giờ. Chẳng biết vì sao mà tôi lại quyết tâm theo học một ngành hoàn toàn xa lạ với mình. Có lẽ vì sinh ra giữa núi rừng, vì khát khao khám phá của tuổi trẻ mà mình đi học nghề đóng tàu biển để mình được như những con tàu kia hiên ngang vượt đại dương bao la, khám phá thế giới rộng lớn”.

Tốt nghiệp Trường Đại học Hàng hải năm 1987, hành trình khám phá đại dương của ông Bình không được thuận buồm xuôi gió mà gập ghềnh như chính như những con đường ở bản làng ông. Năm 2000, ông quyết tâm trở về quê sinh sống và phải trầy trật làm đủ các loại nghề để mưu sinh. Trong quá trình làm việc ở quê, ông được tiếp xúc với nhiều văn tự cổ của người Thái. Trớ trêu thay, ông lại không biết đọc, biết viết tiếng Thái, trong khi bản thân lại thạo tiếng Anh và biết chút ít tiếng Đức.

Ông luôn suy nghĩ: “Tại sao chữ viết của chính dân tộc mình mà lại không viết, không đọc được và dần bị mai một mà không ai để ý. Điều đó đã thôi thúc tôi bắt tay vào công việc đi sưu tầm, để hiểu, để biên soạn được chữ Thái”.

Tại sao chữ viết của chính dân tộc mình mà lại không viết, không đọc được và dần bị mai một mà không ai để ý.
Nghệ nhân Ưu tú Sầm Văn Bình

Ngày qua ngày, chẳng quản nắng mưa, đường sá xa xôi, hễ nghe ở đâu có thông tin, nhà nào có tài liệu là ông đến tận nơi để xin cóp nhặt.

Mỗi lần đi giỗ, hay dự đám cưới là ông tranh thủ hỏi thêm thầy mo, nghệ nhân ở các làng, các bản để có thêm thông tin.

Khi nghe tin ông Bình đang tìm hiểu và đi “xin” chữ Thái, các già làng và người dân trong và ngoài huyện có tài liệu liên quan đã tìm đến trao tận tay cho ông…

Sau khi đã phần nào hiểu được cấu tạo, cách đọc, ông Sầm Văn Bình mày mò biên soạn giáo trình chữ Thái riêng của vùng mình. “Hệ chữ Lai Tay”, “Lai xứ Mường Ham” đã ra đời và trở thành những cuốn tài liệu quý giá chứa đựng bao tâm huyết, công sức của ông.

Nghệ nhân Ưu tú Sầm Văn Bình dành thời gian nghiên cứu và thiết kế thành công 5 font chữ Thái cài đặt để đánh chữ Thái trên máy tính.

Nghệ nhân Ưu tú Sầm Văn Bình dành thời gian nghiên cứu và thiết kế thành công 5 font chữ Thái cài đặt để đánh chữ Thái trên máy tính.

Tiếp đó ông Bình tiếp tục nghiên cứu, biên soạn và cho ra đời nhiều cuốn sách quý như Từ điển tiếng Thái Nghệ An, Lời ai điếu của thầy Mo, Khởi nguồn từ tâm thức… cùng nhiều tài liệu, giáo trình quý khác như: Hệ chữ Lai xứ Thanh Hóa, Hệ chữ Lai xứ Mường Mùn, Hệ chữ Lai xứ Mường Muỗi, Hệ chữ Lai Pao, Giải pháp sử dụng phụ âm, vần… cùng hàng trăm bài nghiên cứu, bài viết trao đổi về chữ Thái trên các báo, tạp chí, diễn đàn.

Tác phẩm “Lời ai điều của thầy Mo” - bộ sách dày công của ông Sầm Văn Bình.

Tác phẩm “Lời ai điều của thầy Mo” - bộ sách dày công của ông Sầm Văn Bình.

Không chỉ nghiên cứu, phối hợp biên soạn tài liệu dạy học tiếng Thái, ông Bình đã trực tiếp dạy một số lớp cho bà con trong vùng; hướng dẫn cách dạy tiếng Thái cho các giáo viên tại trung tâm giáo dục thường xuyên các địa phương... Qua hướng dẫn học chữ của dân tộc, ông Bình đã khéo lồng ghép các bài đồng dao, bài hát, bài thơ hay bài cúng để mọi người dễ học, dễ nhớ và đồng thời giữ gìn bản sắc văn hóa người Thái.

Ngoài ra, ông Bình còn được mời tham gia hội thảo về chữ Thái và văn hóa Thái ở nhiều nơi trong và ngoài nước như: Hà Nội, Điện Biên, Sơn La, thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Lào và Thái Lan...  

Tài liệu giáo trình dạy chữ Thái Lai Tay của ông Sầm Văn Bình được sử dụng rộng rãi hiện nay.

Tài liệu giáo trình dạy chữ Thái Lai Tay của ông Sầm Văn Bình được sử dụng rộng rãi hiện nay.

Ông Bình cũng dành thời gian nghiên cứu và phối hợp với giáo viên trường Đại học Vinh thiết kế thành công các loại font chữ Thái để mọi người có thể cài đặt và đánh chữ Thái trên máy tính. Đó là các font chữ Thái thuộc các hệ chữ Thái Lai - Tay, Lai – Xư - Thanh và Lai - Pao được sử dụng rộng rãi trong các nhóm Thái của Nghệ An. Đặc biệt, ông đã biên soạn xong và in thành bộ tài liệu dạy học chữ Thái, hệ Lai - Tay gồm năm cuốn theo từng chủ đề và được sử dụng rộng rãi ở các lớp học chữ Thái hiện nay.

Nói về ông Sầm Văn Bình, đồng chí Hoàng Văn Thái - Phó chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp chia sẻ: “Những công trình mà Nghệ nhân Ưu tú Sầm Văn Bình đã công bố là kết quả của biết bao công sức và tâm huyết không thể đong đếm của ông  trong suốt nhiều năm qua. Cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân đều ghi nhận đóng góp của ông Bình trong việc tìm lại chữ viết cho đồng bào người Thái mà từ trước tới nay chưa ai làm được.

Những công trình nghiên cứu của Nghệ nhân Ưu tú Sầm Văn Bình góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, lan tỏa một cách bền vững tiếng nói, chữ viết của dân tộc Thái trên quê hương Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung.

Bảo tồn

nghề dệt thổ cẩm

Rời nhà ông Sầm Văn Bình cùng với niềm vui vì những kết quả đạt được trong việc sưu tầm, biên soạn và truyền dạy chữ của đồng bào người Thái, chúng tôi ngược lên bản Cô, xã Châu Thành.

Dọc đường, những bản làng người Thái ở hai bên quốc lộ với những nếp nhà sàn truyền thống thân thuộc ẩn hiện sau những vườn cây xanh, hàng cau cao vút phía trước trông rất đỗi yên bình và thơ mộng. Thấp thoáng trong nếp nhà sàn là những thiếu nữ Thái với trang phục truyền thống đang ngồi bên khung cửi dệt vải.

Thấy chúng tôi ấn tượng với những bộ trang phục nhiều màu sắc với đường nét, hoa văn tinh xảo, chị Ngân Thị Tỵ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Châu Thành cầm tấm khăn thổ cẩm vừa dệt trên tay giới thiệu thêm về chất liệu, ý nghĩa từng hoa văn. Những nét đặc trưng trên trang phục người Thái đã được trao truyền qua bao thế hệ. Chị chia sẻ: “Đối với đồng bào người Thái, hễ vào dịp lễ hội, những ngày trọng đại thì chị em phụ nữ đều sử dụng trang phục truyền thống. Đặc biệt đây cũng là của hồi môn cho con gái khi đi lấy chồng”.

Đồng bào Thái ở Châu Thành nói riêng và huyện Quỳ Hợp nói chung từ xưa đến nay đã có nghề truyền thống dệt thổ cẩm, được truyền từ các bà, các mẹ đến các con cháu theo các thế hệ.

Mặc dù từ trước đến nay, bản có truyền thống dệt thổ cẩm, nhưng chủ yếu để phục vụ trong gia đình. Đặc biệt hiện giờ một số người trong bản không biết dệt thổ cẩm nữa, nhất là các bạn trẻ. Do đó, để bảo tồn, giữ gìn và phát huy trang phục truyền thống; năm 2022, tổ hợp tác dệt thổ cẩm Hội Nông dân xã Châu Thành được thành lập với 10 thành viên. Từ đó, các hội viên có cơ hội, tiếp xúc để chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời nâng cao chất lượng những sản phẩm thổ cẩm, qua đó quảng bá, giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước.

Chị Lương Thị Biến, thành viên tổ hợp tác chia sẻ: “Nhờ có tổ hợp tác dệt thổ cẩm Hội Nông dân mà sản phẩm chị em làm ra không phải lo đầu ra, mỗi tháng mình có thu nhập thêm, từ 1,5 đến 2 triệu đồng. Đặc biệt, mỗi khi dệt mình cũng tranh thủ truyền dạy cách dệt cho con gái đang học lớp 8, giúp con hiểu hơn về trang phục truyền thống của dân tộc mình”…

Các chị em tổ hợp tác dệt thổ cẩm xã Châu Thành trong một buổi sinh hoạt.

Các chị em tổ hợp tác dệt thổ cẩm xã Châu Thành trong một buổi sinh hoạt.

Nằm cách bản Cô không xa, Trường PTDTBT THCS Châu Thành chủ yếu là con em đồng bào dân tộc Thái học tập. Nhà trường luôn xác định giáo dục là một trong những biện pháp có tính bền vững để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống. Do đó những năm qua, Trường đã tích cực đi đầu trong việc lồng ghép các môn học và các hoạt động ngoại khóa nội dung xoay quanh các tiết mục văn nghệ, các điệu múa truyền thống; cho học sinh đi nghiên cứu thực tế tại các nhà dệt thổ cẩm; tổ chức cho các em thi nấu các món ẩm thực của dân tộc Thái như thi gói bánh chưng đen, nấu canh ột, chẻo chấm, cá nướng…

Nhà trường còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian thái gắn với các bài hát đồng dao người Thái Nghệ An hay phiên âm những bài hát nổi tiếng ra tiếng Thái… Đồng thời, phối hợp với địa phương tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, trình diễn trang phục người Thái; thi tài dệt vải, kéo sợi, thi nấu món ăn người Thái… vào dịp các ngày lễ, Tết.

Trường PTDTBT THCS Châu Thành tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa

Trường PTDTBT THCS Châu Thành tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa

Cô Ngân Thị Hà, Hiệu phó Trường PTDTBT THCS Châu Thành cho biết: Cùng với việc nâng cao chất lượng dạy học, nhà trường quan tâm đến việc bảo tồn phát huy văn hóa của các dân tộc. Nhà trường tổ chức cho học sinh mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình vào một số ngày trong tuần và các ngày lễ lớn do nhà trường tổ chức.

Để bảo tồn, phát huy những nét đẹp truyền thống của dân tộc Thái, nhà trường còn triển khai các đề tài nghiên cứu về họa tiết hoa văn thổ cẩm; nghiên cứu giá trị nhân văn và giải pháp bảo tồn lễ hội “Xang Khan” của đồng bào dân tộc Thái Quỳ Hợp; nghiên cứu nghi lễ “Xọc Mé nàng”… để đưa vào giảng dạy. Các nhóm FB, Zalo “Em yêu văn hóa Thái” của trường lập ra đã có hàng nghìn người tham gia…

Nhờ việc xây dựng và triển khai đưa vào học ngoại khóa nhiều chương trình, quá trình yêu những nét văn hóa, truyền thống dân tộc của các em dần được ăn sâu vào tiềm thức.

Sắp tới, nhà trường sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch để học sinh tăng cường trách nhiệm bảo tồn văn hóa dân tộc. Qua những bài học, trải nghiệm thực tế để cho học sinh hiểu sâu sắc hơn về giá trị văn hóa của các dân tộc, đặc biệt là dân tộc nơi mình sinh sống để từ đó các em thêm yêu quê hương, phấn đấu học tập trở thành con ngoan, trò giỏi. Đồng thời, trong quá trình hội nhập, có sự giao thoa giữa các dân tộc, các em hiểu được trang phục truyền thống của dân tộc mình không phải ngẫu nhiên mà có, để từ đó các em học sinh tự hào hơn khi mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình, giữ gìn những nét đẹp của bản làng, cô Ngân Thị Hà chia sẻ.

Truyền dạy những làn điệu dân ca

Khuất dần sau những ngọn núi, bóng dáng các chị em phụ nữ Thái xúng xính váy áo sặc sỡ sắc màu tiễn chúng tôi để lại ấn tượng khó phai khi rời bản Cô. Bỗng vang lên đâu đây câu hát:

Mời anh về thăm bản em
Nơi non cao bốn mùa xanh thắm
Nắm chặt tay, về bên nhau ta cùng vui múa
Hát điệu nhuôn, điệu khắp quê mình
Anh sẽ về với bản em
Anh sẽ trở về với bản em...

Trên hành trình tìm về với các hoạt động bảo tồn vốn cổ của người dân Quỳ Hợp, mang theo những lời ca, tiếng hát, điệu nhảy, chúng tôi về bản Mường Ham, xã Châu Cường (Quỳ Hợp). Nơi đây không chỉ được biết đến là vùng đất gắn với sự tích lập bản, dựng mường mà còn gắn liền với lễ hội Pửn Pang - Nang Ny huyền thoại (Lễ hội Mường Ham) của người Thái ở Châu Cường.

Có thể nói, cùng với chữ viết, trang phục thì những làn điệu dân ca Thái cũng được xem là “tài sản quý” của đồng bào người Thái ở Quỳ Hợp. Trong đời sống hằng ngày, các làn điệu nhuôn, xuối, lăm, khắp… đã tồn tại ngấm vào từng hơi thở, ăn sâu vào tâm thức đời sống của đồng bào.

Tuy nhiên, càng ngày lại càng có ít người hát dân ca Thái khiến những làn điệu này đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Thêm vào đó, hiện nay khi mạng xã hội phát triển thì thế hệ trẻ lại yêu thích các bài hát sôi động, điệu nhảy hiện đại mà quên mất đi các làn điệu xuối, lăm, nhuôn của dân tộc mình.

Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ dân gian liên thế hệ ở bản Mường Ham

Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ dân gian liên thế hệ ở bản Mường Ham

Mang theo trăn trở này, năm 2006 bà Lương Thị Phiên, ở bản Mường Ham (Châu Cường) đã đứng ra thành lập câu lạc bộ dân gian liên thế hệ.

Bà Phiên cho biết: "Những ngày đầu mở lớp, tôi phải đi khắp trên bản dưới mường, tìm mọi cách vận động mọi người tham gia nhưng cũng khá khó khăn. Tuy nhiên nếu mình không đứng ra truyền dạy thì  ngày nào đó những điệu dân ca xuối, lăm, nhuôm sẽ bị mai một, thậm chí mất hẳn…".

Với quyết tâm của bà cùng sự động viên kịp thời của các cấp chính quyền, mọi người hưởng ứng và tham gia  câu lạc bộ dân ca ngày một đông.

Nghệ nhân Lương Thị Phiên say mê truyền dạy các làn điệu dân tộc Thái cho thế hệ trẻ

Nghệ nhân Lương Thị Phiên say mê truyền dạy các làn điệu dân tộc Thái cho thế hệ trẻ

Suốt những năm tháng qua, cùng với việc gìn giữ những làn điệu dân ca Thái cổ, bà Phiên còn sáng tác hàng chục điệu mới, lấy cảm hứng từ lao động sản xuất, truyền thống dựng bản lập mường, từ tình yêu lứa đôi… Đặc biệt, bà còn sáng tác những làn điệu về xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường,... góp phần làm phong phú thêm kho tàng dân ca của dân tộc mình cũng như phù hợp với thời cuộc.

Từ 10 thành viên ban đầu, đến nay, CLB do bà làm chủ nhiệm đã thu hút thêm hàng chục người, ở nhiều lứa tuổi khác nhau, người nhỏ tuổi nhất năm nay mới 8 tuổi. Đặc biệt, hằng tháng vào những ngày 15 âm lịch, căn nhà của Nghệ nhân Ưu tú Lương Thị Phiên trở thành địa điểm sinh hoạt, lan tỏa những điều hay, nét đẹp của đồng bào người Thái, thu hút được đông đảo bà con trên địa bàn. Ngoài ra, mỗi khi có sự kiện lớn ở làng bản thì câu lạc bộ do bà Lương Thị Phiên làm chủ nhiệm đều đến biểu diễn, nhờ đó mà những làn điệu ngày càng biết đến và yêu thích, ngấm sâu vào đời sống, sinh hoạt của bà con.

Nghệ nhân Lương Thị Phiên say mê truyền dạy các làn điệu dân tộc Thái cho thế hệ trẻ

Nghệ nhân Lương Thị Phiên say mê truyền dạy các làn điệu dân tộc Thái cho thế hệ trẻ

Em Lê Tiểu Vi, học sinh lớp 6 trường THCS Châu Cường chia sẻ: “Em rất thích hát, đặc biệt là các bài hát dân ca của đồng bào em. Tranh thủ vào những buổi tối cuối tuần hoặc vào những dịp hè em được mẹ cho tham gia lớp học của bà Phiên. Qua những bài hát em không chỉ biết hát được làn điệu dân ca mà còn biết thêm nhiều từ ngữ của người Thái chúng em”.

Ông Lương Văn Cả, Phó Chủ tịch UBND xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp cho biết thêm: “Trong những năm qua, những làn điệu xuối, lăm, nhuôn được đồng bào ở đây gìn giữ và phát triển. Đặc biệt, chúng tôi cũng chủ trương phổ biến, truyền dạy cho thế hệ trẻ, làm sao cho các em có niềm đam mê, yêu thích những làn điệu dân ca của dân tộc. Hiện toàn xã có 5 câu lạc bộ dân ca Thái, đến năm 2025 phấn đấu 9/9 bản đều có câu lạc bộ. Những câu lạc bộ như vậy đóng vai trò tích cực trong việc bảo tồn và phát huy các làn điệu dân ca dân tộc Thái trên địa bàn, làm phong phú đời sống tinh thần, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

Bài hát "Mời anh về thăm bản em", lời thơ Cao Đức Trung, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quỳ Hợp.

Bài hát "Mời anh về thăm bản em", lời thơ Cao Đức Trung, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quỳ Hợp.

Phát huy bản sắc để phát triển bền vững

Huyện Quỳ Hợp là một trong những địa phương có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số đứng thứ hai toàn tỉnh với 53%, trong đó đồng bào người Thái chiếm 40% dân số. Trong bối cảnh phát triển xã hội như hiện nay nếu không có "bộ lọc" đủ mạnh, những giải pháp sáng tạo thì nguy cơ cao sẽ tự đánh mất bản sắc, cội rễ và truyền thống văn hóa của dân tộc mình. Do đó, những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương huyện Quỳ Hợp đã đặc biệt quan tâm việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc, trong đó có đồng bào người Thái.

Ông Hoàng Văn Thái, Phó chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp,

Ông Hoàng Văn Thái, Phó chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp,

Ông Hoàng Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết: "Lãnh đạo cũng như các ban, ngành liên quan của huyện rất quan tâm việc bảo tồn và phát triển các bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc trên địa bàn huyện. Để bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc, năm 2017 UBND huyện Quỳ Hợp ban hành Đề án Bảo tồn và phát triển các làn điệu dân ca dân tộc Thái, Thổ và dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh huyện Quỳ Hợp, giai đoạn 2017-2020 và đang tiếp tục giai đoạn 2021-2025. Đến thời điểm hiện tại toàn huyện có 18 câu lạc bộ dân gian các dân tộc trên địa bàn nhằm hướng dẫn, đào tạo các hạt nhân văn nghệ yêu dân ca hát đúng, hát hay các làn điệu dân ca các dân tộc”.

Đồng bào người Thái vẫn giữ được những phong tục mang đậm đà bản sắc văn hóa.

Đồng bào người Thái vẫn giữ được những phong tục mang đậm đà bản sắc văn hóa.

Đặc biệt hằng năm huyện Quỳ Hợp tổ chức nhiều lễ hội lớn của đồng bào người Thái như Mường Ham, Lễ hội đền Chọong…. Vào những ngày dịp lễ lớn như Tết độc lập, ngày Đại đoàn kết dân tộc,... đồng bào người Thái đều tổ chức vui ca, chơi các trò chơi truyền thống, nấu những món ăn mang đậm đà bản sắc văn hóa người Thái.

Ngoài ra, huyện cũng tập trung bảo tồn những nếp nhà truyền thống, quy hoạch làm du lịch cộng đồng ở các bản làng như Chọong Bùng, Bản Vi, bản Bắc Sơn,... Từ những việc làm cụ thể, thiết thực đó mà nét văn hóa truyền thống người Thái không bị mai một mà ngày càng phát triển theo hướng bền vững, trong quá trình hội nhập, giao thoa với các dân tộc.

Những hiện vật quý về đồng bào người Thái được trưng bày tại Nhà truyền thống huyện Quỳ Hợp

Những hiện vật quý về đồng bào người Thái được trưng bày tại Nhà truyền thống huyện Quỳ Hợp

Quỳ Hợp cũng là một trong những huyện được chọn xây dựng huyện văn hóa của cả nước, vì vậy trong chiến lược phát triển, huyện đã có kế hoạch xây dựng sản phẩm văn hóa, du lịch của địa phương, trong đó chú trọng ưu tiên những ngành nghề gắn với bản sắc, văn hóa của vùng.

“Trong thời gian tới huyện sẽ đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức phổ biến, tuyên truyền về bảo tồn, giữ gìn và phát triển tri thức dân gian của các dân tộc trên địa bàn nói chung và dân tộc Thái nói riêng. Tăng cường công tác tuyên truyền để thu hút đầu tư, phát triển du lịch gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện thường xuyên, liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng, các hội nghị, hội thảo, các trang mạng xã hội, qua sách báo và trang website điện tử của huyện”, Phó chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp chia sẻ.

Item 1 of 4

Ngày xuất bản: 23/4/2024
Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH-NAM ĐÔNG
Thực hiện: THÀNH CHÂU-ĐÌNH PHƯỢNG
Trình bày: BẢO MINH