
Diễn ra hàng năm vào ngày 14/7 âm lịch, Tết Xíp xí là Tết lớn nhất của người Thái trắng ở Sơn La và vùng Tây Bắc, là dịp để con cháu người Thái trắng thể hiện lòng biết ơn và tưởng nhớ tổ tiên, để người lớn dành sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt đến thế hệ trẻ. Năm nay, niềm vui nhân gấp bội khi Nghi lễ Tết Xíp xí của người Thái trắng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Tết Xíp xí - Tết của lũ trẻ chăn trâu
“Xíp xí” tiếng Thái nghĩa là 14. Tết Xíp xí của người Thái trắng được tổ chức vào ngày 14 tháng 7 âm lịch. Trong ngày này, gia đình nào cũng có mâm lễ vật để cầu xin sự may mắn cho từng cá nhân, gia đình, dòng họ trong bản, cầu xin may mắn của trời đất, cầu cho mưa thuận, gió hòa, cầu sức khoẻ cho dân bản để lao động; cầu mong thần thánh, tổ tiên phù hộ cho con trẻ được mạnh khỏe, hay ăn chóng lớn, không ốm đau bệnh tật.
Tết Xíp Xí khởi nguồn từ dân tộc Thái trắng. Quá trình di cư, giao thoa văn hóa đã làm cho Xíp xí trở nên phổ biến.
Ở Sơn La có ba vùng đồng bào ăn Tết Xíp xí, đó là vùng đồng bào dân tộc Thái, Mường ở huyện Phù Yên, dân tộc Thái ở xã Ngọc Chiến của huyện Mường La và dân tộc Thái, Kháng cùng một số dân tộc anh em khác ở huyện Quỳnh Nhai. Ngoài ra, dân tộc Thái ở tỉnh Ðiện Biên và Lai Châu cũng ăn Tết Xíp xí.

Nghệ nhân Hoàng Văn Chiêm, bản Phiêng Nèn, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La.
Nghệ nhân Hoàng Văn Chiêm, bản Phiêng Nèn, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La.
Nghi lễ Tết Xíp xí nhằm tạ công ơn con trâu đã giúp người nông dân cày bừa, một công việc nặng nhọc vất vả; ghi nhớ công ơn những đứa trẻ trực tiếp chăn trâu, chăm sóc trâu; dâng lễ cúng tổ tiên, thần linh để nhờ thần linh, tổ tiên giúp đỡ, trông nom ruộng, nương, cầu cho mùa màng tươi tốt.
Nghệ nhân Hoàng Văn Chiêm
(bản Phiêng Nèn, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La)


Tục truyền từ ngày xưa kể lại rằng: Người Thái trắng sau khi thu hoạch và cày cấy xong sẽ làm lễ gác cày, bừa và cúng vía cho trâu. Tuy nhiên, lúc làm lễ, trẻ em sẽ được cắt cử mang trâu lên rừng chăn thả. Người lớn thì ở nhà làm lễ gác cày bừa, mổ lợn, mổ vịt gà tổ chức ăn uống với nhau no say mà không gọi trẻ em về và cũng không để phần cho chúng.
Đến giữa trưa, một số trẻ em quay về bản lấy nước uống. Thấy người lớn tổ chức ăn uống linh đình và quên không gọi chúng về, chúng bàn nhau tìm cách đối phó một cách láu lỉnh bằng cách rọ mõm hết các con nghé con lại, không cho đàn nghé ăn cỏ, cũng không cho bú sữa mẹ. Chúng cho rằng trẻ em không được ăn thì đàn nghé cũng không được ăn, để người lớn suy nghĩ lại về cách đối xử với chúng.
Chiều tối, đám trẻ lùa đàn trâu từ rừng về bản trong tình trạng các con trâu trưởng thành thì con nào cũng no căng bụng, còn những con nghé thì con nào con nấy bụng cũng lép kẹp, đói meo. Người lớn thấy vậy bèn hỏi đám trẻ tại sao lại rọ mõm các con nghé lại như thế.
Lúc này, một đứa trẻ lên tiếng cho rằng các con trâu được ăn uống no say cũng giống như người lớn được ăn uống no nê ở nhà. Còn đàn nghé, bụng đói lép kẹp cũng giống như bầy trẻ chăn trâu. Người lớn ở nhà có đoái hoài gì đến bọn trẻ đâu. Rồi những ngày sau đó, có một số đứa trẻ đi chăn thả trâu trên rừng còn phản đối bằng cách không thèm về nhà và cũng không đưa trâu về bản. Từ đó, người lớn biết mình sai, họ họp bàn thống nhất với nhau tổ chức làm Tết để động viên lũ trẻ chăn trâu.
Người có uy tín nhất trong bản đã cử người lên rừng đưa các em nhỏ về nhà, về bản đồng thời cho gọi người mổ vịt, gà, làm cơm xôi đen, cơm đỏ cho bọn trẻ ăn uống no nê vào đúng buổi trưa ngày 14/7 âm lịch, sau đó, cho bọn trẻ nghỉ ngơi nhảy múa cho đến chiều tối. Kể từ đó, hàng năm, người Thái trắng đã tổ chức làm Tết Xíp xí hay còn gọi là tết cho trẻ em.

Tái hiện hình ảnh trẻ chăn trâu tại nghi lễ của người Thái trắng Phù Yên.
Tái hiện hình ảnh trẻ chăn trâu tại nghi lễ của người Thái trắng Phù Yên.

Những trò chơi dân gian được tái hiện tại dịp tổ chức Tết Xíp xí của người Thái trắng Phù Yên.
Những trò chơi dân gian được tái hiện tại dịp tổ chức Tết Xíp xí của người Thái trắng Phù Yên.

Những trò chơi dân gian được tái hiện tại dịp tổ chức Tết Xíp xí của người Thái trắng Phù Yên.
Những trò chơi dân gian được tái hiện tại dịp tổ chức Tết Xíp xí của người Thái trắng Phù Yên.

Các nghệ nhân người Thái trắng, huyện Quỳnh Nhai, thực hiện nghi lễ cúng tại Đền Linh Sơn Thủy Từ trước khi diễn ra các hoạt động trong dịp Tết Xíp xí.
Các nghệ nhân người Thái trắng, huyện Quỳnh Nhai, thực hiện nghi lễ cúng tại Đền Linh Sơn Thủy Từ trước khi diễn ra các hoạt động trong dịp Tết Xíp xí.
Theo nghệ nhân ưu tú Hoàng Văn Chiêm, bản Phiêng Nèn, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La, Người Thái trắng tổ chức Nghi lễ Tết Xíp xí nhằm tạ công ơn con trâu đã giúp người nông dân cày bừa, một công việc nặng nhọc vất vả; ghi nhớ công ơn những đứa trẻ trực tiếp chăn trâu, chăm sóc trâu; dâng lễ cúng tổ tiên, thần linh để nhờ thần linh, tổ tiên giúp đỡ, trông nom ruộng, nương, cầu cho mùa màng tươi tốt.
“Tại huyện Quỳnh Nhai, người Thái trắng cho rằng tổ chức Tết Xíp xí là để sơ kết 6 tháng đầu năm, đây là lúc các gia đình vừa cấy lúa xong. Nghi lễ được chúng tôi duy trì bao đời nay và đến nay chúng tôi vẫn thường xuyên tổ chức các lớp truyền dạy văn hóa, phong tục tốt đẹp của dân tộc mình cho con, cháu…”, nghệ nhân ưu tú Hoàng Văn Chiêm cho biết thêm.
Tập tục thờ cúng trong Tết Xíp xí
Tết Xíp xí có hai phần: phần mo - thờ cúng tổ tiên, nhớ công ơn người khai phá tạo mường, lập bản và phần ăn uống, vui chơi văn hóa văn nghệ. Theo quan niệm của người Thái, người chết thì hồn bay về trời. Cuộc sống nơi trần gian của con người được tổ tiên, thần sông, thần núi che chở nên họ rất coi trọng thờ cúng.
Tập tục sinh hoạt và yếu tố sản xuất là cơ sở hình thành nên quan niệm về Tết Xíp xí ngày 14/7 âm lịch. Ðây là khoảng thời gian kết thúc vụ thu hoạch, công việc cấy cày cho vụ mùa mới vừa xong, người nông dân thực hiện "quai khẩu púng" (thả trâu vào rừng).
Ðược mùa, ăn cơm mới, việc đầu tiên là nhớ đến đất trời cho mưa thuận gió hòa, nhớ đến ông bà tổ tiên phù hộ độ trì, lẽ tự nhiên ấy dân tộc nào cũng giống nhau. Vì vậy, Tết Xíp xí của đồng bào dân tộc Thái đồng nghĩa với việc cúng "Nà Hoóng" (cúng trong nhà) và cúng “Tế ná" (cúng ruộng).
Từ chiều 13/7 âm lịch, các gia đình chuẩn bị các đồ lễ và đưa trâu về nhà. Lúc này, trẻ con hoặc người lớn đi lên púng (nơi thả trâu) tìm trâu đưa về nhà sớm hơn ngày thường. Trước khi đưa đàn trâu về nhà phải ghé qua suối hoặc chỗ ao vũng có nước sâu để tắm táp cho đàn trâu thật sạch sẽ.
Vào sáng ngày tổ chức lễ, chủ nhà sẽ chuẩn bị cho lễ cúng của mình tại gia đình. Các đồ lễ cần chuẩn bị: Vải thổ cẩm (gồm có vải thổ cẩm màu trắng, vải kẻ, vải hoa); vòng bạc; dây xà tích; bộ quần áo (sống sưa) của chủ nhà; hương, đèn dầu hoặc chén nến; gà luộc, vịt nướng hoặc luộc.
Đồng bào Thái trắng có quan niệm con vịt gắn bó với đồng ruộng, sông suối, cúng thịt vịt là muốn con vịt ăn hết sâu bọ hại lúa, con vịt mang điều không may mắn, điềm xấu trôi theo dòng nước. Do đó, vào sáng ngày 14/7, bên các dòng suối của bản, rất đông các gia đình mổ vịt, gà chuẩn bị lễ, tạo nên không khí vui vẻ, náo nhiệt.
Ngoài ra, các đồ lễ cúng còn có cá suối nướng; nộm hoa đu đủ; bánh chưng dài; xôi đen, xôi đỏ; tổ ong hấp; gạo tẻ; rượu trắng, chén rượu, muối trắng, trầu, vỏ chay…
Các món ăn không thể thiếu trong dịp Tết Xíp xí:
“Trong dịp tổ chức Tết Xíp xí, chúng tôi còn có nghi lễ dâng hương, dâng vật cúng tại Đền Linh Sơn Thủy Từ và Đền Nàng Han tại Khu du lịch văn hóa tâm linh huyện Quỳnh Nhai, là nơi thờ thần núi, thần sông và thờ vị nữ tướng Nàng Han của đồng bào dân tộc Thái ở Quỳnh Nhai. Nghi lễ để cảm tạ các bậc tiền nhân có công khai phá lập bản, tạo mường, nhớ công ơn tổ tiên và thỉnh bái các vị thần cầu cho quê hương thái bình, thịnh vượng, cộng đồng đoàn kết, mưa thuận gió hòa”, Nghệ nhân ưu tú Hoàng Văn Chiêm chia sẻ.
Từ 4 giờ sáng 14/7 âm lịch, các nhà đã dậy để chuẩn bị mổ vịt gà, làm đồ lễ cho kịp thắp hương thờ tổ tiên trước khi mặt trời mọc. Sở dĩ phải thắp hương sớm trước khi mặt trời mọc là vì người Thái có nhiều dòng họ, nhiều gia đình sống ở nhiều bản, nhiều nơi khác nhau. Nhà nào cũng làm Tết Xíp xí. Nhà nào thắp hương mời tổ tiên chậm thì tổ tiên sẽ đi ăn tết của các gia đình mời trước, có khi đi ăn tết ở bản khác rất xa.
* Tết Xíp xí có hai phần: phần mo - thờ cúng tổ tiên, nhớ công ơn người khai phá tạo mường, lập bản và phần ăn uống, vui chơi văn hóa văn nghệ.
Cũng có quan niệm, nếu để đến sáng khi mặt trời mọc sẽ gây khó khăn cho tổ tiên đến nhà con cháu, vì ban ngày của con người, ban đêm của người âm, mà tổ tiên không đến nghĩa là nhà đó sẽ bị xúi quẩy, thiếu may mắn vì không được tổ tiên phù hộ.
Công việc chính để chuẩn bị lễ là của đàn ông, do vậy họ phải dậy từ sớm để mổ gà, vịt. Trong lúc đàn ông đi ra suối làm gà, vịt thì phụ nữ trong gia đình chuẩn bị thổi xôi, xôi bánh Ít Uôi, nướng cá... Sau khi đồ lễ được chuẩn bị xong, gia đình xếp thành 6 mâm lễ vật thờ cúng…

Khấn xong, thầy mo tiếp tục tung đồng âm dương. Nếu cả 2 cùng ngửa có nghĩa báo hiệu tổ tiên đã về đủ. Lúc này, thầy mo tiếp tục khấn theo nghi lễ.
Sau đó, thầy mo rót một ít rượu lên đầu con trâu. Thầy làm lễ lần lượt từng con một. Rồi thầy mo đưa một số đồ ăn chuẩn bị sẵn như cơm, muối, thịt …. cho trâu ăn lần lượt từ con đầu đàn trở đi. Làm lễ cho trâu xong, gia đình bảo trẻ con đưa trâu lên thả trên lũng (bãi thả trâu).
Sau khi thực hiện nghi lễ mo xong, thầy mo và chủ nhà gọi con trẻ trong gia đình đến chuẩn bị nhận phần cỗ lễ của mình. Trước khi phát phần cỗ cho trẻ, thầy mo đưa áo (chiếc áo đặt ở mâm lễ cúng vía cho trẻ) cho chúng, dặn chúng mặc vào để giữ hồn vía, giúp chúng khỏi ốm đau, hoạn nạn và hay ăn chóng lớn. Khi trẻ mặc áo xong thì người lớn bắt đầu phát phần cỗ cho trẻ. Mỗi phần cỗ cho mỗi trẻ bao gồm: 1 con gà luộc, 1 ếp khảu xôi, 1 chiếc bánh chưng, một cặp bánh Ít Uôi, ít muối. Trong trường hợp không có thầy mo thì chủ nhà tự làm các thủ tục này. Vừa chia phần vừa dặn dò con cháu chăm ngoan, học giỏi…
“Vào những dịp tổ chức Tết Xíp xí, chúng tôi thích nhất là cùng người lớn tuổi quây quần gói bánh Ít Uôi, một loại bánh đặc trưng của người Thái trắng không thể thiếu trong mâm đồ lễ. Đây là loại bánh tượng trưng cho lứa đôi. Bánh được làm từ bột gạo nếp, trong có nhân thịt và đỗ xanh hoặc đỗ nho nhe, bánh được gói bằng lá chuối. Khi gói, tán dẹt bột, bỏ nhân đậu, thịt vào giữa, đặt vào hai đầu lá chuối, rồi cuốn lại thành một ống dài, phần giữa bánh vặn ngược chiều, rồi gập lại thành đôi và buộc chặt bằng lạt giang. Gói xong, bánh được xếp vào chõ (nồi để xôi bánh) theo chiều dựng đứng để bánh chín đều”, bạn Cầm Ngọc Thu Phương, Phó Bí thư Huyện đoàn huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La cho biết.
Xíp Xí không chỉ có ăn uống, vui chơi mà còn gắn với hoạt động "khắp chúc muôn" (hát chúc mừng), "khắp khoắm son cún" (hát dạy làm người). Người ta "khắp long te" (hát bè trên sông), "khắp báo sao" (hát trao duyên), hát lúc ăn uống, lúc thăm nhau.
Trong bữa cơm gia đình, người ta trò chuyện vui vẻ, hỏi thăm ý nhị, chúc tụng cởi mở. Khi cao hứng, chủ nhà với cây đàn "tính tẩu" (đàn bầu người Thái) để ở đầu giường giãi bày tình cảm, ngôn từ mộc mạc, âm thanh réo rắt, làm cho bữa tiệc không còn là say rượu mà say tình, say nghĩa.
Mai về quê mới, phải mang Xíp xí theo cùng...!
Trước đây, người Thái trắng cư trú chủ yếu ở các xã của huyện Quỳnh Nhai, họ cùng nhóm với người Thái trắng ở Mường So (Phong Thổ, Lai Châu và Mường Lay, Điện Biên). Ngoài ra, còn có các nhóm Thái trắng địa phương như: Người Thái trắng ở các huyện Mộc Châu, Phù Yên, Bắc Yên và Mường La với một số nét đặc trưng văn hóa riêng.
Năm 2008, thực hiện công cuộc di dân tái định cư nhường đất cho công trình thủy điện Sơn La, huyện Quỳnh Nhai đã phải di chuyển hơn 4.000 hộ dân ra khỏi vùng lòng hồ thủy điện, trong đó có nhiều bản làng của người Thái trắng. Họ di chuyển và tái định cư với nhiều hình thức: Di vén, di chuyển nội huyện, nội xã, di chuyển đến các huyện như: Mai Sơn, Yên Châu, Thuận Châu và thành phố Sơn La.
Khi tiến hành triển khai dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La, chính quyền địa phương đã có hẳn một dự án bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa vùng ngập. Nhưng trong lúc dự án còn nhiều vướng mắc, chậm thực thi thì bà con bản Nghe Toỏng, Chẩu Quân đã chủ động góp tiền "bảo tồn" văn hóa cho mình. Bản nọ đua bản kia, bản nào cũng làm cho bản mình đĩa VCD.
Các điệu múa, lời hát, các phong tục tập quán sinh hoạt đều được dựng thành kịch bản, quay video khá chuyên nghiệp. Ðĩa VCD được làm quà tặng người thân, gửi về các điểm tái định cư, cứ thế giá trị văn hóa nơi đây được biết đến như cơm ăn, nước uống hằng ngày.
Đồng bào Thái trắng dù làm gì, ở đâu cũng luôn mang trong mình tình yêu quê hương bản quán, khao khát gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là những nét văn hóa đặc sắc của Tết Xíp xí.
Những người di cư truyền tai nhau câu hát: "Mai về quê mới, phải mang Xíp xí theo cùng...!". Ðó là nguyện vọng chính đáng, là cách bà con thể hiện tình yêu quê hương bản quán, khát khao gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
"Tết Xíp xí là dịp để những người thân trong gia đình đi làm ăn xa được quay về quây quần bên nhau. Là dịp để những người trẻ được tiếp thu những nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình. Chúng tôi luôn tâm niệm phải gìn giữ và phát huy thật tốt những nét văn hoá này. Ngay trong những sinh hoạt, giao tiếp đời thường, chúng tôi cũng chú trọng tới việc bảo tồn ngôn ngữ, trang phục của dân tộc mình"
Đồng chí Cầm Ngọc Thu Phương
Phó Bí thư Huyện đoàn Phù Yên, tỉnh Sơn La


Trước đây, nghi lễ Tết Xíp xí tại Sơn La được đồng bào dân tộc Thái trắng tổ chức với quy mô gia đình. Tuy nhiên, ngày nay có nơi như xã Quang Huy, huyện Phù Yên; xã Mường Giàng, xã Mường Chiên, huyện Quỳnh Nhai đã tổ chức với quy mô cấp xã. Thậm chí, tại nhiều vùng của Sơn La, Tết Xíp xí đã trở thành lễ hội của cả cộng đồng bản mường vì nhà nào cũng thực hiện nghi lễ này vào đúng ngày 14/7 và còn có sự tham gia của các dân tộc khác…
Bạn Cầm Ngọc Thu Phương, Phó Bí thư Huyện đoàn huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La, cho biết: Tết Xíp xí cũng là dịp để những người thân trong gia đình đi làm ăn xa được quay về quây quần bên nhau. Là những người trẻ được tiếp thu lại những nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình, chúng tôi luôn tâm niệm phải phát huy và gìn giữ thật tốt những nét văn hoá này. Ngay trong những sinh hoạt, giao tiếp đời thường, chúng tôi cũng chú trọng tới việc bảo tồn ngôn ngữ, trang phục của dân tộc mình”.

Ông Phạm Hồng Thu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Du lịch tỉnh Sơn La.
Ông Phạm Hồng Thu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Du lịch tỉnh Sơn La.
Ông Phạm Hồng Thu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Du lịch tỉnh Sơn La, thông tin, vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức công bố Quyết định số 2313/QĐ-BVHTTDL ngày 9/8/2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với tập quán xã hội và tín ngưỡng nghi lễ Tết Xíp xí của người Thái trắng huyện Quỳnh Nhai, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc Sơn La là một bộ phận quan trọng, cấu thành bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam, là tài sản quý giá của đất nước, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
"Thời gian qua, những chính sách đúng đắn và kịp thời của Đảng và Nhà nước về công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đã góp phần tích cực phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc trong cả nước. Sự cộng cư sinh sống lâu đời của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã tạo cho Sơn La một bản sắc văn hóa truyền thống vô cùng phong phú, đa dạng về phong tục, tập quán, lễ hội, trang phục, ẩm thực, tôn giáo, tín ngưỡng, các loại hình văn hóa nghệ thuật, công trình kiến trúc cổ kính…”, ông Phạm Hồng Thu cho biết thêm.

Bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La.
Bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La.
Về định hướng bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản Tết Xíp xí, theo bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La, Tết Xíp xí của đồng bào dân tộc Thái trắng Sơn La nói chung, huyện Quỳnh Nhai, Phù Yên nói riêng, được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia là niềm vinh dự, tự hào của dân tộc, sự ghi nhận đối với giá trị văn hóa và là động lực khuyến khích đồng bào gìn giữ văn hóa dân tộc.
"Tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành phối hợp các huyện, thành phố thực hiện tốt các quy định về bảo vệ di sản văn hóa trong thời gian tới; tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng tới đồng bào dân tộc, những người nắm giữ di sản tiếp tục góp sức bảo tồn văn hóa dân tộc, bảo tồn không gian thiêng của các nghi lễ truyền thống. Tỉnh cũng sẽ có chính sách tạo điều kiện để các nghệ nhân trao truyền, gìn giữ văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ; gắn kết bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch địa phương, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của huyện", bà Tráng Thị Xuân nhấn mạnh.

Với người Thái trắng, Tết Xíp xí là dịp để bà con thể hiện lòng hiểu khách của mình. Sau khi làm lễ xong, các thành viên trong gia đình cùng bạn bè ngồi quây quần bên mâm cỗ. Con cháu chúc người già sống lâu trăm tuổi; người lớn cầu mong lớp trẻ yên vui, khỏe mạnh. Dù là khách lạ hay khách quen khi đến nhà đều được đón tiếp nồng hậu, chu đáo, được thưởng thức những món ăn đặc trưng chỉ có trong ngày Tết Xíp xí. Theo quan niệm của người Thái trắng, vào ngày Tết Xíp xí, gia đình nào càng mời được nhiều khách đến dự càng may mắn. Đặc biệt khi khách ra về, gia đình tặng bánh Ít uôi làm quà để cảm ơn khách đã đến thăm nhà và tham dự Tết Xíp xí cùng gia chủ.
Ngày nay, ngoài việc tổ chức Tết Xíp xí tại các gia đình, nhiều nơi đã tổ chức quy mô cấp bản, xã, với nhiều hoạt động như thi ẩm thực, thi trang phục dân tộc truyền thống, nhảy sạp, ném còn, múa xòe... Đây là dịp mọi người được gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sống và làm sống lại những truyền thống văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.
Tết Xíp xí là một trong những truyền thống văn hóa đặc biệt có giá trị, ý nghĩa nhân văn và đang được người dân duy trì và bảo tồn rất tốt. Tuy nhiên, quá trình tiếp biến văn hoá giữa các dân tộc với nhau đã làm cho nghi lễ đang có sự thay đổi theo thời gian.
Việc công nhận “Nghi lễ Tết Xíp xí” là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ khẳng định giá trị văn hóa độc đáo của người Thái trắng, mà còn là nguồn động lực để các dân tộc tại Sơn La thêm yêu và tự hào về văn hóa truyền thống của mình, góp phần tăng cường tình đoàn kết dân tộc.
Ngày xuất bản: 30/8/2024
Tổ chức sản xuất: ĐÔNG MINH
Ảnh, nội dung và trình bày: QUỐC TUẤN, BIỆN DIỆU