Vụ trộm cổ vật Hoàng gia ở Thụy Điển

Giới chức Thụy Điển đang tích cực huy động lực lượng an ninh để truy bắt hai nghi phạm trong vụ trộm hai vương miện và quả cầu bằng vàng gắn thánh giá tại một thánh đường ngay giữa ban ngày hôm 31-7. Vụ việc làm dấy lên mối nghi ngại về công tác bảo đảm an ninh tại các nhà thờ ở Thụy Điển, nơi trưng bày nhiều bảo vật Hoàng gia vô giá.

Các cổ vật Hoàng gia Thụy Điển bị đánh cắp. Ảnh: AFP
Các cổ vật Hoàng gia Thụy Điển bị đánh cắp. Ảnh: AFP

Như kịch bản phim Hollywood

Theo CNN, vụ trộm với tình tiết ly kỳ như trong các bộ phim của Hollywood đã xảy ra tại nhà thờ Strangnas, cách Thủ đô Stockholm (Thụy Điển) khoảng 80 km. Kẻ gian đột nhập nhà thờ và lấy đi những món trang sức Hoàng gia quý giá, gồm một quả cầu bằng vàng gắn thánh giá cùng hai chiếc vương miện thuộc về Vua Karl IX và Nữ hoàng Kristina, những thành viên của gia đình Hoàng gia Thụy Điển thế kỷ 17.

Theo Artinvestment.ru, trước khi bị lấy trộm, các cổ vật này trưng bày trong một tủ kính và được hệ thống báo động bảo vệ. Cảnh sát hiện chưa thể xác minh tại thời điểm xảy ra vụ trộm hệ thống báo động có làm việc hay không. Trước đó, tờ Sydney Morning cho biết, vụ trộm diễn ra tại thời điểm thánh đường Strangnas đang mở cửa cho công chúng vào tham quan. Không ai biết tại sao các tên trộm có thể đánh cắp ba bảo vật, có thể chúng chọn thời điểm trước giờ ăn trưa, khi hầu như không có ai trong nhà thờ.

Sau khi vụ trộm xảy ra, cảnh sát cho biết các nhân chứng đã nhìn thấy gần hiện trường có hai người đàn ông chạy về hướng một chiếc thuyền máy nhỏ mầu trắng, neo gần bờ hồ Malaren. Theo BBC, một người dân là Tom Rowell, nói với đài truyền hình địa phương Aftonbladet rằng ông nhìn thấy nghi phạm của vụ trộm chạy về phía chiếc thuyền. “Từ thái độ đáng ngờ, tôi nghĩ họ là những tên trộm. Thật khó chấp nhận khi kẻ gian ăn cắp đồ vật từ các nơi linh thiêng hay các tòa nhà lịch sử”, Tom Rowell cho biết.

Cảnh sát Thụy Điển đang tích cực kêu gọi công chúng cung cấp thêm thông tin về những kẻ trộm. “Trên hồ Malaren, chúng có thể chạy về phía tây theo hướng Koping và Arboga, hoặc về phía đông theo hướng Vasteras, Eskilstuna và Stockholm. Chúng tôi đang kiểm tra, giám sát và không loại trừ bất kỳ khả năng nào”, đại diện cảnh sát Stockholm cho biết. Một tình huống khác cũng được đưa ra là hai tên trộm đã bỏ lại chiếc thuyền máy và sử dụng xe hơi để tẩu thoát. Chúng có thể đi về phía tây hoặc phía đông Thủ đô Stockholm. Thomas Agnevik - người phát ngôn của cảnh sát, nói với báo Expressen rằng cảnh sát đang điều tra bất cứ chiếc thuyền nào khả nghi, vì bọn trộm có thể đã đổi sang một chiếc thuyền khác.

Liên quan các cổ vật bị đánh cắp, theo nhận định của ông Thomas Agnevika, không thể xác định chính xác giá trị của các bảo vật Hoàng gia vì chúng là duy nhất. Vua Karl IX trị vì Thụy Điển từ năm 1604 và mất năm 1611. Những món đồ trên được chôn cất cùng vợ chồng nhà vua vào năm 1611 và 1625, nhưng sau đó được khai quật và trưng bày tại thánh đường.

Pia Stael von Holstein, một trong các chuyên gia của Thụy Điển trong lĩnh vực đồ cổ khẳng định với đài phát thanh Thụy Điển SR, rằng những tên trộm rất khó để trở nên giàu có nhờ những cổ vật đã trộm được. Theo bà Holstein, những cổ vật vừa bị đánh cắp chứa đựng giá trị lịch sử to lớn nên sẽ rất khó bán vì chúng đã quá nổi tiếng. Bất cứ người nào trả tiền mua cũng sẽ ngại bị dính líu tới việc tiêu thụ đồ ăn cắp. Cảnh sát Thụy Điển cũng nhấn mạnh, số trang sức bị đánh cắp là cổ vật quốc gia nên không thể định giá.

Cảnh báo tình trạng trộm cắp nhà thờ

Sau khi nhận được thông tin vụ việc, một số tàu tuần tra và máy bay lên thẳng của cảnh sát đã được huy động vào cuộc. Khu vực nhà thờ cũng bị phong tỏa để phục vụ công tác điều tra. Cảnh sát đang tích cực tổ chức khám xét, truy tìm cả trên bộ và trên biển. Mới đây, cảnh sát Thụy Điển đã tìm thấy vết máu trong nhà thờ ở thành phố Strangnas. Theo tờ Aftonbladet, có thể đó là máu của một trong các tên trộm đã thực hiện vụ án. Tuy nhiên, phía cảnh sát vẫn chưa xác nhận thông tin này. “Cuộc điều tra vẫn đang tiếp diễn nhưng tạm thời tôi chưa thể thông báo bất kỳ tình tiết mới nào”, đại diện cảnh sát, ông Stefan Dangardta cho biết.

Vụ trộm cổ vật Hoàng gia ở Thụy Điển ảnh 1

Cảnh sát điều tra hiện trường nơi bọn trộm tẩu thoát. Ảnh: WCCO

Mới đây trên website chính thức của mình, Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol) đã phát lệnh truy nã quốc tế đối với toán trộm. “Interpol đang hỗ trợ Thụy Điển trong vụ việc liên quan hành vi trộm cắp hai vương miện có từ thế kỷ 17 và một quả cầu bằng vàng gắn thánh giá. Các đồ vật này đã được đưa vào cơ sở dữ liệu toàn cầu về các tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp của Interpol, để tất cả các quốc gia đang hợp tác với Interpol, cũng như người dùng được ủy quyền từ nhà đấu giá và viện bảo tàng, dễ dàng tiếp cận thông tin”. Quyết định được đưa ra theo yêu cầu của các cơ quan chức năng Thụy Điển gửi đến trước đó.

Theo Hội đồng phòng, chống tội phạm Thụy Điển, lâu nay tình trạng trộm cắp các đồ vật giá trị từ các nhà thờ đã trở thành một vấn nạn đối với các giáo xứ ở đây. Những năm gần đây, số lượng các vụ trộm có xu hướng giảm, sau khi các nhà thờ đã chi khoảng 30 nghìn euro cho các biện pháp an ninh và thắt chặt quy tắc gìn giữ các bảo vật có giá trị trong nhà thờ. Chỉ trong năm 2015, các cơ quan an ninh đã ghi nhận khoảng 400 vụ trộm tại các nhà thờ so tám năm trước, số lượng các vụ án được thống kê là hơn 600 vụ.

Theo Daily Mail, vụ trộm cổ vật nói trên không phải là vụ đầu tiên ở Thụy Điển. Vào năm 2012, một thanh niên 19 tuổi thừa nhận đã ăn cắp những món đồ nữ trang trị giá 102.000 bảng Anh từ căn hộ của Công chúa Christina gần Cung điện Hoàng gia. Sau đó người này bị cáo buộc đã bán phần lớn số trang sức trộm được cho hai tay buôn ma túy và ném một chiếc vương miện xuống chân cầu ở Thủ đô Stockholm.

Artinvestment.ru đưa tin, năm 2013, ở thành phố Vasteras đã xảy ra vụ lấy cắp vương miện và vương trượng của Vua Juhan III. Sau khi cảnh sát nhận được một cuộc gọi nặc danh thông báo địa chỉ, các bảo vật này đã được tìm thấy trong các túi rác trên đường.

Do đó, giới chức Thuỵ Điển hy vọng điều này sẽ xảy ra với các bảo vật của Vua Karl IX và Nữ hoàng Kristina, vì kẻ trộm không thể bán những món đồ đã trở nên quá nổi tiếng. Những tên trộm có thể sẽ cố gắng yêu cầu một khoản tiền chuộc cho các bảo vật và nếu điều đó không được thực hiện, chúng chỉ còn cách trả lại những thứ đã lấy cắp.