Vận động hành lang
The Guardian tuyên bố có trong tay các dữ liệu được tập hợp lại với tên gọi “Hồ sơ Uber”, gồm hơn 124.000 tài liệu bị rò rỉ liên quan giai đoạn mở rộng thị trường của công ty đa quốc gia có trụ sở tại San Francisco, bang California (Mỹ) từ năm 2013 đến năm 2017. Trong số dữ liệu mà các điều tra viên nắm giữ có 83.000 email, tin nhắn trên ứng dụng iMessages và WhatsApp liên quan hoạt động của Uber tại 40 quốc gia, trong đó có các cuộc trao đổi giữa nhà đồng sáng lập Travis Kalanick và nhóm giám đốc của Uber. MacGann, cựu Giám đốc Chính sách công của Uber tại khu vực châu Âu, châu Phi và Trung Đông tuyên bố là người đã cung cấp các tài liệu cho The Guardian.
Các tài liệu cho thấy, Travis Kalanick đã cố gắng đưa dịch vụ taxi công nghệ của Uber vào các thành phố trên khắp thế giới, bất chấp điều đó có vi phạm luật và quy định về vận tải hành khách hay không. Trong thời gian hứng chịu phản ứng dữ dội trên toàn cầu, Uber vẫn tích cực tìm kiếm sự ủng hộ từ các chính trị gia, tỷ phú, nhà tài phiệt và các ông trùm truyền thông tại các nước.
Theo các tài liệu bị rò rỉ, nhằm dập tắt phản ứng và giành được những thay đổi có lợi đối với taxi công nghệ và luật lao động, Uber đã lên kế hoạch chi 90 triệu USD vào năm 2016 cho hoạt động vận động hành lang và quan hệ công chúng. Để chiếm thị phần của taxi truyền thống, Uber đã tìm cách gây áp lực lên các chính phủ nhằm sửa đổi luật, giúp mở đường cho mô hình làm việc dựa trên ứng dụng, thuê nhân viên tạm thời hoặc bán thời gian.
Uber tranh thủ sự ủng hộ của các nhân vật quyền lực bằng cách cung cấp cho những người này cổ phần của công ty và biến họ thành các “nhà đầu tư chiến lược”. Trong nỗ lực định hình các cuộc tranh luận về chính sách, Uber đã trả cho nhiều học giả nổi tiếng hàng trăm nghìn USD để làm nghiên cứu ủng hộ các tuyên bố về lợi ích của mô hình kinh tế Uber.
Uber cũng tìm cách thúc đẩy lập luận rằng công nghệ của họ khiến hệ thống giao thông truyền thống trở nên lỗi thời, do đó các chính phủ cần đưa ra những cải cách luật để nắm bắt xu thế. Người phát ngôn của Uber tuyên bố, khi công ty này mới thành lập, các quy định về việc đặt xe tư nhân qua ứng dụng trực tuyến chưa từng tồn tại ở bất kỳ đâu trên thế giới và luật giao thông đã lỗi thời trong thời đại của điện thoại thông minh.
Công tắc bí mật
Mạnh tay tài trợ các chiến dịch vận động hành lang, song những nỗ lực của Uber mang lại kết quả khác nhau. Ở một số nơi, Uber thuyết phục thành công chính phủ viết lại luật. Tuy nhiên, ở những nơi khác, Uber vẫn vấp phải sự phản đối từ các chính trị gia, bị ngành taxi truyền thống ngáng đường và phải cạnh tranh với các ứng dụng gọi xe địa phương.
Cảnh sát, quan chức ngành vận tải và các cơ quan quản lý tại nhiều nước đã tìm nhiều cách để xử lý Uber. Ở một số thành phố, nhà chức trách địa phương đã tải ứng dụng của Uber để gọi xe, sau đó thẳng tay phạt công ty này và những tài xế không có giấy phép, đồng thời tiến hành giam giữ xe.
Các văn phòng Uber tại hàng chục quốc gia liên tục bị giới chức địa phương kiểm tra đột xuất. Nhằm đối phó lực lượng chức năng, khi một văn phòng của Uber bị kiểm tra, các giám đốc của công ty gửi chỉ thị cho nhân viên công nghệ thông tin ngắt quyền truy cập vào hệ thống dữ liệu chính.
Báo The Washington Post của Mỹ, một trong những đơn vị truyền thông tham gia cuộc điều tra, mô tả một trường hợp khi Travis Kalanick sử dụng một công tắc khẩn cấp để cắt từ xa quyền truy cập của các thiết bị trong văn phòng ở Amsterdam (Hà Lan) vào các hệ thống nội bộ của Uber. Dữ liệu bị rò rỉ cho thấy kỹ thuật này đã được triển khai ít nhất 12 lần trong các cuộc truy quét của giới chức địa phương tại Pháp, Hà Lan, Bỉ, Ấn Độ, Hungary và Romania.
Người phát ngôn của Travis Kalanick cho biết, các giao thức ngắt quyền truy cập vào hệ thống không xóa dữ liệu và hành động này đã được bộ phận pháp lý của Uber phê duyệt. Lãnh đạo Uber cũng chưa từng bị buộc tội liên quan việc cản trở công lý hoặc một hành vi phạm tội liên quan. Tuy nhiên, người phát ngôn của Uber lại thừa nhận, phương thức ngắt quyền truy cập như vậy lẽ ra không bao giờ nên được sử dụng. Uber đã ngừng sử dụng thủ thuật này năm 2017, khi Khosrowshahi thay thế Kalanick trở thành giám đốc điều hành.
Biếm họa: DEL ROSSO |
Biến tài xế thành vũ khí
Uber được cho là đã trợ cấp rất nhiều cho các chuyến đi, thu hút các lái xe và hành khách bằng những ưu đãi và mô hình định giá không bền vững. Cuộc điều tra cho thấy, các chính sách hỗ trợ tài xế và giảm giá cước của Uber đe dọa ngành công nghiệp taxi. Các tài xế của Uber đã phải đối mặt sự trả đũa dữ dội. Khi biểu tình và bạo loạn phản đối Uber nổ ra ở Thủ đô Paris của Pháp năm 2016, Kalanick đã ra lệnh cho ban lãnh đạo công ty ở Pháp kêu gọi tài xế Uber biểu tình phản đối ngược lại. Một cựu giám đốc điều hành cấp cao của Uber tiết lộ với The Guardian rằng, đây được gọi là chiến lược “vũ khí hóa” tài xế.
The Washington Post cho biết, trong một số trường hợp, khi tài xế bị tiến công, ban lãnh đạo của Uber đã nhanh chóng biến điều này thành cơ hội để tìm kiếm sự ủng hộ từ công chúng và cơ quan quản lý khi Uber thâm nhập vào các thị trường mới thường không cần xin giấy phép hoạt động như một dịch vụ taxi hay vận tải.
Khi Uber ra mắt ở khắp Ấn Độ, giám đốc điều hành của công ty này tại châu Á đã kêu gọi các cấp quản lý tiếp tục tập trung thúc đẩy tăng trưởng, ngay cả khi “lửa bắt đầu bùng cháy”. Vị giám đốc này cho rằng, đây là “một phần bình thường trong hoạt động kinh doanh của Uber” và việc “nắm lấy sự hỗn loạn” là việc làm có ý nghĩa đối với công ty.
Một giám đốc điều hành cấp cao khác viết trong một email: “Chúng ta không hợp pháp ở nhiều quốc gia, chúng ta nên tránh đưa ra những tuyên bố chống đối”. Trong email nội bộ, nhân viên của công ty này cũng viết rằng, Uber không phải tư cách pháp nhân, không phải là các thực thể hoặc hình thức đúng pháp lý ở Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi, Tây Ban Nha, Czech, Thụy Điển, Pháp, Đức và Nga.
Phản hồi của Uber
Người phát ngôn của cựu Giám đốc điều hành, nhà đồng sáng lập Uber Travis Kalanick cho biết, các sáng kiến mở rộng của Uber được dẫn dắt bởi hơn 100 lãnh đạo ở hàng chục quốc gia trên thế giới, luôn chịu sự giám sát trực tiếp và sự chấp thuận đầy đủ của các nhóm pháp lý và chính sách của công ty.
Tuy nhiên, trong một tuyên bố phản hồi về vụ rò rỉ, người phát ngôn của Uber lại thừa nhận “những sai lầm”, song đổ lỗi cho ban lãnh đạo trước đó, do Travis Kalanick dẫn dắt. Tuyên bố nêu rõ, Uber đã chuyển đổi kể từ năm 2017 dưới sự lãnh đạo của Giám đốc điều hành hiện tại Dara Khosrowshahi. Người phát ngôn của công ty hiện được định giá 43 tỷ USD, với 19 triệu hành trình mỗi ngày khẳng định, Uber đã chuyển từ kỷ nguyên đối đầu sang kỷ nguyên hợp tác, sẵn sàng bàn bạc và tìm ra điểm chung với cả liên đoàn lao động và các công ty taxi.
Người phát ngôn Uber nhấn mạnh: “Chúng tôi chưa và sẽ không bào chữa cho những hành vi trong quá khứ, vốn rõ ràng không phù hợp với giá trị hiện tại của công ty. Thay vào đó, chúng tôi yêu cầu công chúng đánh giá bằng những gì chúng tôi đã làm 5 năm qua và sẽ làm những năm tới”.