Vì tương lai không vũ khí hạt nhân

Đã 76 năm kể từ ngày Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống hai thành phố Hiroshima (6/8/1945 - 6/8/2021) và Nagasaki (9/8/1945 - 9/8/2021) của Nhật Bản. Ký ức kinh hoàng cùng hệ quả của hai sự kiện này vẫn khắc sâu trong tâm trí của nhiều thế hệ người Nhật Bản, điều đó hối thúc không chỉ những người sống sót và hậu nhân của họ, mà cả nhân loại cần phải chung tay loại bỏ thứ vũ khí hủy diệt này. 

Thành phố Nagasaki hoang tàn sau khi bị tiến công hạt nhân. Ảnh: GETTY
Thành phố Nagasaki hoang tàn sau khi bị tiến công hạt nhân. Ảnh: GETTY

Từ ký ức đau thương…

Kể từ năm 1940, Mỹ đã bắt tay vào phát triển vũ khí nguyên tử, sau khi được cảnh báo rằng phát-xít Đức đang tiến hành nghiên cứu vũ khí hạt nhân. Nhưng thời điểm Mỹ tiến hành vụ thử bom nguyên tử thành công trên sa mạc ở New Mexico vào tháng 7/1945, thì phát-xít Đức đã bị đánh bại. Tuy nhiên, cuộc chiến với phát-xít Nhật ở Thái Bình Dương vẫn tiếp tục diễn ra ác liệt. Trước đó, sau cuộc tiến công của phát-xít Nhật nhằm vào căn cứ Hải quân Mỹ ở Trân Châu Cảng, Washington đã chính thức tuyên chiến với phe phát-xít. Vì thế, để nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến, Tổng thống Mỹ khi đó là Harry Truman đã ra lệnh sử dụng vũ khí hạt nhân. 

Và ngày 6/8/1945, Mỹ trở thành quốc gia đầu tiên và duy nhất sử dụng vũ khí nguyên tử trong thời chiến, khi thả một quả bom nguyên tử xuống TP Hiroshima của Nhật Bản. Máy bay ném bom Mỹ B-29 mang biệt danh “Enola Gay” đã thả quả bom nặng 5 tấn có tên “Little Boy” xuống thành phố này. Một vụ nổ tương đương sức công phá của 15.000 tấn thuốc nổ TNT đã khiến 10,36 km2 của thành phố trở thành đống đổ nát. Khoảng 80.000 người đã thiệt mạng do hậu quả trực tiếp của vụ nổ và 35.000 người khác bị thương. Ít nhất 60.000 người khác tử vong vào cuối năm đó do ảnh hưởng của bụi phóng xạ. Ba ngày sau, chiếc B-29 mang tên “Bockscar” thả tiếp một quả bom nguyên tử có tên là “Fatman” xuống TP Nagasaki, khiến gần 40.000 người thiệt mạng và một phần ba thành phố bị phá hủy. 

16 giờ sau hai vụ ném bom, Tổng thống Truman tuyên bố trước thế giới về chương trình nghiên cứu nguyên tử tối mật có tên là “Dự án Manhattan”. Ngoài ra, ông Truman còn nhấn mạnh thêm về uy lực mà vũ khí hạt nhân gây ra cho phát-xít Nhật, đối thủ duy nhất còn lại của Mỹ trong cuộc chiến. Và nếu phát-xít Nhật không chấp nhận các điều khoản đầu hàng vô điều kiện do các nhà lãnh đạo phe Đồng minh soạn thảo trong Tuyên bố Potsdam, thì “họ có thể mong đợi một trận mưa đổ nát từ trên không, một trận mưa đổ nát chưa từng thấy trên Trái đất này”. Kết quả là ngày 14/8/1945, Nhật hoàng Hirohito tuyên bố trên đài phát thanh rằng, Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện. Tới ngày 2/9/1945, nghi lễ đầu hàng của quân phát-xít Nhật trước quân Đồng minh mới được thực hiện trên chiến hạm USS Missouri (BB-63) của Hải quân Mỹ.

Mặc dù việc thả bom nguyên tử xuống Nhật Bản đã đánh dấu sự kết thúc của Chiến tranh thế giới thứ hai, nhưng nhiều nhà sử học coi sự kiện đó là châm ngòi cho Chiến tranh lạnh. Trong nhiều năm, phần lớn ý kiến cho rằng, việc thả bom nguyên tử của Mỹ có hai mục đích: trước hết là kết thúc nhanh chóng cuộc chiến với Nhật Bản, giảm thiểu thương vong cho Mỹ; thứ hai là động thái “dằn mặt” của Mỹ trước những nỗ lực phát triển hạt nhân của Liên Xô (trước đây).

Tháng 8/1945, quan hệ giữa Liên Xô và Mỹ trở nên căng thẳng. Hội nghị Potsdam với sự tham dự của Tổng thống Mỹ Harry Truman, nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin và Thủ tướng Anh Winston Churchill đã kết thúc chỉ bốn ngày trước vụ ném bom xuống Hiroshima. Cuộc gặp được đánh dấu bằng không khí ngờ vực giữa các bên, đặc biệt là lo ngại của người Mỹ về tầm ảnh hưởng của Liên Xô khi Hồng quân có mặt ở nhiều nước Đông Âu. Truman và nhiều cố vấn kỳ vọng rằng thế độc quyền nguyên tử khi đó của Mỹ có thể gây sức ép ngoại giao và khẳng định ưu thế trước Liên Xô, bảo đảm vị thế dẫn đầu của Mỹ trong hệ thống phân cấp quyền lực toàn cầu. Tuy nhiên, mục đích trên không phát huy hiệu quả khi Liên Xô sớm phát triển bom nguyên tử thành công năm 1949. Từ đó cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân bắt đầu và tới nay vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.

… đến bài học cho tương lai 

10 năm sau thảm họa hạt nhân, từ đống tro tàn, Hiroshima và Nagasaki đã phục hồi nhanh chóng, trong đó có sự đóng góp to lớn của Luật Xây dựng thành phố tưởng niệm hòa bình Hiroshima, được ban hành vào ngày 10/5/1949. Theo luật này, Hiroshima là nơi đầu tiên trong lịch sử nhân loại bị phá hủy bởi bom nguyên tử, nên đảm nhận vai trò kêu gọi thế giới vì hòa bình. Vì vậy, Chính phủ Nhật Bản đã cung cấp mọi nguồn lực có thể để tái thiết thành phố và xây dựng trở thành một biểu tượng hòa bình. Trong các khu vực trung tâm đổ nát, các căn lều tạm dần được thay thế bằng những ngôi nhà khang trang, những con đường được mở rộng, cuộc sống bắt đầu ổn định. Thành phố dần dần thay đổi diện mạo và vai trò mới khi Khu tưởng niệm hòa bình Hiroshima được xây dựng. Sau đó là Bảo tàng tưởng niệm hòa bình Hiroshima, mở cửa vào tháng 8/1955. Ngay phía nam của bảo tàng là con đường rộng 100 m được đặt tên là Heiwa Odori, nghĩa là “Đại lộ Hòa bình”…

Việc thông qua Luật Xây dựng cũng giúp Nagasaki nhận được nguồn vốn lớn để tái thiết. Năm 1955, lãnh đạo của TP Nagasaki đã cho xây dựng một bảo tàng tưởng niệm gọi là Hội trường Văn hóa quốc tế Nagasaki và trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng, giúp thúc đẩy nền kinh tế của thành phố. Năm 1996, đài tưởng niệm đã được thay thế, trở thành Bảo tàng bom nguyên tử Nagasaki. Đến năm 1969, trung bình lượng khách du lịch hằng năm đến thăm Nagasaki đạt 2.500.000 người. Nền kinh tế phát triển mạnh mẽ đã giúp dân số thành phố tăng lên 241.818 người vào năm 1950, gần bằng dân số 270.000 người trước khi xảy ra vụ ném bom thảm khốc. 

Mặc dù cả hai thành phố đã hồi sinh, nhưng những hệ lụy lâu dài đối với “hibakusha” - các nạn nhân trong hai vụ ném bom nguyên tử, vẫn còn dai dẳng tới ngày nay. “Người ta kể lại rằng, tôi đã bị vùi trong đống đổ nát của ngôi nhà. Cuối cùng, chú tôi tìm thấy tôi và kéo cơ thể nhỏ bé ba tuổi của tôi ra khỏi đống đổ nát, khi ấy tôi vẫn bất tỉnh. Khuôn mặt của tôi đã biến dạng. Chú tôi còn nghĩ rằng tôi đã chết. May mắn thay, tôi đã sống sót. Nhưng kể từ ngày đó, những vảy kỳ lạ bắt đầu hình thành khắp cơ thể tôi. Tôi bị mất thính giác ở tai trái, có thể là do tiếng nổ lúc đó. Hơn một thập kỷ sau vụ ném bom, mẹ tôi bắt đầu nhận thấy những mảnh thủy tinh mọc ra từ da, có lẽ là các mảnh vỡ từ ngày xảy ra vụ ném bom. Cho đến ngày nay, em gái tôi đã bị chuột rút cơ mãn tính cùng với các vấn đề về thận”, ông Yasujiro Tanaka (79 tuổi), một trong những nhân chứng may mắn sống sót sau thảm họa ở Nagasaki hồi tưởng. 

Sự kiện kỷ niệm ngày xảy ra vụ ném bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới tại cả hai thành phố Hiroshima và Nagasaki hằng năm không chỉ là ngày để các hibakusha và hậu nhân của họ tưởng nhớ tới người thân đã mất trong thảm họa, mà còn là dịp để người Nhật Bản, cũng như toàn thể người dân yêu chuộng hòa bình thế giới tiếp tục chung tay loại bỏ vũ khí hạt nhân. Trong buổi lễ tưởng niệm ngày 9/8 vừa qua, Thị trưởng TP Hiroshima, ông Kazumi Matsui nói: “Vũ khí hạt nhân được phát triển để giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh, nhưng là mối đe dọa hủy diệt toàn cầu. Chúng ta chắc chắn có thể chấm dứt điều đó, nếu tất cả các quốc gia hợp tác cùng nhau. Không thể có một xã hội bền vững nếu những vũ khí này vẫn có thể gây ra thảm họa bất kỳ lúc nào”. Ông Matsui cũng kỳ vọng Nhật Bản đẩy mạnh vai trò hòa giải giữa các quốc gia có vũ khí hạt nhân và phi hạt nhân, góp phần củng cố Hiệp ước giải trừ vũ khí hạt nhân đa phương (NPT).

Sau khi tham dự lễ tưởng niệm tại Hiroshima và Nagasaki, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide có bài phát biểu trong buổi họp báo, cho biết: “NPT vẫn thiếu sự ủng hộ không chỉ từ các quốc gia có vũ khí hạt nhân mà còn nhiều quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân. Điều thích hợp lúc này là tìm kiếm giải pháp thúc đẩy việc giải trừ vũ khí hạt nhân một cách thực tế”. Ông Suga cũng cam kết theo đuổi nỗ lực hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân, với tư cách là người đứng đầu quốc gia duy nhất trên thế giới bị tiến công hạt nhân và nhận thức đầy đủ về sự tàn phá khủng khiếp và vô nhân đạo của nó.