Ưu tiên phát triển lao động công nghệ cao

Thảo luận tại tổ (ngày 9/11) về dự án Luật Việc làm (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật và quan điểm xây dựng luật nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
Cần có chế độ đãi ngộ tương xứng cho lao động có tay nghề. Ảnh: BẮC SƠN
Cần có chế độ đãi ngộ tương xứng cho lao động có tay nghề. Ảnh: BẮC SƠN

Linh hoạt mức đóng bảo hiểm

Tại tổ 13, đại biểu Trần Thị Vân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh nhất trí với sự cần thiết sửa đổi và quan điểm xây dựng luật. Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đã thể chế hóa mục tiêu giải quyết việc làm bền vững, chất lượng, phát triển nguồn nhân lực và hỗ trợ phát triển thị trường lao động của Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 42-NQ/TW; các nội dung cải cách về chính sách bảo hiểm thất nghiệp của Nghị quyết số 28-NQ/TW. Dự thảo luật bám sát 4 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng dự án luật đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 89/2023/QH15.

Góp ý về thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, đại biểu Trần Thị Vân đánh giá cao việc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Chính phủ đã tiếp thu ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp thời gian qua về việc giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động và người lao động.

Theo quy định hiện hành, người lao động và người sử dụng lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp cố định bằng 1% tiền lương tháng. Dự thảo luật quy định giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm thất nghiệp theo hướng linh hoạt: Người lao động đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng; người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp; Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách Trung ương bảo đảm. Đồng thời giao cho Chính phủ căn cứ vào khả năng bảo đảm cân đối Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp quy định chi tiết mức đóng.

Về tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp, đại biểu Trần Thị Vân đề nghị cần thống nhất giữa Luật Việc làm và Luật Bảo hiểm xã hội. Bởi, quy định về mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp cao nhất đang chưa thống nhất giữa hai luật (Luật Bảo hiểm xã hội cao nhất, thấp nhất căn cứ theo mức tham chiếu nghĩa là theo mức lương cơ sở hiện nay, còn dự thảo Luật Việc làm quy định đang tính mức cao nhất căn cứ mức lương tối thiểu vùng là chưa thống nhất).

Đại biểu Thái Thu Xương, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang đề nghị mở rộng đối tượng tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp theo hướng tự nguyện. Thực tế cho thấy, đối tượng tham gia chủ yếu là đối tượng có hợp đồng lao động, còn các đối tượng không có hợp đồng lao động, lao động tự do không được đóng bảo hiểm thất nghiệp, trong khi những đối tượng này có nguy cơ thất nghiệp nhiều hơn. Việc mở rộng đối tượng này cũng nhằm đạt mục tiêu Nghị quyết số 28 của T.Ư, qua đó nhằm bảo đảm an sinh xã hội.

Đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu, có giải pháp căn cơ, lâu dài để giải quyết các vấn đề chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp. “Chúng ta cũng nên đưa ra và có hướng xử lý như với bảo hiểm xã hội. Vừa qua, chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội thì người lao động bị ảnh hưởng. Với bảo hiểm thất nghiệp cũng như vậy, người lao động mong muốn đóng góp bảo hiểm thất nghiệp để chẳng may khi bị mất việc làm thì còn có sự hỗ trợ, nhưng doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng thì người lao động sẽ không được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Do đó, cần nghiên cứu để thực hiện, không nên đẩy vấn đề khó khăn này cho người lao động”, đại biểu Thái Thu Xương nhấn mạnh.

Ưu tiên phát triển lao động công nghệ cao ảnh 1

Tư vấn tuyển sinh nhằm định hướng ngành nghề cho thị trường lao động. Ảnh: AN NHƯ

Định hướng thị trường lao động phù hợp tương lai

Đại biểu Lý Anh Thư, Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang cho rằng, cần tập trung xem xét các chính sách về việc làm, đặc biệt các chính sách hỗ trợ phát triển thị trường việc làm trong nước, phát triển thị trường lao động khu vực nông thôn, lao động là đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật cũng cần nghiên cứu, xem xét các chính sách hỗ trợ thị trường việc làm trong những ngành công nghệ như công nghệ bán dẫn, công nghệ trong áp dụng vào việc làm xanh… để đưa định hướng cho việc phát triển thị trường lao động phù hợp xu hướng của tương lai. Thông qua đó, hướng xây dựng một thị trường việc làm trong nước vững mạnh, phát triển, mở rộng, mỗi người dân trong độ tuổi lao động đều được kết nối để được làm việc, tạo ra thu nhập nuôi sống bản thân.

Tại tổ 12, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, về chính sách hỗ trợ tạo việc làm, đây là nội dung rất quan trọng của dự thảo luật, thể hiện vai trò hỗ trợ của Nhà nước thông qua chính sách tín dụng có ưu đãi về lãi suất nhằm tạo điều kiện và mở rộng việc làm, giải quyết việc làm theo hướng bền vững, đồng thời, chuyển đổi lao động sang khu vực có năng suất lao động cao hơn, góp phần sử dụng hiệu quả nguồn lực lao động, thực hiện chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trong dự thảo luật đã bổ sung đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi tạo việc làm là người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số diễn ra ngày càng nhanh. Tuy nhiên, trong thiết kế của dự thảo luật chưa thật cân đối. Thí dụ, vấn đề hỗ trợ việc làm cho thanh niên được quy định rất dài, rất cụ thể. Nhưng đối tượng là người khuyết tật và người cao tuổi chưa được đề cập nhiều. Do đó, cần nghiên cứu thêm để quy định đầy đủ hơn cho đối tượng lao động là người khuyết tật và người cao tuổi. Với tình trạng già hóa dân số ngày càng nhanh như hiện nay thì độ tuổi nghỉ hưu 60 tuổi trở lên đối với nữ, 62 tuổi đối với nam là còn trẻ. Thậm chí một bộ phận rất lớn trong xã hội đến độ tuổi này là “chín” kinh nghiệm, “chín” về mặt chuyên môn, về trình độ quản lý. Trong khi đó, hiện nay chưa có nhiều quy định giúp phát huy, khai thác tiềm năng của lực lượng này.

Cùng với đó, cần quan tâm thêm nhóm đối tượng mới của thị trường lao động là lao động công nghệ. Trong bối cảnh nền kinh tế số, chuyển đổi số hiện nay cần có những chính sách cụ thể, mạnh mẽ hơn để phát triển lực lượng lao động trong lĩnh vực này. Nếu chưa có được chính sách cụ thể thì cũng phải có những chính sách mạnh mẽ quy định cho những nhóm đối tượng này để sau này Chính phủ có điều kiện quy định chi tiết, cụ thể hơn.

So với Luật Việc làm năm 2013, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) trình Quốc hội gồm 9 chương và 94 điều, có một số nội dung sửa đổi, bổ sung lớn với 4 nhóm chính sách: Quản trị thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập, tập trung; hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động; phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững.