1/ Vài năm trở lại đây, những vấn đề về môi trường như gia tăng rác thải nhựa, mất cân bằng sinh thái, khí hậu nóng lên, sự diệt vong của một số loài… luôn được nhắc đến. Vì vậy, chị Oanh muốn làm điều gì đó để đóng góp vào việc thay đổi hành vi con người. Chọn hạn chế rác thải nhựa vì nó có thể giải quyết trong cuộc sống hằng ngày nên ngay từ đầu, chị Oanh đã thay đổi trong lối sống. Mỗi khi đi mua sắm, chị mang túi vải theo và từ chối dùng túi nylon khi mua hàng. Sau khi tham khảo một vài cửa hàng mua bán xanh ở khắp nơi, xem chia sẻ của một phụ nữ về số lượng túi nylon tiêu tốn trong một năm chỉ bỏ vừa vào một ly nước trên mạng xã hội, chị Oanh quyết định phải hành động để lan tỏa cùng mọi người.
Cửa hàng tạp hóa “No Waste To Go” ra đời tại Đà Nẵng với hàm nghĩa “không còn đường đi cho rác thải”. “Khi tôi mở tiệm từ hai năm trước, lúc đó, vấn đề về môi trường đã được quan tâm nhiều hơn, chúng ta tích cực hơn trong việc cùng hành động về chống biến đổi khí hậu, về xử lý rác thải, từ các cấp ngành tới người dân. Dường như nhiều tín hiệu tốt cùng lúc hội tụ và cùng chuyển động nên tôi càng quyết tâm hơn với ý định của mình”, chị Oanh chia sẻ.
Bày bán đủ các mặt hàng thiết yếu từ thực phẩm (bánh, các loại hạt, gia vị), hóa mỹ phẩm (nước rửa chén, nước giặt đồ, nước lau sàn nhà, sản phẩm rửa tay, dầu gội đầu), đồ dùng gia đình (bàn chải đánh răng bằng tre, cọ rửa, miếng rửa chén bát) cho đến các loại tinh dầu, nến thắp hoàn toàn là sản phẩm sạch, sản phẩm thân thiện với môi trường. Lúc nhập hàng về, chị Oanh cũng yêu cầu các đơn vị phân phối hạn chế tối đa bao bì đi kèm. Khi đến mua hàng, người mua tự mang theo đồ để chứa. Nếu chưa quen, hoặc quên không mang thì của hàng sử dụng giấy gói hoặc cho khách mượn đồ đựng.
Mang theo nhiều tâm huyết gói gọn trong cách thức kinh doanh, thế nhưng trong khoảng bốn tháng đầu, cửa hàng chỉ bán được cho một vài khách. Cảm thấy cần phải nỗ lực quảng bá hơn nữa, chị Oanh mang gian hàng của mình đến các phiên chợ sạch trong thành phố, tham gia cùng các hội, nhóm về môi trường. Với tiêu chí cùng tham gia sống xanh, nên các sản phẩm bày bán đều có mức giá bình dân và chất lượng tốt. Tiếng tốt vang xa, số lượng khách ghé mua ngày càng tăng và ổn định tới bây giờ. “Nhiều người còn mang tới những hũ thủy tinh, chai, lọ sạch không dùng tới để “góp” làm đồ dùng đựng hàng cho khách. Cửa hàng cũng có một góc tái chế, mọi người có thể mang đồ dùng không sử dụng nữa nhưng còn tốt đến gửi tại đây và những ai cần có thể tới lấy về. Có thể là quần áo, giày dép, vali, đồ điện dân dụng và đồ dùng học tập, sách vở, đèn bàn… Việc tái sử dụng sẽ giúp mọi người giảm tiêu dùng, bớt mua đồ mới”, chị Oanh cho biết.
2/ Vào ngày cuối tuần của mỗi tháng, Nguyễn Thị Hồng Phúc (22 tuổi) thường dọn dẹp lại nhà cửa và tủ quần áo. Sau khi sắp xếp, những gì còn tốt nhưng không cần dùng bạn lại mang tới gửi tại “No Waste To Go”. Phúc biết tới cửa hàng trong một sự kiện hành động về môi trường trên địa bàn. Sau lần đó, Phúc thường xuyên ghé cửa hàng của chị Oanh để mua sắm hay gửi tặng đồ cũ. “Mình hay mua bàn chải đánh răng, xà-phòng, sáp thơm treo đồ… cho bản thân và tặng bạn bè vì chúng rất thân thiện với môi trường”, Hồng Phúc tâm sự.
Từ 4.322 các loại bao bì nhựa, túi nylon mà “No Waste To Go” cắt giảm được trong năm đầu tiên đã tăng lên 10.800 các loại vào năm thứ hai. Cửa hàng cũng đang dần phát triển với từ 40 mặt hàng tăng lên 200 chủng loại. Sắp tới, đón chào mùa Tết Nguyên đán, chị Oanh sẽ bán thêm mặt hàng trang trí nhà cửa được làm từ các nguyên liệu tái chế. “Mục tiêu mà “No Waste To Go” muốn hướng đến là phổ biến hình thức này càng sâu rộng càng tốt và biến thói quen “tiêu dùng xanh” trở thành một điều bình thường trong cuộc sống của tất cả mọi người. Tôi muốn đi những bước chậm mà chắc, bởi khi bạn có thêm một người tham gia là họ đã bỏ thêm vào một lá phiếu cho tương lai của Trái đất”, chị Oanh nhấn mạnh.