Được biết nguyên nhân sâu xa của vụ việc này là do Yến Nhi không hài lòng khi phải tự bỏ tiền túi đi thi đấu nước ngoài. Ở một góc độ khác, việc Yến Nhi không được chi tiền là do giải đấu mà cô tham gia (giải vô địch nữ thế giới) không có trong kế hoạch của Cục Thể dục - Thể thao.
Nếu nhìn sự việc nói trên có kèm theo tham khảo với thể thao thế giới thì đây lại là điều đáng mừng cho Yến Nhi bởi cô đã “nâng cấp” từ không chuyên trở thành VĐV chuyên nghiệp. Ở các quốc gia có nền thể thao phát triển, VĐV của nhiều môn thể thao dù vẫn thi đấu dưới mầu cờ sắc áo quốc gia song họ là VĐV chuyên nghiệp tự lo hết chi phí. Ngay ở Việt Nam, chẳng hạn như môn cầu lông, VĐV Tiến Minh cũng đã trở thành VĐV chuyên nghiệp từ lâu và tự bỏ chi phí đi thi đấu.
Theo con số từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chỉ tính vài năm trở lại đây, ngân sách chi cho thể thao giảm từ 1.200 tỷ đồng (năm 2022) xuống còn 820 tỷ đồng (năm 2024) và có thể vẫn còn tiếp tục giảm do chúng ta không còn đăng cai giải đấu nào. Đây sẽ là vấn đề rất đáng lo ngại nếu vẫn tiếp tục đầu tư cho thể thao theo kiểu dàn trải mỗi môn một ít và rốt cuộc không môn nào được đầu tư “ra tấm ra miếng”. Hậu quả thì đã nhìn thấy khi thể thao Việt Nam bỏ xa các quốc gia trong khu vực ở SEA Games nhưng khi ra đấu trường quan trọng như Olympic thì chúng ta chỉ đứng hàng thứ 6, sau Thailand, Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore. Với bối cảnh hiện tại, cần đầu tư trọng điểm, tốt nhất là chỉ ở những môn thế mạnh như bắn súng, điền kinh, bơi lội, còn những môn khác nên dần dần xã hội hóa để VĐV có điều kiện chuyển sang thi đấu chuyên nghiệp, vừa nâng cao trình độ lại vừa có thu nhập tốt.
Theo thông tin mới nhất, thể thao Việt Nam vẫn còn tập trung vào 16 môn thể thao thành tích cao và thế là quá nhiều. Với ngân sách còn eo hẹp, cách đầu tư này thật sự lãng phí và sẽ rất khó để thể thao cất cánh lên một tầm cao mới.