Truyền lửa âm nhạc dân tộc qua nhạc kịch

Công tác tại Đoàn Nghệ thuật Âu Cơ, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, nghệ sĩ Đàm Thái Hà (trong ảnh), đã có gần 20 năm theo đuổi đàn tỳ bà. Vừa qua, chị đã cùng các nghệ sĩ trẻ tham gia dự án nhạc kịch “Đồng dao cổ tích” với mong muốn các em nhỏ sẽ có thêm tình yêu với âm nhạc dân tộc.
0:00 / 0:00
0:00
Truyền lửa âm nhạc dân tộc qua nhạc kịch

1/ Sinh năm 1994, Đàm Thái Hà sớm có tình yêu với nhạc cụ truyền thống. Năm lên 10 tuổi, theo định hướng của gia đình, Hà thi vào Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) rồi học qua sơ cấp, trung cấp, đại học với bộ môn đàn tỳ bà. Năm 2016, tốt nghiệp đại học, Hà “đầu quân” cho Đoàn Nghệ thuật Âu Cơ, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam từ đó đến nay. Theo Hà, tỳ bà là nhạc cụ rất “kén” người chơi, đòi hỏi phải có năng khiếu, tình yêu, sự đam mê và kiên trì, bởi thời gian học tập rất dài, đòi hỏi người học cần phải có kỹ thuật cơ bản và tư duy âm nhạc tốt.

Công tác tại Nhà hát được coi là “cánh chim đầu đàn” của nghệ thuật ca múa nhạc nước nhà đã giúp nữ nghệ sĩ có điều kiện được cọ sát, học hỏi các nghệ sĩ lớn và có cơ hội được biểu diễn trong những chương trình nghệ thuật quan trọng. Hà thường tham gia biểu diễn phục vụ các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đón tiếp các vị khách quốc tế, tham gia các chuyến lưu diễn nước ngoài theo kế hoạch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. “Đây là trọng trách, nhiệm vụ cao cả của người nghệ sĩ và khi ấy chúng tôi hiểu rằng mình không chỉ chơi đàn mà còn có trách nhiệm truyền tải đến người nghe về một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, chị nói.

Ngoài công việc tại nhà hát, hiện Đàm Thái Hà đang cùng các nghệ sĩ trẻ tham gia dự án “Đồng dao cổ tích” để công diễn vào dịp Trung thu năm nay. “Đây là dự án nhạc kịch lấy chất liệu từ các câu chuyện cổ tích, âm nhạc sử dụng các nhạc cụ truyền thống Việt Nam là chủ đạo. Hiện nay, các em nhỏ thường tiếp xúc nhiều với các dòng nhạc thị trường, âm nhạc hiện đại từ phương Tây nên dành ít sự quan tâm cho âm nhạc truyền thống hơn các dòng nhạc khác. Dự án mong muốn thông qua hình thức nhạc kịch, với sự kết hợp giữa nội dung, hình ảnh và âm nhạc, các bạn nhỏ sẽ được tiếp cận nhiều hơn với âm nhạc và văn hóa dân gian dân tộc. Chỉ có tiếp cận nhiều hơn thì các bạn nhỏ mới hiểu, yêu và trân quý nó. Nhưng chúng tôi cũng xác định đây là công cuộc dài hơi, cần sự kiên trì, nhẫn nại”, nghệ sĩ Đàm Thái Hà nói.

Là người trực tiếp giảng dạy nghệ sĩ Đàm Thái Hà trong những năm tháng học tập tại trường, cô giáo Diệu Thảo, giảng viên Khoa Âm nhạc truyền thống, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam nhận xét: “Hà là cô gái bản lĩnh, có cá tính riêng và khá “bướng”. Là người cầu toàn, chỉn chu, mọi thứ luôn ngăn nắp, chi tiết, tỉ mỉ nên âm nhạc của Hà cũng vậy. Ngay cả khi Hà thăng hoa trong âm nhạc thì cũng là “thăng hoa trong ngăn nắp”.

2/ Tham gia dự án âm nhạc trong vai trò sáng tác, phối khí và sản xuất âm nhạc, nghệ sĩ Đàm Thái Hà phụ trách một số cảnh trong vở kịch. Theo Hà, nhạc kịch là hình thức kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật nên nhóm rất tập trung và cố gắng để có thể sáng tạo ra những sản phẩm tốt nhất, tạo được cảm giác gần gũi với các em nhỏ. “Hiện nay, quá trình sáng tác phối khí đã hoàn thành, nhóm âm nhạc đang hoàn thiện phần thu âm các bản nhạc và phần hát. Hai tháng qua, chúng tôi đã tranh thủ từng phút thời gian rảnh rỗi ban ngày, thậm chí thức đêm để viết và phối nhạc cũng như điều phối công việc sản xuất. Từ nay đến Trung thu không còn dài, cả nhóm đang rất hồi hộp cho buổi công diễn sắp tới và hy vọng sẽ mang đến cho các em nhỏ những điều mới mẻ, thú vị”, nghệ sĩ Đàm Thái Hà chia sẻ.

Trong thời gian tới, nghệ sĩ Đàm Thái Hà muốn tập trung nhiều cho cây đàn tỳ bà bằng cách sáng tác nhiều hơn và tìm hiểu, ứng dụng đàn tỳ bà với nhiều thể loại âm nhạc hơn. Là người yêu thích nhạc kịch (cả kịch hát dân tộc Việt Nam và nhạc kịch nước ngoài), nữ nghệ sĩ mong muốn có thể góp công sức, trí tuệ để tham gia nhiều dự án tương tự như “Đồng dao cổ tích”. “Thông qua nhạc kịch người nghe sẽ dễ dàng cảm nhận hơn về âm nhạc dân tộc. Đó cũng chính là con đường, là tâm huyết dài hơi của tôi”, chị nói.