Truyền cảm hứng nghiên cứu vũ trụ

“Người trẻ luôn cần thôi thúc sự tò mò và đặt ra những câu hỏi cho ước mơ nghề nghiệp của bản thân. Sự tò mò sẽ nuôi dưỡng tâm hồn, đồng thời có thể giúp các bạn chinh phục những điều mới mẻ mà có khi chính bản thân cũng chưa biết”.
0:00 / 0:00
0:00
Học sinh hào hứng tham gia trải nghiệm Tuần lễ không gian Việt Nam.
Học sinh hào hứng tham gia trải nghiệm Tuần lễ không gian Việt Nam.

Người truyền cảm hứng

Thông điệp trên được ông Michael A. Baker, cựu phi hành gia NASA gửi tới các bạn trẻ tại Trung tâm hội nghị tỉnh Bình Định trong sự kiện “Tuần lễ không gian Việt Nam” do Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh cùng UBND tỉnh Bình Định phối hợp tổ chức. Tại buổi gặp gỡ, ông Baker đã chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân khi làm việc trên vũ trụ cũng như đưa ra những lời khuyên hữu ích để truyền cảm hứng nghiên cứu vũ trụ cho các em học sinh, sinh viên.

Ban tổ chức cho biết, thông qua các hoạt động sẽ góp phần truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ về những câu chuyện của phi hành gia trong môi trường làm việc và sinh hoạt trên không gian vũ trụ, như chia sẻ về những nghiên cứu khoa học làm sao bảo vệ Trái đất, tránh ô nhiễm môi trường, cảnh báo rủi ro va chạm với các hành tinh khác, sự sống ngoài Trái đất và người ngoài không gian. Đồng thời, góp phần củng cố kiến thức và hình thành kiến thức mới thông qua tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo STEM cho học sinh. Qua đó, định hướng nghề nghiệp và tổ chức hoạt động giáo dục trải nghiệm, khuyến khích mọi người tìm hiểu thêm về các sứ mệnh, khám phá tiến bộ công nghệ của NASA thông qua các hoạt động giáo dục, tài nguyên trực tuyến và các sự kiện cộng đồng.

Trước khi trở thành phi hành gia NASA, ông Baker có hơn 5.400 giờ bay trên 50 loại máy bay khác nhau và đã thực hiện hơn 300 lần hạ cánh trên tàu sân bay. Điều mà cựu phi hành gia này xúc động và không thể quên là khoảnh khắc khi tàu con thoi được phóng lên vũ trụ. Ông chia sẻ, đó là một cảm giác thật sự cô đơn nhưng khi nhìn về Trái đất ông thấy sự kết nối với tất cả mọi người. Ông nghĩ đến trách nhiệm bảo vệ Trái đất - hành tinh duy nhất có sự sống trong hệ Mặt trời. “Khoảnh khắc được bay lên không gian khám phá vũ trụ khiến tôi rất xúc động và trân quý hành tinh của mình”, cựu phi hành gia Baker chia sẻ.

Cơ hội và thách thức

Bước sang thế kỷ 21, những phát minh và nghiên cứu của các cơ quan vũ trụ nhằm đáp ứng nhu cầu khám phá không gian đã giúp tạo ra những sản phẩm, thiết bị hay sáng chế làm đổi thay nhân loại. Cũng từ cuộc đua khám phá vũ trụ, những thiết bị và linh kiện công nghệ như cảm biến CMOS chụp ảnh, hay thậm chí là sữa công thức cho trẻ sơ sinh đã được hoàn thiện và trở thành sản phẩm thương mại. Đi cùng với đó là những hệ thống vệ tinh dự báo thời tiết, truyền dẫn thông tin và trong tương lai là cung cấp internet như Starlink của SpaceX.

Với sự nỗ lực không ngừng của ngành giáo dục luôn khuyến khích người trẻ lựa chọn sự nghiệp khác biệt để đón đầu tương lai, nhiều quốc gia trên thế giới với nền tảng khoa học - kỹ thuật hiện đại đã trở thành điểm đến lý tưởng cho các bạn trẻ có ước mơ chinh phục vũ trụ. Vì thế, cuộc đua vào vũ trụ đang chứng kiến sự gia nhập của nhiều quốc gia. Ngoài những “ông lớn” như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ… thì New Zealand, Singapore và Luxembourg cũng đang được xem là những “người tí hon” nổi bật.

Ngày nay, xu hướng phát triển khoa học vũ trụ đang trở thành hướng đi mới của các quốc gia trên thế giới, tuy nhiên nhân lực trong ngành này khá hạn chế do không phải ai cũng đủ năng lực đáp ứng yêu cầu. Để giải quyết vấn đề này, giáo dục đóng vai trò nòng cốt trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao. Do đó, theo các chuyên gia, các trường học cần nỗ lực đẩy mạnh đầu tư và phát triển các ngành học về hàng không, thiên văn, cũng như tăng cường liên kết với các công ty công nghệ không gian vũ trụ.

Theo ông Baker, nếu các bạn trẻ muốn trở thành phi hành gia thì đầu tiên Việt Nam phải có các chương trình về hàng không, vũ trụ và được huấn luyện. Ngoài ra, phải tham gia nhiều chương trình tuyển chọn khắc nghiệt. Ông Baker cũng thông tin thêm hiện nay vệ tinh được phóng lên vũ trụ rất nhiều. Sau một thời gian không còn hoạt động, lúc này chúng sẽ trở thành rác thải trên không trung. Hiện có khoảng 200.000 mảnh vỡ đang lơ lửng bên ngoài không gian. Làm sao thu dọn rác vệ tinh bay trên không trung đặt ra bài toán cho toàn thế giới, song đây cũng là cơ hội cho các bạn trẻ nghiên cứu cách thu nhặt rác trên vũ trụ.