Những ngày chiến đấu trong vòng vây
Năm 16 tuổi, Hoàng Siêu Hải được người anh con bác ruột là Hoàng Văn Nọn, Bí thư đầu tiên Tỉnh ủy Cao Bằng (sau này là Ủy viên Trung ương Đảng khóa I, đại biểu tham dự Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản (1935) tại Liên Xô), giác ngộ, tham gia hoạt động cách mạng. Năm sau, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Năm 1941, Hoàng Siêu Hải được gửi sang học quân sự tại phân hiệu Trường võ bị Hoàng Phố cơ sở Liễu Châu (Trung Quốc) cùng các ông Hoàng Văn Thái, Đàm Quang Trung, Hoàng Minh Thảo, Vũ Lập, Vũ Nam Long, Mai Trung Lâm, Hoàng Long Xuyên, Lâm Kính, Thu Sơn, Hoàng Nam Hải, Hoàng Ngọc Sơn…
Sau ba năm học tập, cuối năm 1944, ông cùng đồng đội trở về nước, tham gia chiến đấu tiễu phỉ ở biên giới, huấn luyện quân sự cho dân quân du kích địa phương tỉnh Cao Bằng. Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, những thanh niên học tập quân sự tại Trung Quốc về nước hoạt động trở thành những vị tướng, những nhà lãnh đạo quân sự đầu tiên của chính quyền cách mạng. Một số trở thành cán bộ chỉ huy Nam tiến như Vũ Nam Long, Thu Sơn, một số khác như Hoàng Điền, Vũ Lập, Lâm Kính... đảm nhận trọng trách ở những địa bàn trọng yếu ngoài Hà Nội. Chỉ có một mình Hoàng Siêu Hải ở lại trong thành Hà Nội với Vệ quốc quân.
Ông Hoàng Trung Phong, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng, con trai thứ của Trung đoàn trưởng Hoàng Siêu Hải chia sẻ: “Đã nhiều lần, cha tôi đề đạt nguyện vọng với Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp được đến những điểm nóng nhất trực tiếp cầm súng chiến đấu, nhưng nguyện vọng chưa được giải quyết thì kháng chiến toàn quốc (19/12/1946) bùng nổ”.
Đơn vị Vệ quốc quân do Hoàng Siêu Hải chỉ huy cùng tự vệ thành phố Hà Nội hợp thành một lực lượng chủ lực để chặn từng bước tiến của kẻ thù. Hơn hai tuần sau, ngày 6/1/1947, Trung đoàn Liên khu I được tổ chức lại (đến 12/1/1947 mang tên mới là Trung đoàn Thủ đô), do Hoàng Siêu Hải làm Trung đoàn trưởng. Trở thành Trung đoàn trưởng đầu tiên của Trung đoàn Thủ đô chiến đấu trong vòng vây của kẻ thù, Hoàng Siêu Hải suy nghĩ phải có cách đánh làm sao bảo toàn được lực lượng. Nhiều phương án, nhiều cách đánh đã được đem ra bàn thảo. Trong số đó, có cả phương án của cố vấn người Nhật trong hàng ngũ Việt Minh lúc đó.
Một Tiểu đoàn trưởng đề nghị được chỉ huy một đơn vị nhỏ nhưng đặc biệt tinh nhuệ, gan dạ, bí mật tập kích tiêu diệt và tóm gọn bọn chỉ huy Pháp tại đại bản doanh của chúng. Nhưng Trung đoàn trưởng Hoàng Siêu Hải không đồng ý. Ông đánh giá đó là kế hoạch mang tính phiêu lưu, nặng về chủ nghĩa anh hùng cá nhân. Ông phân tích, quân đội viễn chinh Pháp lúc này mạnh và tinh nhuệ hơn nhiều.
Vậy thì đánh bằng cách nào? Bằng những kiến thức quân sự học được tại Trường quân sự Liễu Châu (Trung Quốc) cùng kinh nghiệm chiến đấu du kích trên chiến khu, những trận công đồn và việc thị sát địa hình, địa vật chung quanh khu Hoàn Kiếm đã mách bảo để ông đưa ra cách đánh phù hợp: đánh liên hoàn.
Đánh liên hoàn rất phù hợp và thuận lợi cho Trung đoàn Thủ đô vì trong phố có nhiều đường phố nhỏ và nhiều ngôi nhà cao. Các chiến sĩ và nhân dân Thủ đô sẽ xây dựng các chiến lũy trên các đường phố, tạo nhiều chướng ngại vật ngăn cản xe tăng, xe cơ giới và bộ binh của địch đột nhập. Để giúp bộ đội di chuyển và yểm trợ được lẫn nhau, tường các ngôi nhà liền kề được đục thông. Còn trên nóc các tòa nhà đặt hỏa lực mạnh án ngữ… Cách bố trí này sẽ kéo dài thời gian chiến đấu, có thể một tháng, hai tháng hoặc lâu hơn. Với cách đánh này, lực lượng vũ trang Thủ đô ta tuy mỏng và thiếu vũ khí nhưng đã nhiều lần chặn đứng các cuộc tiến công bằng xe tăng có đại bác yểm trợ của quân viễn chinh Pháp.
Cách đánh liên hoàn này khiến thực dân Pháp không thể nào chiếm được Hà Nội. Sau ba tháng hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô, bảo đảm cho các cơ quan Trung ương rút lui an toàn lên chiến khu Việt Bắc, Trung ương Đảng và Bộ Tổng Tư lệnh ra lệnh cho Trung đoàn Thủ đô rút ra vùng tự do để bảo toàn lực lượng.
Nửa đêm ngày 17/2/1947, Trung đoàn trưởng Hoàng Siêu Hải, Chính trị viên Lê Trung Toản, Tham mưu trưởng Hoàng Phương và hơn 1.200 người gồm các chiến sĩ, phụ nữ, trẻ em, thương binh bí mật luồn qua gầm cầu Long Biên rồi vượt sông trên những chiếc thuyền nan, trở về tập kết an toàn bên bờ hữu ngạn sông Hồng, tỉnh Phúc Yên.
Mối tình thời chiến
Sau khi chỉ huy cho Trung đoàn Thủ đô vượt vòng vây một cách táo bạo, bất ngờ về tới căn cứ, một thời gian sau, Bộ Tổng Tư lệnh điều ông về giữ chức Trung đoàn phó Trung đoàn 72. Nam nhi thời chiến, mải cầm quân đánh giặc, ông vẫn chưa nghĩ đến chuyện lập gia đình. Thế rồi sau lần đánh đồn Pháp tại huyện Chợ Rã, tỉnh Bắc Kạn, trong niềm vui chiến thắng, ông bắt gặp một ánh mắt khác lạ. Đó là ánh mắt của cô Hoàng Thị Định. Cô Định là cháu của một cán bộ Việt Minh tỉnh Bắc Kạn. Cô gái hỏi ông có phải là Trung đoàn trưởng Trung đoàn Thủ đô không? Ông xác nhận. Không ngờ cô gái đó lại biết chuyện về Trung đoàn Thủ đô, biết được cả chuyện ông được Bác Hồ tặng cho bộ quần áo ka-ki. Sau buổi gặp gỡ, ánh mắt của cô gái cứ ám ảnh ông.
Năm nay, cụ bà Hoàng Thị Định đã 96 tuổi, sức khỏe giảm sút theo thời gian. Khi cụ 90 tuổi, có dịp lên Cao Bằng, người viết bài này đã được gặp cụ và nghe cụ Hoàng Thị Định kể chuyện về mối tình thời chiến của mình với Trung đoàn trưởng Hoàng Siêu Hải.
Từ cuộc gặp đầu tiên, tình yêu đến với hai người, lại được người thân tác thành, ông bà quyết định gắn bó cuộc đời cùng nhau. Đám cưới được chuẩn bị vào mùa thu năm 1947 cũng là lúc thực dân Pháp nhảy dù xuống Bắc Kạn, mở màn cho Chiến dịch Thu đông, đánh úp nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến của Việt Minh. Giặc đến ào ạt nhưng không sợ, lễ cưới vẫn diễn ra hết sức trang trọng. Trung đoàn trưởng Trung đoàn 72 Chu Huy Mân (sau là Đại tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước) cùng nhiều cán bộ lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn chung vui ngày lễ thành hôn của ông bà.
Ông bà Hoàng Siêu Hải đã sinh hạ được 10 người con đủ cả nếp tẻ, ba trai, bảy gái. Các con được giáo dục rất nghiêm khắc, họ luôn tự hào về truyền thống gia đình cách mạng, song cũng luôn ý thức tự lực phấn đấu, không ỷ lại, dựa dẫm vào bố. Dù ông Hoàng Siêu Hải đi xa đã gần nửa thế kỷ, các con của ông đều phương trưởng. Đến nay, dù đã nghỉ hưu, các con ông bà luôn tự hào về người cha của mình: Trung đoàn trưởng đầu tiên của Trung đoàn Thủ đô.
Hổ xám rừng xanh
Trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, có một số cán bộ chỉ huy quân sự từ trung đoàn trưởng trở lên tuy không được thăng quân hàm tướng nhưng được đối phương suy tôn cấp tướng. Trung đoàn trưởng Hoàng Siêu Hải là một trong số những cán bộ như vậy. Tạp chí Sự kiện & Nhân chứng (Báo Quân đội Nhân dân) số tháng 12/1999 cung cấp thông tin: Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt, Bộ Quốc phòng mời ông Hoàng Siêu Hải trở lại quân ngũ. Lúc đó một số phương tiện thông tin đại chúng của phương Tây đã báo tin “Tướng hổ xám rừng xanh Siêu Hải trở lại chiến trường”. Nhưng ông cảm thấy sức khỏe đã giảm sút nên không dám nhận.
Ông Hoàng Siêu Hải (1917-1975) còn có các tên gọi khác là Hoàng Khắc Tiệp, Hoàng Giang Từ, sinh tại bản Nà Toàn, xã Đề Thám, huyện Hòa An (nay là phường Đề Thám, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng). Sau cuộc rút lui thần kỳ khỏi Hà Nội, Trung đoàn Thủ đô lên Việt Bắc, ông chuyển sang làm Trung đoàn phó Trung đoàn 72 (Bắc Kạn). Cuộc đời binh nghiệp của mình, ông Hoàng Siêu Hải đã tham gia Chiến dịch Biên giới (1950), Chiến dịch Trung du (1951) và Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954). Từ năm 1958, ông rời quân đội, chuyển ngành về Tỉnh ủy Cao Bằng, công tác tại Ban Nông hội tỉnh Cao Bằng (nay là Hội Nông dân tỉnh Cao Bằng) cho đến khi nghỉ hưu.
Ông Hoàng Siêu Hải đã được công nhận cán bộ lão thành cách mạng, Huân chương Độc lập hạng ba (truy tặng), Huân chương Quân công hạng nhì…