Trổ lá vươn cành sau dông bão

Cơn bão số 3 lịch sử đã để lại tổn thất nặng nề cho bà con nông dân trồng cây cảnh trên địa bàn Xuân Quan (Hưng Yên) và Cự Khối (Hà Nội). Nhưng trong gian khó, người dân vẫn kiên cường tái thiết từng gốc cây, thửa đất, “gieo” lại hy vọng cho mùa Tết Ất Tỵ và một cuộc sống bình thường mới với những mong ước nở rộ giữa muôn vàn khó khăn.
0:00 / 0:00
0:00
Nụ cười lạc quan trên cánh đồng sau bão.
Nụ cười lạc quan trên cánh đồng sau bão.

“Gieo” một cuộc sống mới

Đã hơn 1 tháng kể từ ngày cơn bão số 3 đi qua, người dân tại các địa bàn trồng cây cảnh ở tỉnh Hưng Yên và thành phố Hà Nội đã và đang khắc phục dần những thiệt hại, tất bật chuẩn bị cho Tết Ất Tỵ.

Hai khó khăn lớn nhất mà người dân phải đối mặt là giống và nguồn vốn. Hầu hết diện tích trồng cây sắp đến ngày thu hoạch đã bị cơn bão tàn phá. Để trồng lại đợt cây mới, bà con phải đào xới và thu dọn toàn bộ cây chết. Việc này tốn rất nhiều chi phí nhân công và máy móc. Theo ông Nguyễn Đức Sắt, chủ vườn tại phường Cự Khối, quận Long Biên, việc phục hồi lại toàn bộ diễn ra khó khăn, mất nhiều công sức và tiền của. Ngậm ngùi nhìn khu đất đang phục hồi dang dở, ông Sắt bày tỏ: “Sau bão, cây cảnh tại vườn của chú chết khoảng 9/10 do ngập nước quá lâu. Nếu muốn khôi phục lại như ban đầu phải mất khoảng gần 2 tỷ vì quy trình rất nhiều công đoạn”. Bên cạnh đó, giống cây trồng cũng trở nên khan hiếm và giá cả ngày một tăng, có những loại cây phải nhập từ nước ngoài với mức giá cao hơn mọi năm. Còn một chủ vườn khác cũng ở Cự Khối - ông Nguyễn Văn Hình cho biết: “Tôi quyết định “tất tay” nhập hàng từ Trung Quốc với số lượng lớn, khoảng 2 vạn cây chà là con, có giá 13 nghìn đồng/cây, phát tài con 40 nghìn đồng/cây, phát tài nhỡ 250 nghìn đồng/cây. Nhập giá cao hơn, nhưng phải 2-4 năm sau mới bán được, chẳng biết có được giá hay không”.

Những khu vực có diện tích vừa và nhỏ hầu hết đã được người dân dọn dẹp xong, bắt đầu vào giai đoạn vun trồng, chăm sóc. Theo anh Thành, ở thôn 5, xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, đất là yếu tố cần cải tạo đầu tiên để giúp cây nhanh chóng phát triển, hồi phục: “Phải để đất khô ráo, ải đất để diệt cỏ dại, các mầm mống sâu bệnh còn lưu trú rồi mới tới bước kích rễ, chăm sóc cho cây”.

Khảo sát trên địa bàn xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, sau khi dọn dẹp, trang bị lại mái vòm, lưới và cải tạo lại đất, phần lớn người dân lên kế hoạch trồng lại những cây ngắn ngày với chu kỳ sinh trưởng và phát triển từ 2 tháng rưỡi đến 3 tháng thay vì các loại cây dài ngày có giá trị kinh tế cao. Chia sẻ về nhóm cây trồng chủ đạo, anh Đàm Văn Mạnh, chủ vườn tại thôn 4 cho biết: “Tôi lựa chọn những cây phổ biến, hợp mùa và dễ chăm sóc để trồng lại như hoa đồng tiền, dạ hương thảo, cúc hải đường, sắc pháo, cây mào gà, cúc vạn thọ…”. Có thể nói, vào thời điểm này, đây là biện pháp tốt nhất mà nhiều người lựa chọn để xoay vòng nguồn vốn cũng như chuẩn bị kịp thời nguồn cây cảnh phục vụ cho dịp Tết sắp tới.

Tương tự, nhà vườn của ông Hình tại Xuân Quan cũng trồng các loại cây ngắn ngày để bán vào dịp Tết, từ đó lấy vốn để đầu tư vào các loại cây dài ngày, tốn nhiều năm mới thu hoạch được như: cây chà là, phát tài núi… Ông Hình trồng mỗi loại nhiều kích cỡ khác nhau như cây con, cây nhỡ để thu hoạch luân phiên. Theo ông, đây là chiến lược “để dành” như một hình thức “gửi tiết kiệm”, thay vì các hình thức đầu tư khác, chú quyết định đầu tư vào cây trồng.

Trổ lá vươn cành sau dông bão ảnh 1

Mầu xanh đang trở lại nơi những nhà vườn.

“Nảy mầm” những ước mong đẹp

Tưởng chừng như cơn bão kinh hoàng vừa qua sẽ chỉ để lại tổn thất và tiếc nuối với bà con trồng hoa, cây cảnh. Thế nhưng, đâu đó những ước mong đẹp, những tấm lòng đẹp vẫn ngày ngày được vun trồng và chăm sóc, với hy vọng sẽ được nảy mầm, ra hoa và kết trái, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán năm nay.

Khắp mọi nẻo đường tại xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên và phường Cự Khối, quận Long Biên, thành phố Hà Nội đều có những đôi bàn tay đang cần mẫn tỉa tót, chăm sóc để có những chậu cây, chậu hoa đẹp nhất cho vụ Tết sắp tới. Theo chia sẻ tại một số nhà vườn tại đây; giá hoa sẽ có biến động so với mọi năm nhưng không đáng kể và còn tùy từng loại; nhìn chung là mọi nhà vườn đều cố gắng có mức giá tốt nhất có thể.

Đại diện nhà vườn Ngọc Hợi tại thôn 5, xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên cho biết: “Nhiều khách hàng thắc mắc về giá hoa nhỉnh hơn so mọi năm. Nhà vườn cũng có giải thích nếu bán như giá năm ngoái thì sẽ lỗ vì cây đã chết hết. Nên việc tăng giá này cũng do nguyên nhân khách quan, không ai mong muốn cố tình độn giá lên”. Nhà vườn cũng chia sẻ thêm mong quý khách gần xa tới Xuân Quan mua hoa, ủng hộ người nông dân dịp Tết này thì hãy thông cảm và thương lấy giọt mồ hôi, công sức của người nông dân.

Những người nông dân chịu thương chịu khó ở đây sẵn sàng “lấy công làm lãi”, không quản bao khó khăn, nhọc nhằn để nhanh chóng tái thiết được vườn hoa, vừa phục hồi phần nào kinh tế cho chính gia đình mình, vừa để mọi người mọi nhà có những chậu hoa đẹp đón Tết sau một năm đầy gian truân, vất vả. Anh Thành (thôn 5, xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) nói: “Thật ra bão đến, ảnh hưởng là ảnh hưởng chung, không ai tránh được, chỉ mong mọi người ở mọi ngành làm ăn tốt, khôi phục lại kinh tế để ai cũng có thể mang về những chậu hoa đẹp để chơi Tết”.

Còn với ông Nguyễn Văn Hình, sức khỏe là ước mong lớn nhất và cũng là điều quan trọng nhất. “Mất thì làm lại từ đầu thôi, còn người là còn của. Làng Nủ còn thiệt hại về người, đau thương và xót xa biết mấy, mình đây có là gì! Chỉ mong có sức khỏe thật tốt để từ từ phục hồi lại thôi”.

Với những nơi có diện tích rộng hơn như vườn cây cảnh của ông Nguyễn Đức Sắt thì cần phá những cây đã chết, dọn cây, thay đất, mua cây giống, mua bầu bịch, mua phân và trồng lại dần dần. “Khoảng 2 năm mới có thể khôi phục lại như ban đầu. Tết này chắc chắn kinh tế gia đình sẽ khó khăn hơn. Bánh chưng lại “không có thịt” rồi”, ông Sắt chia sẻ.

“Đơm hoa” những bài học

Khi được hỏi về những bài học sau tổn thất nặng nề của cơn bão lịch sử vừa qua, ông Nguyễn Văn Hình ngậm ngùi cho biết: “Với những người nông dân như chú, thiên tai vốn là một thứ rất phức tạp và không có cách nào để tránh khỏi. Vậy nên, việc có thể làm là thực hiện những công tác chuẩn bị trước khi bão lũ ập đến để hạn chế phần nào hậu quả mà nó để lại”. Có thể kể đến như “chạy cây” - di dời cây ở vùng đất trũng về vùng đất cao hơn hoặc những vùng ít chịu ảnh hưởng của thiên tai. Đối với những loại cây được trồng trong khu vực mái vòm, lưới, bạt thì phải trang bị dàn mái vòm kiên cố hơn, chống chịu được với bão lũ, cố gắng treo hết chậu, giỏ, bầu cây lên cao, tránh bị láng nước.

Bên cạnh đó, với tình hình thời tiết diễn biến phức tạp như hiện nay, hầu hết người dân trồng cây cảnh trên địa bàn Cự Khối (Hà Nội) và Xuân Quan (Hưng Yên) đều rút ra được một bài học, đó chính là nên đầu tư trồng những loại cây có sức sống bền bỉ, chịu được ngập úng như cây chà là, cây tường vi… Ngoài ra, “mỗi người nông dân phải học cách tư duy mới hơn, dám mạnh dạn làm và tiếp tục làm lại sau những khó khăn, vấp ngã. Bởi nghề nông vốn dĩ không phải là một công việc dễ dàng, càng đi qua khó khăn, bà con nông dân càng phải vững tin hơn nữa thì mới có thể thu được quả ngọt”, ông Hình chia sẻ.