Trải nghiệm STEM theo cách mới

Trong những năm gần đây, giáo dục STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) đã trở thành một phần không thể thiếu trong chương trình giảng dạy tại nhiều trường học và trung tâm khoa học giáo dục ở Việt Nam. Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo (TP Quy Nhơn, Bình Định) cũng đang phát triển và thúc đẩy các hoạt động giáo dục STEM, mang đến cho học sinh những trải nghiệm thực tế và ứng dụng kiến thức vào cuộc sống.
0:00 / 0:00
0:00
Các hoạt động trong chương trình STEM luôn được các em thiếu nhi tỉnh Bình Định yêu thích.
Các hoạt động trong chương trình STEM luôn được các em thiếu nhi tỉnh Bình Định yêu thích.

1/ Nhằm khơi dậy niềm đam mê khoa học và công nghệ cho học sinh, trung tâm cung cấp một môi trường học tập sáng tạo, nơi học sinh có thể tham gia vào các thí nghiệm khoa học, xây dựng mô hình và thực hiện các dự án sáng tạo trên cơ sở hạ tầng hiện đại và đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm. Tại đây, ngày hội STEM luôn là một sự kiện lớn. Ngày hội bao gồm nhiều hoạt động như trưng bày mô hình, tổ chức các cuộc thi sáng tạo khoa học - kỹ thuật và thi đấu robot. Ngoài ra, trung tâm cũng tổ chức các buổi tham quan thực tế tại các doanh nghiệp giúp học sinh hiểu rõ hơn về quy trình sản xuất, công nghệ và môi trường làm việc thực tế. Em Nguyễn Nhật Minh, Trường tiểu học Võ Văn Dũng, một học sinh tham gia lớp học STEM chia sẻ: “Em rất thích vì có nhiều hoạt động thú vị và bổ ích. Em đã học được nhiều kiến thức mới và biết cách áp dụng vào cuộc sống”.

Cô Phùng Thị Yến Nhi, phụ trách tổ chức các lớp học STEM tại trung tâm chia sẻ, các hoạt động giáo dục STEM luôn bám sát mục tiêu, yêu cầu cần đạt của các môn học nhằm phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, trình độ phát triển nhận thức của học sinh để không gây áp lực, quá tải cho học sinh và giáo viên. Chính vì thế, các hoạt động trải nghiệm tại STEM luôn nhận được sự quan tâm, hào hứng tham gia của các bạn học sinh. "Đây cũng là động lực để chúng tôi tiếp tục phát triển các chủ đề STEM, góp phần phát triển các năng lực và phẩm chất cần thiết của học sinh trong tương lai”.

Ông Nguyễn Ngọc Hóa, Giám đốc Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo cho biết, trung tâm luôn chú trọng xây dựng các chương trình trải nghiệm STEM, trước hết là khai thác công năng và nhân lực, các chủ đề về khoa học tự nhiên, robotics. Các chương trình này đều bám theo các hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thiết kế và tổ chức chương trình STEM. Thông qua các bài học và hoạt động trải nghiệm, giáo viên có thể phát hiện ra các học sinh có năng khiếu và tạo điều kiện thuận lợi để các em làm quen với nghiên cứu khoa học - kỹ thuật. Mỗi không gian trải nghiệm tại đây đều được thiết kế để khơi dậy niềm đam mê khoa học và công nghệ. Hiện, trung tâm đang có kế hoạch mở rộng và phát triển thêm nhiều chương trình học tập và trải nghiệm. Đặc biệt, trong năm học 2024-2025 đã tổ chức tiết học STEM tại một số trường tiểu học, cũng như tổ chức lớp huấn luyện STEM robotics cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở. Đồng thời, trong thời gian tới, sẽ phối hợp với các trường học và doanh nghiệp tiếp tục tổ chức thêm nhiều hoạt động giáo dục, xây dựng thêm các không gian trải nghiệm hiện đại nhằm tăng cường sự kết nối giữa học sinh và thực tiễn.

2/ Trên thế giới, giáo dục STEM đã được triển khai đa dạng với nhiều loại hình khác nhau. Tại Việt Nam, theo Công văn 3089/BGDĐT-GDTrH, giáo dục STEM có thể được triển khai theo ba loại hình: Bài dạy, hoạt động trải nghiệm và hoạt động nghiên cứu khoa học - kỹ thuật. Việc áp dụng mô hình giáo dục này nhằm phát triển toàn diện các kỹ năng và năng lực của học sinh, giúp sẵn sàng hơn cho những thách thức của thế kỷ 21. Tuy nhiên, việc áp dụng STEM trong dạy học mới chỉ tập trung vào mảng nghiên cứu khoa học, các hoạt động trải nghiệm chưa được quan tâm rộng rãi và trở thành phong trào. Nguyên nhân chính nằm ở chỗ nhiều môn học trong chương trình chủ yếu được dạy theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Thêm vào đó, giáo viên chưa khai thác hết khả năng tiềm ẩn trong nội dung bài học để giúp học sinh vận dụng kiến thức vào cuộc sống.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để khắc phục những hạn chế và nâng cao hiệu quả dạy học STEM, trước hết, cần đổi mới phương pháp giảng dạy. Giáo viên cần tạo điều kiện cho học sinh tham gia vào các hoạt động trải nghiệm, thí nghiệm thực hành và dự án nghiên cứu. Đặc biệt, sự hỗ trợ từ gia đình, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội cũng góp phần quan trọng trong việc phát triển năng lực nghiên cứu của học sinh.