Trong ba tháng đầu năm, Tổng đài 111 đã hỗ trợ, can thiệp 502 ca, trong đó số ca trẻ em bị bạo lực là 323 ca, tăng 146 ca, tăng 82,4% so cùng kỳ 2021; trẻ em bị xâm hại tình dục là 43 ca, giảm 11 ca so cùng kỳ 2021; trẻ em bị bóc lột là 62 ca, tăng 24 ca so cùng kỳ 2021; trẻ em gặp khó khăn liên quan đến pháp luật (tranh chấp quyền nuôi con, nhập quốc tịch, làm giấy khai sinh) là 25 ca và 49 ca về các vấn đề khác.
Bộ đã thực hiện các chương trình, đề án về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương về công tác trẻ em năm 2022 và rà soát, kiểm tra, thanh tra việc chăm sóc nuôi dưỡng, hỗ trợ trẻ em của các cơ sở trợ giúp xã hội, các quỹ từ thiện.
Chăm sóc trẻ mồ côi sau Covid-19
Tại TP Hồ Chí Minh, thành phố đang chăm sóc 2.200 trẻ mồ côi do ảnh hưởng dịch Covid-19, trong đó 39 em mất cả cha mẹ, 78 em mất người trực tiếp nuôi dưỡng và hơn 2.000 em mất cha hoặc mẹ. Tổng kinh phí từ nguồn xã hội hóa chăm lo cho nhóm trẻ này và trẻ sống trong cơ sở bảo trợ xã hội, các quận, huyện đông lao động nhập cư là hơn 17,3 tỷ đồng. Như vậy, mỗi em nhận hỗ trợ bình quân từ 5-6 triệu đồng, riêng các em mồ côi cả cha mẹ nhận hỗ trợ 8-9 triệu đồng. Ngoài tiền mặt, các em còn nhận cặp sách, tập viết, đồ dùng học tập, gói an sinh gồm gạo, mì, dầu ăn. Nhiều tổ chức, cá nhân còn cam kết đỡ đầu cho các em đến năm 18 tuổi.