Tổng cục giáo dục lòng yêu nước của Nga

Mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh thành lập Tổng cục Chính trị trong Quân đội liên bang thuộc Bộ Quốc phòng Nga. Một trong những nhiệm vụ chính của cơ quan này là công tác giáo dục tăng cường lòng yêu nước và sự trung thành của binh sĩ.

Cán bộ chính trị Nga tổ chức chuyến tham quan bảo tàng cho các phi công trẻ năm 1988. Ảnh: TASS
Cán bộ chính trị Nga tổ chức chuyến tham quan bảo tàng cho các phi công trẻ năm 1988. Ảnh: TASS

Cải cách sau Cách mạng Tháng Mười

TASS cho biết, trước năm 1917, không có một hệ thống, cấu trúc hay cơ sở giáo dục đặc biệt nào đảm nhiệm công tác giáo dục cho binh sĩ mà không thuộc các cơ sở giáo dục trong quân đội Nga. Việc đào tạo và huấn luyện cán bộ được phân cho chỉ huy quân đội ở tất cả các cấp.

Tháng 3-1917, Ban Chấp hành Xô Viết Petrograd của công nhân và binh sĩ đã ban hành quyết định, trong đó nêu rõ, ở tất cả các đơn vị quân đội và chính quyền quân sự phải có mặt các ủy viên, là đại diện lãnh đạo chính trị của nhà nước thực hiện việc giám sát chính trị đối với các cá nhân trong tổ chức. Tháng 8 cùng năm, trong hệ thống các cơ quan trung ương quân đội, Cục Chính trị quân đội được thành lập, chịu trách nhiệm đấu tranh với tư tưởng bất bình hay “tự chuyển hóa” trong các lực lượng vũ trang. Ngày 8-4-1918, cơ quan chính trị của quân đội được thành lập có tên là Cục Quân ủy toàn Nga, được giao chỉ đạo công tác chính trị ở mặt trận và hậu phương.

Trong một thời gian dài, cơ quan chính trị của lực lượng vũ trang đã liên tục được cơ cấu lại và đổi tên, như Ban Chính trị Hội đồng quân sự cách mạng, Cục Chính trị Hội đồng quân sự cách mạng, Cục Chính trị Hồng quân và Hải quân, Tổng cục Công tác tuyên truyền chính trị Hồng quân và Hải quân... Từ tháng 7 đến tháng 9-1941, chức vụ Chính ủy và các cơ quan chính trị đã được thành lập. Tuy nhiên, ngày 9-10-1942, chức vụ của các lãnh đạo chính trị trong quân đội bị hủy bỏ. Đoàn Chủ tịch Liên Xô tối cao đã thông qua một nghị định về việc thiết lập nguyên tắc thống nhất chỉ huy và bãi bỏ Viện Ủy viên quân sự trong lực lượng Hồng quân. Nghị định này cũng được áp dụng trong lực lượng Hải quân chỉ bốn ngày sau đó.

Sau khi áp dụng các nguyên tắc thống nhất chỉ huy và bãi bỏ Viện Ủy viên quân sự, số lượng cán bộ chính trị rút lại còn 221 người. Con số này trước đó là hơn 11.000 cán bộ, từng được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.

Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, Tổng cục Chính trị Liên Xô và Hải quân Liên Xô đóng vai trò quan trọng trong việc thông qua các quyết định chiến lược về công tác chính trị trong quân đội. Ngày 29-8-1991, Mikhail Gorbachev đã ký một sắc lệnh “Về việc xóa bỏ các cơ quan quân sự và chính trị trong lực lượng vũ trang của Liên Xô, Cơ quan An ninh Liên Xô (KGB), quân đội nội bộ của Bộ Nội vụ và quân đội đường sắt”. Đến tháng 11-1991, các cơ quan này đã hoàn toàn giải thể. Theo quyết định của Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô Dmitry Yazov, Ủy ban Bộ Quốc phòng Liên Xô - đơn vị quản lý công việc nhân sự và các cơ quan cấp dưới trong quân đội, được thành lập.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, theo chỉ thị của Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang, từ ngày 3-9-1992, Ủy ban Bộ Quốc phòng được tổ chức lại thành Tổng cục Nhân sự thuộc Bộ Quốc phòng và sau đó nhiều lần đổi tên. Năm 2010, cơ quan này được đổi lại là Tổng cục Nhân sự các lực lượng vũ trang Liên bang. Từ năm 2017, đại tá Mikhail Baryshev, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Trung tâm thể thao quân đội Moscow (CSKA), đứng đầu Tổng cục này.

Tăng cường giáo dục lòng yêu nước

Sắc lệnh của Tổng thống Nga V.Putin mới đây quy định Tổng cục Chính trị trong Quân đội liên bang thuộc Bộ Quốc phòng Nga, chịu trách nhiệm giáo dục lòng yêu nước của quân đội Nga. Cũng theo sắc lệnh này, Thượng tướng Andrei Kartapolov, người từng tham gia chỉ đạo chiến dịch quân sự ở Syria, được đề bạt làm Tổng Cục trưởng, kiêm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Vedomosti dẫn lời một quan chức trong Bộ Quốc phòng Nga cho biết, Tổng cục Chính trị trong quân đội Nga được hình thành trên cơ sở của Tổng cục nhân sự. Đó là sự kế thừa của Tổng cục Chính trị quân đội Liên Xô, ban đầu là Tổng cục Chính trị Hồng quân, được thành lập vào năm 1918. Tuy nhiên, khác với các cơ quan quân sự và chính trị của Liên Xô trước đây, Tổng cục nhân sự không chỉ có trách nhiệm hỗ trợ, giúp ổn định tinh thần và tâm lý cho binh sĩ, giáo dục lòng yêu nước, văn hóa mà còn bảo đảm quyền lợi của cán bộ phục vụ trong các khía cạnh liên quan đến tôn giáo trong quân đội, giám sát nhà tâm lý học quân sự và xã hội học... Ngoài các nhiệm vụ mà Tổng cục Nhân sự được giao, Tổng cục Chính trị trong quân đội sẽ giám sát phong trào quần chúng thanh niên có tên là “Yunarmiya” và hoạt động của các hiệp hội khác.

Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Hội đồng Liên bang Viktor Bondarev cho biết, hiện nay, khó có thể nêu tên một cơ quan nào chịu trách nhiệm về công việc giáo dục lòng yêu nước cho binh sĩ. “Đã đến lúc phải hình thành một cách tiếp cận có hệ thống các vấn đề về đạo đức, tư tưởng và giáo dục tinh thần yêu nước”, vị Chủ tịch khẳng định.

Ông Viktor Bondarev cũng cho hay, các thế lực thù địch đang cố gắng làm mất uy tín, hình ảnh của nước Nga, quân đội Nga. “Nước Nga cần phản kháng. Tổng cục giáo dục lòng yêu nước của Nga thuộc Bộ Quốc phòng có vai trò rất quan trọng để bảo đảm an ninh quốc gia”, ông Bondarev khẳng định. Việc thành lập Tổng cục này, theo ông, là hoàn toàn chính xác và kịp thời. Hiện nay, lòng yêu nước trong quân đội Nga đang ở mức rất cao. Song bối cảnh địa - chính trị đang thay đổi sẽ mang lại nhiều thách thức mới, và nước Nga phải luôn trong tâm thế sẵn sàng ứng phó.

Theo ông Aleksandr Kanshin - Phó Chủ tịch Hội đồng Công cộng thuộc Bộ Quốc phòng Nga, thì với nhiệm vụ giáo dục lòng yêu nước, Tổng cục mới thành lập phải có đủ quyền năng và cấu trúc nghiêm ngặt, chặt chẽ từ trên xuống dưới trong các lực lượng vũ trang. “Cũng cần lưu ý rằng, việc thành lập Tổng cục Chính trị thuộc Bộ Quốc phòng không phải là một sự đổi mới, mà đúng hơn là “trở lại trật tự cũ”. Một cấu trúc tương tự đã tồn tại ở nước ta từ năm 1919 đến 1991”, ông Kanshin nói.

Ông Kanshin cũng khẳng định thêm, dù tên gọi được thay đổi nhiều lần, nhưng bản chất của cơ quan này vẫn được giữ nguyên với các cán bộ chính trị tham gia công tác tuyên truyền chính trị trong quân đội, giải thích các chính sách của Chính phủ... Trong khi đó, cựu lãnh đạo của Tổng cục Hợp tác quân sự quốc tế của Bộ Quốc phòng, đại tá Leonid Ivashov cho rằng, chức năng của Tổng cục mới sẽ khác so nhiệm vụ của các cơ quan chính trị thời Liên Xô. Đặc biệt, ông chỉ ra rằng định hướng của Tổng cục mới là công tác giáo dục chính trị liên quan các hoạt động quân sự trong các cuộc chiến tranh đa chiều hiện đại.

“Hiện nay, không thể xây dựng quân đội nếu thiếu một chương trình giáo dục tư tưởng chính trị đủ mạnh. Do đó, định hướng giáo dục chính trị dựa trên một ý thức hệ nhất quán đang được tăng cường. Chúng ta phải nhận thức được rằng thế giới hiện tại không ổn định. Quyết định thành lập Tổng cục là vô cùng hợp lý. Đây hoàn toàn là một điều cần thiết”, RIA Novosti trích lời đại tá Leonid Ivashov cho biết.

Aleksandr Kanshin, thành viên Ủy ban Cộng đồng Liên bang Nga về các vấn đề cựu binh, quân nhân và hậu phương cũng đồng ý với quan điểm, trong thời đại thông tin và chiến tranh tâm lý bùng nổ, vai trò của việc chỉnh đốn ý thức và đạo đức của quân sĩ nói riêng và xã hội nói chung là vô cùng quan trọng. Việc thành lập Tổng cục này được xem là một nỗ lực của Nga nhằm tăng cường giáo dục lòng yêu nước cho hơn một triệu binh sĩ chính quy trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây có xu hướng gia tăng.