Chính sách tinh giản biên chế trong năm 2024
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản 3174/VPCP-TCCV ngày 10/5/2024 của Văn phòng Chính phủ về thực hiện tinh giản biên chế năm 2024, Bộ Nội vụ đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện tinh giản biên chế đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý bảo đảm đúng đối tượng, áp dụng đúng chế độ, chính sách tinh giản biên chế và trình tự, thủ tục theo quy định tại Nghị định 29/2023/NĐ-CP.
Cụ thể, trong quá trình thực hiện tinh giản biên chế đối với cán bộ, công chức, viên chức, Bộ Nội vụ đề nghị lưu ý các trường hợp sau: Không thực hiện tinh giản biên chế đối với các trường hợp: Chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ mà vẫn bố trí vào làm công chức, viên chức hoặc cán bộ cấp xã; công chức, viên chức có 2 năm liên tiếp bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ nhưng vẫn đề nghị giải quyết tinh giản biên chế; chưa đủ thời gian công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để tinh giản biên chế ở tuổi nghỉ hưu thấp hơn tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường; công chức, viên chức dôi dư do sắp xếp tổ chức bộ máy nhưng không làm rõ được việc sắp xếp tổ chức, bộ máy của cơ quan, tổ chức, đơn vị; người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP (trừ người làm việc theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn trong các cơ quan hành chính được áp dụng chế độ, chính sách như công chức và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn thực hiện các công việc chuyên môn, nghiệp vụ thuộc danh mục vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành 2 và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp dùng chung trong các đơn vị sự nghiệp công lập),...
Đối với cán bộ cấp xã đã hết nhiệm kỳ bầu cử và không tái cử nhiệm kỳ tiếp theo: Đề nghị thực hiện chế độ, chính sách theo quy định tại khoản 2 Điều 62 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và không thuộc đối tượng theo quy định tại Nghị định 29/2023/NĐ-CP. Đối với cán bộ, công chức cấp xã không đạt chuẩn trình độ đào tạo ở vị trí việc làm hiện đảm nhiệm theo quy định tại Nghị định 33/2023/NĐ-CP: Đến thời điểm 1/8/2028 phải đáp ứng tiêu chuẩn trình độ đào tạo ở vị trí việc làm hiện đảm nhiệm, nếu hết thời hạn nêu trên mà chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định thì thực hiện chế độ nghỉ hưu (nếu đủ điều kiện) hoặc thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo quy định của Chính phủ.
Tuy nhiên, để sớm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã thì đối với cán bộ, công chức cấp xã không đạt chuẩn trình độ đào tạo ở vị trí việc làm hiện đảm nhiệm theo quy định tại Nghị định 33/2023/NĐ-CP mà có đơn tự nguyện tinh giản biên chế, cơ quan có nguồn thay thế và đồng ý thực hiện tinh giản biên chế thì sẽ thực hiện tinh giản biên chế theo quy định.
Phải thực tế hơn
Theo Bộ Nội vụ, thời gian qua, công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức tuy đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn là “khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể, không ít trường hợp còn cảm tính, nể nang, dễ dãi hoặc định kiến” như đã được T.Ư đánh giá trong Nghị quyết số 26-NQ/TƯ.
Tình trạng này xuất phát từ việc đánh giá xếp loại cán bộ, công chức, viên chức chưa đúng thực chất, nên việc triển khai áp dụng chính sách tinh giản biên chế ở nhiều nơi chưa đúng mục tiêu đưa ra khỏi đội ngũ những người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện và không đáp ứng được yêu cầu công việc nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức.
Điều này đặt ra yêu cầu cơ quan quản lý, sử dụng công chức, viên chức phải chịu trách nhiệm đánh giá, xếp loại và phải giải quyết đúng người, đúng việc, như vậy mới lựa chọn được chính xác đối tượng thuộc diện tinh giản biên chế để đưa ra ngoài bộ máy. Khi đánh giá, phải gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ và sản phẩm đầu ra. Nếu đánh giá theo cảm tính hoặc những chỉ tiêu mang tính chất định tính thì việc tinh giản biên chế sẽ khó khăn hơn.
Bộ Nội vụ đã có báo cáo về tình trạng công chức, viên chức xin nghỉ việc, chuyển việc (trong đó có sự dịch chuyển công chức, viên chức trong khu vực công sang làm việc tại khu vực tư), đồng thời đề xuất các giải pháp (trước mắt và lâu dài), các cơ chế, chính sách thu hút, đãi ngộ, trọng dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để xây dựng được nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.
Đứng ở góc độ cơ quan quản lý cũng như cơ quan sử dụng, cần phải rất quan tâm đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện hữu, trực tiếp là phải có chế độ chính sách về tiền lương, cải thiện được thu nhập. Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định điều chỉnh mức lương cơ sở. Điều này góp phần cải cách tiền lương, cũng như tạo điều kiện nâng cao thu nhập cho đội ngũ.
Phần nữa, phải đẩy mạnh mức độ tự chủ về tài chính để tạo cho đơn vị sự nghiệp tăng thêm nguồn thu, từ đó có phần cải thiện thu nhập cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Bên cạnh đó, ngoài vấn đề thu nhập, cơ quan quản lý, sử dụng phải tạo cho cán bộ, công chức, viên chức một môi trường làm việc rất tốt, có cơ hội cống hiến và khi họ cống hiến rồi, phải có trách nhiệm ghi nhận, động viên, khen thưởng, khích lệ kịp thời. Ngoài ra, cũng phải có chính sách quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ từ sớm, từ xa để tạo nguồn lãnh đạo cho đội ngũ công chức lãnh đạo quản lý trong tương lai.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, thời gian tới, khi Chính phủ thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo yêu cầu của Nghị quyết số 27-NQ/TƯ; ban hành các chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài khu vực công; hoàn thiện các quy định về quản lý, sử dụng, tuyển dụng, bổ nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, công chức,... hy vọng chúng ta sẽ xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, đủ về số lượng, có chất lượng và cơ cấu hợp lý, gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.