Tín hiệu tích cực đầu năm

Thị trường chứng khoán đầu năm đã bắt đầu tăng trưởng trở lại sau quãng thời gian sụt giảm mạnh vào cuối năm 2022. Thời điểm hiện tại là cơ hội tốt cho nhà đầu tư mua vào các cổ phiếu cơ bản vững chắc của những doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh.
0:00 / 0:00
0:00
T hị trường chứng khoán kết thúc tháng đầu năm 2023 một cách tích cực. Ảnh: NAM ANH
T hị trường chứng khoán kết thúc tháng đầu năm 2023 một cách tích cực. Ảnh: NAM ANH

Vào tháng 1/2023, VN-Index chứng kiến mức tăng mạnh 11,2%. Vào cuối năm 2022, mức cho vay ký quỹ giảm đáng kể xuống còn khoảng 4,4 tỷ USD, thấp hơn khoảng 40% so với cuối năm 2021, chủ yếu là do môi trường lãi suất cao và niềm tin phai nhạt sau đợt bán tháo chứng khoán trên thị trường vào năm 2022. Mức cho vay ký quỹ đó chỉ chiếm 1,9% tổng vốn hóa thị trường hỗn hợp vào cuối năm 2022, giảm từ 2,1% vào cuối năm 2021. Vì thị trường chứng khoán Việt Nam chủ yếu là các nhà đầu tư nhỏ lẻ, nên có thể kết luận rằng hiện nay có ít hoạt động đầu cơ hơn trên thị trường. Do đó, nhiều công ty có nền tảng cơ bản vững chắc, có giá cổ phiếu thấp được định giá thấp hơn nhiều so với mức hợp lý vào năm ngoái, đã có thể phục hồi.

Khối lượng giao dịch hằng ngày của ba sàn HoSE, HNX, UPCoM trong cả tháng 1 tương đối thấp, trung bình là 516 triệu USD, giảm 24,3% so với tháng 12/2022. Nhà đầu tư nhỏ lẻ nỗ lực giảm vị thế giao dịch vì kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày. Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua ròng, với tổng giá trị mua ròng từ đầu năm đến nay là 178 triệu USD.

Về kết quả hoạt động kinh doanh, tất cả các ngành trong thị trường đều kết thúc tháng một cách tích cực nhờ tâm lý chung được cải thiện đáng kể. Vật liệu là ngành có diễn biến tốt nhất (+18,1%), tiếp đến là tài chính (+14,6%) và năng lượng (+14,6%). Mặt khác, một số nhóm ngành như tiện ích, chăm sóc sức khỏe và hàng tiêu dùng không thiết yếu chỉ có mức tăng lần lượt là 6,5%, 6,4% và 6,3%.

Hiện tại, một số doanh nghiệp đã bắt đầu công bố thu nhập sơ bộ quý IV và cả năm 2022. Các công ty chứng khoán, bất động sản và thép đều bị ảnh hưởng bất lợi. Các công ty môi giới chứng khoán đều có thu nhập quý IV/2022 yếu hơn so với quý III, với con số ước tính là giảm 45% so với quý trước. Điều này diễn ra do thị trường tiếp tục điều chỉnh, khối lượng giao dịch thấp hơn cũng như số dư cho vay ký quỹ tiếp tục giảm.

Về lĩnh vực bất động sản, hầu hết các nhà phát triển bất động sản đều có thu nhập thấp hơn trong năm 2022 trong bối cảnh tín dụng bị thắt chặt, nhu cầu yếu hơn do lãi suất cho vay tăng và thời gian cấp phép cho vay với các dự án kéo dài. Trong thời gian tới, dự kiến các doanh nghiệp bất động sản sẽ tiếp tục đối mặt với một số khó khăn, chủ yếu là do môi trường lãi suất cao. Tuy nhiên, nhờ những nỗ lực gần đây của Chính phủ trong việc loại bỏ các rào cản pháp lý đối với việc phát triển dự án và lãi suất có khả năng giảm vào cuối năm nay, lĩnh vực bất động sản sẽ dần phục hồi do nhu cầu nhà ở vẫn ổn định. Đối với nhóm ngành vật liệu xây dựng, thép, hầu hết các doanh nghiệp đều lỗ trong quý IV do giá bán thấp và nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu yếu.

Nhưng nhìn chung, lợi nhuận của hầu hết các ngành khác vẫn ổn định. Với lĩnh vực ngân hàng, kết quả kinh doanh quý IV/2022 của các ngân hàng có tính trái chiều, hầu như đều thấp hơn so với các quý trước do lãi suất huy động cao hơn dẫn đến biên lãi ròng thấp hơn và thu nhập từ đầu tư ít hơn. Tuy nhiên, nhờ tăng trưởng mạnh trong chín tháng đầu năm 2022, các ngân hàng vẫn kết thúc năm với kết quả kinh doanh vững chắc. Ở lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, các công ty dược phẩm tiếp tục công bố thu nhập cao, được thúc đẩy bởi nhu cầu gia tăng khi Chính phủ đặt ưu tiên về sử dụng thuốc sản xuất trong nước tại các bệnh viện công.

Về các mặt hàng tiêu dùng chủ lực, hầu hết các doanh nghiệp chưa cung cấp số liệu quý IV/2022. Ở nhóm ngành rượu, bia, nước giải khát, SABECO đã đạt được sự phục hồi mạnh mẽ trong thị trường nội địa. Đối với các sản phẩm sữa và sữa đậu nành, giá sữa bột gầy, đường và đậu nành tăng cao đã ảnh hưởng đến lợi nhuận của Vinamilk và Đường Quảng Ngãi. Lạm phát toàn cầu cũng cản trở xuất khẩu sữa. Nhưng giai đoạn tồi tệ nhất đối với lĩnh vực này đã qua, lợi nhuận sẽ tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2023 nhờ chi phí đầu vào giảm và doanh thu cao hơn.

Còn ở lĩnh vực hàng tiêu dùng không thiết yếu, môi trường lãi suất cao ảnh hưởng tiêu cực đến chi tiêu của người tiêu dùng, khiến thu nhập trong quý IV/2022 thấp hơn. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp trong lĩnh vực này vẫn có kết quả kinh doanh cả năm khả quan nhờ nhu cầu bị dồn nén trong nửa đầu năm 2022. Ngành tiện ích ghi nhận tốc độ tăng trưởng doanh số quý IV/2022 thấp hơn. Lợi nhuận ròng giảm khi hoạt động sản xuất giảm tốc do điều kiện kinh tế chung không thuận lợi và lãi suất cao hơn.

Hiện tại, các yếu tố cơ bản như lo ngại về suy thoái toàn cầu, lãi suất tăng, lạm phát tăng cao có thể tiếp tục thách thức con đường phục hồi của thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, hầu hết các rủi ro này đều đã được lường trước và đánh giá khi thị trường có đợt điều chỉnh mạnh vào năm ngoái. Nhiều cổ phiếu của các doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh đang giao dịch ở mức hấp dẫn và bất kỳ sự sụt giảm nào nữa của thị trường trong ngắn hạn là cơ hội tốt để nhà đầu tư mua các cổ phiếu cơ bản vững chắc.