Tìm giải pháp tái cơ cấu nợ

Thị trường trái phiếu vừa trải qua một đợt biến động lớn, các doanh nghiệp liên tục mua lại trước hạn để giảm thấp rủi ro khi đáo hạn nợ. Điều này đã làm cho nhiều doanh nghiệp mất khả năng thanh khoản và gây tác động tiêu cực đến tiến độ triển khai của nhiều dự án. Vì thế cần phải có biện pháp tái cơ cấu nợ để tránh gây căng thẳng về dòng tiền cho tổ chức phát hành và nhà đầu tư vẫn có thể lấy lại vốn đầu tư mà không cần cắt lỗ.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà đầu tư tìm hiểu thông tin về tiến độ các dự án bất động sản. Ảnh: ANH HẢI
Nhà đầu tư tìm hiểu thông tin về tiến độ các dự án bất động sản. Ảnh: ANH HẢI

Theo dữ liệu từ tổ chức xếp hạng tín nhiệm FiinRatings, tại Việt Nam, trong 10 tháng đầu năm 2022, lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong thị trường sơ cấp giảm mạnh, đạt hơn 252 nghìn tỷ đồng. Con số này giảm khoảng 63,3% so với năm 2021. Kênh phát hành riêng lẻ đạt 242,4 nghìn tỷ đồng, trong khi kênh chào bán ra công chúng đạt 9,53 nghìn tỷ đồng, chỉ chiếm 3,7% tổng giá trị phát hành. Lượng phát hành chỉ chiếm 36,7% giá trị năm ngoái do thị trường cần thời gian để điều chỉnh theo Nghị định 65 mới và lấy lại niềm tin của nhà đầu tư. Gắn với bất động sản, các công ty xây dựng chứng kiến dòng tiền của họ bị ảnh hưởng nặng nề bởi các yếu tố: giá nguyên vật liệu biến động lớn; thủ tục pháp lý, thanh toán và quyết toán phức tạp; chi phí lãi vay tăng cao cùng với nguồn tín dụng hạn chế của ngành.

Do các dự án triển khai cầm chừng trong khi dư nợ tăng cao nên các doanh nghiệp chủ yếu tập trung phát hành theo đợt ngắn hạn để tái cấp vốn. Kỳ hạn trung bình trong 10 tháng là 3,2 năm, thấp hơn so với mức 4,2 năm của năm 2021. Lĩnh vực năng lượng và xây dựng giảm nhiều nhất với kỳ hạn giảm lần lượt từ 6,7 và 5,8 năm xuống 2,7 và 1,3 năm tương ứng. Các chuyên gia đang kỳ vọng thị trường sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn vào năm 2023 do hiệu ứng cơ sở thấp. Hơn nữa, sẽ có nhiều nhu cầu hơn từ lĩnh vực bất động sản và năng lượng cho các hoạt động tái cấu trúc nợ hoặc mở rộng dự án. Chính phủ cũng có thể sẽ đưa ra các giải pháp để giải quyết khủng hoảng tín dụng hiện tại và cải thiện tâm lý thị trường.

Trên thị trường thứ cấp, thanh khoản trong 10 tháng đầu năm 2022 đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021, từ 192 tỷ đồng/ngày lên 394 tỷ đồng/ngày. Thị trường thứ cấp mở rộng nhanh chóng nhờ lượng phát hành được tăng cường và nhu cầu của các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Điều này làm nổi bật vai trò của thị trường thứ cấp trong việc duy trì tính thanh khoản, phân bổ nguồn lực và là nền tảng cho thị trường trái phiếu phát hành riêng lẻ tập trung sắp tới. Số đợt phát hành trái phiếu niêm yết trên thị trường thứ cấp trong tháng 10 là 60 đợt, tăng 20 đợt so với tháng 1 với xu hướng tăng được dự đoán sẽ tiếp tục. Thị trường này được hưởng lợi lớn từ Nghị định 65 mới. Trong đó, yêu cầu tổ chức phát hành riêng lẻ phải đăng ký giao dịch và lưu ký tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán. Hơn nữa, nghị định đề cập đến việc phát triển một hệ thống giao dịch thứ cấp tập trung cho trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.

Trong 10 tháng đầu năm, giá trị mua lại trái phiếu doanh nghiệp đạt 143,44 nghìn tỷ đồng, tăng 41,9% so với cùng kỳ năm 2021 và tập trung vào trái phiếu đáo hạn. Các nhà phát triển bất động sản và tổ chức tín dụng lần lượt chiếm 21,1% và 63,6% tổng khối lượng mua lại. Từ tháng 6 đến tháng 9/2022, hoạt động mua lại tăng mạnh ở mức 94,4 nghìn tỷ đồng. Mặc dù việc mua lại trước hạn có thể gây áp lực về dòng tiền đối với doanh nghiệp nhưng đây là dấu hiệu tích cực trong bối cảnh thanh khoản khó khăn như hiện nay. Điều này đặc biệt hữu ích đối với các doanh nghiệp có đủ năng lực tài chính để giảm gánh nặng nợ vay trong bối cảnh lãi suất cao.

Về năng lực tín dụng, các tổ chức phát hành niêm yết đang bị suy yếu khả năng trả lãi và gốc. Dựa trên kết quả tài chính quý III/2022 của 20 tổ chức phát hành niêm yết có tỷ lệ nắm giữ trái phiếu lớn nhất, tỷ lệ tổng nợ/vốn chủ sở hữu bình quân tương đối thấp. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ/EBITDA (lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay) trung bình cao đáng kể, ở mức 6,99 lần. Tỷ lệ nợ thực tế của nhóm này có thể lớn hơn nếu điều chỉnh theo một số khoản có khả năng trả lãi. EBITDA tổng hợp của 20 doanh nghiệp này mới chỉ trang trải được 63,15% tổng nợ đến hạn trong 12 tháng tới, gồm nợ ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp. Đồng thời, có sự chênh lệch về chất lượng tín dụng giữa các doanh nghiệp trong nhóm.

Tìm giải pháp tái cơ cấu nợ ảnh 1

Các tổ chức phát hành trái phiếu riêng lẻ phải đăng ký giao dịch và lưu ký tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán. Ảnh: NAM ANH

Với những biến động trên, thị trường trái phiếu đòi hỏi phải có những biện pháp tái cơ cấu nợ để bảo đảm lợi ích chung, tránh gây căng thẳng về dòng tiền cho tổ chức phát hành, giúp nhà đầu tư vẫn có thể lấy lại vốn đầu tư mà không cần cắt lỗ. Việc tái cơ cấu nợ có thể được chia làm ba cấp: gia hạn đáo hạn và thanh toán một phần; gia hạn đáo hạn nhưng chưa thanh toán; hàng đổi hàng.

Ở cấp thứ nhất là các doanh nghiệp có khả năng và sẵn sàng thực hiện cam kết nợ nhưng đang gặp khó khăn ngắn hạn, sẽ phải tìm cách hoãn trả nợ để tồn tại. Các doanh nghiệp này phải chủ động thanh toán một phần và hoãn phần còn lại, bảo đảm thanh toán gốc và lãi, đồng thời duy trì uy tín tín dụng để huy động vốn trong tương lai. Tổ chức phát hành trái phiếu cần chủ động thông báo cho nhà đầu tư về tình hình kinh doanh, triển khai dự án, thời gian hoàn vốn và đưa ra mức lãi suất bù hợp lý. Trước khi chấp nhận các điều khoản của nhà phát hành, nhà đầu tư phải chủ động đánh giá và xem xét các điều kiện của dự án, tình trạng pháp lý và tiến độ thực hiện.

Ở cấp thứ hai là các doanh nghiệp gặp khó khăn đáng kể và khó duy trì trạng thái hoạt động thường xuyên. Trong trường hợp này, nhà đầu tư phải chấp nhận giảm trừ để dự án được hoàn thành. Nhà đầu tư có thể phải gia hạn hoặc hoãn nhận thanh toán dựa trên khả năng tài chính của tổ chức phát hành. Tuy nhiên, việc nhận cả gốc và lãi trong tương lai vẫn khả thi. Thực hiện giải pháp này là một động thái tương đối nhạy cảm, có khả năng gây tổn hại uy tín của tổ chức phát hành. Vì vậy, doanh nghiệp nên chủ động xây dựng kế hoạch và cam kết với các trái chủ trước khi khoản nợ đáo hạn.

Ở cấp thứ ba là hàng đổi hàng. Cách tiếp cận này đã được sử dụng trên thị trường và cho kết quả tương đối thuận lợi nhưng đòi hỏi sự đồng thuận giữa nhà đầu tư và tổ chức phát hành. Hàng đổi hàng là lựa chọn quan trọng và phụ thuộc nhiều vào bản chất của mỗi loại hình kinh doanh và sản phẩm. Nhà đầu tư có thể đồng ý với phương án này nếu có đầy đủ thông tin và pháp lý của tình trạng tài sản.

Cuối cùng, với những biến động lớn trên thị trường trái phiếu vừa qua, các doanh nghiệp cần tham khảo kỹ các trường hợp tái cơ cấu trái phiếu doanh nghiệp ở các thị trường khác, tiêu biểu là Trung Quốc. Vào cuối năm 2021, tỷ lệ vỡ nợ trái phiếu của Trung Quốc là 1,35% (theo giá trị của tổng số 8.000 tỷ USD - chiếm 44% GDP, trong khi tại Việt Nam là 14% GDP). Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp giảm áp lực như gia hạn nợ, hoán đổi trái phiếu. Đặc biệt, chiến lược hoán đổi trái phiếu được sử dụng trong khoảng 79% các vụ vỡ nợ trái phiếu nước ngoài, trong khi gia hạn nợ được sử dụng trong 72% các vụ vỡ nợ trong nước.