Tiếp sức cho đồ chơi truyền thống

Phố Hàng Mã (Hoàn Kiếm, Hà Nội) mấy tuần nay rực rỡ sắc mầu, tấp nập khách bán mua.
0:00 / 0:00
0:00

Rất nhiều bạn trẻ đến đây để chụp ảnh, check in với những món đồ chơi rực rỡ sắc mầu. Sau hai năm dịch Covid-19 hoành hành, những người chủ cửa hàng ở đây cũng có vẻ “mềm tính” hơn, không quá gay gắt xua đuổi hay đòi thu phí những bạn trẻ có sở thích chụp ảnh như đã từng xảy ra nhiều năm trước.

Đó là một tín hiệu vui.

Nhưng còn tín hiệu vui hơn, đó là những món đồ chơi Trung thu truyền thống do các nghệ nhân Việt Nam làm ra được bày bán ở đây đã nhiều hơn. Những chiếc mặt nạ giấy bồi, trống, đầu lân, đèn lồng, đèn kéo quân, đèn ông sao… có phần lấn át những món đồ chơi phát ra âm thanh được nhập qua đường tiểu ngạch.

Đây thật sự là điều đáng mừng. Bởi những ai nặng lòng với đồ chơi truyền thống của Việt Nam đều đã biết, có những thời điểm, những món đồ chơi nước ngoài lấn át đồ chơi do các làng nghề trong nước sản xuất. Và có những mùa trăng, đến phố Hàng Mã chỉ thấy rực rỡ sắc mầu của những món đồ chơi của nước ngoài, trong khi đó, “đại diện” phổ biến và nhiều nhất của đồ chơi Trung thu do làng nghề Việt Nam sản xuất chỉ có chiếc đèn ông sao!

Thế nên, mùa trăng năm nay, đến phố Hàng Mã, thấy sự trở lại có phần áp đảo của những chiếc đèn lồng, đèn kéo quân, mặt nạ giấy bồi, trống… khiến cho tình yêu với làng nghề Việt Nam, nghệ nhân Việt Nam được khơi dậy.

Bản thân vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Văn Hòa và Đặng Hương Lan - một trong những cặp vợ chồng làm mặt nạ giấy bồi cuối cùng trên phố cổ Hà Nội, cũng thừa nhận, năm nay, món đồ mặt nạ giấy bồi bán chạy hơn mấy năm trước. Còn nghệ nhân Đặng Văn Hậu cũng vừa “khoe” mở cửa hàng bán những món đồ chơi truyền thống như tò he, những con giống bằng đất nặn… tại số 75 Hàng Mã khiến cho sắc màu của Tết Trung thu Việt Nam thêm đậm đà. Đặc biệt, những chiếc đèn hình cua, hình cá, hình chú lợn ỉn mũm mĩm như trong tranh dân gian… được nhà nghiên cứu Trịnh Bách phối hợp nghệ nhân ở một số làng nghề làm đồ chơi Trung thu khôi phục sau khi đã mất dấu trên thị trường hơn nửa thế kỷ nay đã góp phần tạo thêm hồn cốt cho mùa trăng năm nay.

Dù cho giá thành đồ chơi truyền thống còn cao hơn so những món đồ chơi Trung thu của nước ngoài, song đa số phụ huynh đều có ý chọn mua cho con em mình những món đồ do nghệ nhân trong nước làm ra. Đây là sự chung tay góp sức vô cùng quan trọng. Bởi chỉ khi người tiêu dùng ý thức và lựa chọn những sản phẩm đồ chơi truyền thống, thay vì dễ dãi mua những món đồ chơi rẻ tiền nhưng ít ý nghĩa của nước ngoài, thì thị trường đồ chơi truyền thống mới khởi sắc. Và khi ấy, các làng nghề mới dần trở nên có sức sống hơn…