Trống sành là nhạc cụ quan trọng để thực hiện các bài cúng thần linh, làm lễ cầu mưa, cầu mùa, cầu may, cầu mát của người Cao Lan (hay còn gọi là người Sán Chay). Hiện số lượng trống sành cũng không còn nhiều. Được chế tác khá cầu kỳ, loại nhạc cụ quý này đang cần được bảo tồn để phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của người Cao Lan.
Kỹ thuật làm trống sành khá phức tạp. Ngay cái tên trống sành đã cho thấy nét khác biệt. Thường người ta hình dung trống làm bằng gỗ nhưng thân trống sành lại được làm từ đất sét nung. Mặt trống cũng không phải bằng da trâu mà bằng da trăn hoặc tốt nhất là da kỳ đà. Thân trống dài khoảng 40cm, hai đầu phình ra, ở giữa thu nhỏ và có khoét một lỗ. Hai mặt trống cũng không đều mà mặt to, mặt nhỏ khác nhau. Khi đánh, âm thanh qua lỗ giữa thân trống tạo âm thanh trầm bổng khác nhau. Mặt da trống nếu được làm đúng quy cách thì có thể sử dụng lâu đến 20 năm.
Để tạo da mặt trống căng, đánh kêu vang và có hồn, người ta thường ngâm trống sành vào nước từ một đến hai ngày trước khi sử dụng. Cách thức biểu diễn trống sành cũng tùy theo không gian. Tại các lễ cúng, người ta đặt trống vào giữa hai cổ chân để đánh. Còn ở các lễ hội, chương trình văn nghệ, người ta dùng dây vải buộc hai đầu trống rồi đeo ngang người, giống như mang trống cơm, khi biểu diễn lấy bốn đầu ngón tay chụm lại vỗ một mặt trống, mặt kia gõ bằng dùi nhỏ và âm thanh phát ra là âm của sành.
Nghệ nhân Nhân dân Sầm Văn Dừn (huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) cho biết, trống sành không chỉ được sử dụng làm nhạc cụ đệm cho hát sình ca, một hình thức diễn xướng dân gian nổi tiếng của người Cao Lan được công nhận Di sản phi vật thể quốc gia mà còn để đánh đệm cho các điệu múa dân gian truyền thống trong ngày hội, như múa chim gâu, múa xúc tép… Trống sành chủ yếu dùng cho tiết tấu để nhảy, khi đánh, tay phải có nhịp, cứ vỗ vào hai đầu trống một cách dứt khoát tình tắc sình, có thể đánh liền trong vòng một giờ đồng hồ.
Ngày nay, các nghệ nhân làm trống sành ít dần, kỹ thuật làm mới phức tạp, trống sành không chỉ ngày một quý hiếm mà còn đối diện nguy cơ mai một, thất truyền cho nên việc bảo tồn và phát huy giá trị của những chiếc trống sành cổ rất quan trọng. Hằng năm, Trung tâm văn hóa tỉnh Tuyên Quang vẫn tổ chức cho các nghệ nhân, thầy cúng người Cao Lan đi biểu diễn, giao lưu để quảng bá nét văn hóa của người Cao Lan đến công chúng, trong đó đặc biệt chú trọng đến trống sành, nhạc cụ tiêu biểu của dân tộc này.