Thổ cẩm Cơ Tu kể chuyện

Đã thành thói quen trong nhiều năm qua, đều đặn 8 giờ sáng mỗi ngày, các chị em trong thôn Đhrôồng (xã Tà Lu, Đông Giang, Quảng Nam) gọi nhau mang khung dệt, bó sợi đến nhà sản xuất thổ cẩm của thôn. Từng chị em sắp xếp lại những tấm thổ cẩm đang dệt dở, kiểm tra sợi nguyên liệu, bộ khung dệt một lượt… tất cả chuẩn bị hoàn thành đơn hàng sắp đến.
0:00 / 0:00
0:00
Chị Bhling Thị Treng giữ nghề dệt, tạo thu nhập.
Chị Bhling Thị Treng giữ nghề dệt, tạo thu nhập.

Cần mẫn bên từng khung dệt

Trước đây, những bộ trang phục, phụ kiện thổ cẩm truyền thống của người Cơ Tu thường chỉ xuất hiện trong ngày lễ, Tết, sinh hoạt cộng đồng. 10 năm trở lại đây, Tổ hợp tác dệt thổ cẩm ở thôn Đhrôồng, xã Tà Lu (Đông Giang, Quảng Nam) đang mở rộng sản xuất, bước đầu giải quyết việc làm và thúc đẩy kinh tế cho bà con.

Hiện tại, Tổ hợp tác có 35 thành viên dệt thổ cẩm lành nghề. Tuy nhiên, tùy vào công việc riêng mà chị em có thể linh hoạt mang sản phẩm về làm tại nhà. Chị Bhling Thị Treng (sinh năm 1977), tổ trưởng Tổ hợp tác cho biết, để sản phẩm thổ cẩm làm ra luôn đẹp và bền bỉ, chị cùng các chị em khác thống nhất phải gìn giữ đúng cách thức dệt thời xưa để lại. Sợi vải qua nhiều công đoạn như lên khung, kiểm tra đủ số sợi, mầu sắc phải đủ đen, đỏ và trắng. Sau cùng chuyển qua người thợ dệt, đính hạt cườm trang trí. “Thông thường một tấm vải dài có kích thước 5m, cái váy ngắn thì dài 4m. Vì cần độ chuẩn xác sau này cho sản phẩm nên chúng tôi phải đo đạc cụ thể, vừa làm nhanh mà còn tránh để thừa hoặc thiếu nguyên liệu sợi, rất lãng phí”, chị Treng chia sẻ.

Một vòng tròn liên kết khép kín trong việc sản xuất thổ cẩm hiện tại được thể hiện rõ khi nguồn nguyên liệu sợi sẽ do các tiểu thương bán vải sợi ở chợ Cồn (TP Đà Nẵng) gửi lên thôn Đhrôồng theo từng đợt; sản phẩm sau khi hoàn thiện lại được quay vòng chuyển xuống thành phố, gửi đến những cửa hàng đang hợp tác cùng chị em Cơ Tu để phân phối sản phẩm. Chị Pơloong Thị Dưa (sinh năm 1983) đang ngồi cuộn trục sợi cười bảo: “Nói chung trong thời điểm hiện tại, chị em trong thôn cùng làm nghề dệt. Ai sắp xếp được giờ nào thì ghé tới đây làm. Ở vùng cao này, đến mùa đi rẫy thì tạm nghỉ dệt, về nhà đi lên núi với chồng con”.

Thương hiệu thổ cẩm Cơ Tu ở thôn Đhrôồng những năm gần đây trở nên quen thuộc hơn khi các chương trình tập huấn, hội diễn giao lưu văn hóa các dân tộc thiểu số đều gửi lời mời đến chị em. Mỗi lần mang sản phẩm của mình đi tham dự, điều quan trọng nhất chị em nhận được chính là kinh nghiệm tiếp thị sản phẩm, cách quản lý đơn đặt hàng, vận chuyển với chi phí thấp nhằm mang lại hiệu quả cao. Đây là những kỹ năng phù hợp trong việc kinh doanh sản phẩm, đặc biệt là với nhóm khách hàng du lịch các nơi tìm về thôn Đhrôồng. Chị Treng hồ hởi: “Họ đến không chỉ tìm mua sản phẩm thổ cẩm của mình mà còn muốn nghe câu chuyện văn hóa của dân tộc Cơ Tu. Phải kể thật đúng và hay mới thu hút du khách. Những đoàn có nhu cầu ở lại thôn thì chúng tôi bố trí nhà ở, ẩm thực địa phương. Nhờ đó cũng có thêm một nguồn thu nhập, dù ít thôi nhưng rất vui”.

Thổ cẩm Cơ Tu kể chuyện ảnh 1

Công đoạn lên khung cho sợi vải.

Hướng đến đầu ra bền vững

Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng cần sản phẩm ngày càng đa dạng, từ ba mầu sắc truyền thống, thổ cẩm ở thôn Đhrôồng bây giờ có thêm những mầu tươi sáng như xanh lá, xanh dương… Đó là dòng sản phẩm túi xách, khăn quấn với kích thước nhỏ, dễ phối hợp với nhiều trang phục hiện đại khác. Trong đó, sản phẩm túi xách là dòng thổ cẩm đặc biệt bởi bộ phận dây đeo được chị em may bằng máy may công nghiệp.

Từ năm 2013, khi Tổ hợp tác dệt thổ cẩm thôn Đhrôồng được thành lập, ngay lúc đó các thành viên đã đặt mua nhiều máy móc, thiết bị với chi phí hơn 100 triệu đồng. Đó là một quyết định liều lĩnh trong giai đoạn mới ra mắt Tổ hợp tác, vẫn chưa có đơn hàng nào. Tuy nhiên, chị em đặt quyết tâm hướng đến tính đa dạng, bền chắc cho từng món thổ cẩm sau này. Với mức giá bán 400 nghìn đồng/chiếc túi xách, 250 nghìn đồng/chiếc khăn quấn… chỉ trong vài năm sau, số tiền lợi nhuận từ bán sản phẩm thổ cẩm đã giúp chị em hòa vốn chi phí mua máy móc ban đầu.

Cô gái trẻ Pơloong Thị Bích Phương (sinh năm 1997) là thành viên trẻ tuổi nhất trong Tổ hợp tác. Từ những ngày còn bé, Phương được bà và mẹ dạy cách dệt những món thổ cẩm đơn giản, kích thước nhỏ. Lâu dần, niềm đam mê với thổ cẩm truyền thống được Phương phát triển, đồng hành cùng Tổ hợp tác thôn Đhrôồng. “Tôi đã tham gia dệt cùng các cô, các bà ở đây hơn 5 năm qua. Từ ngày có công việc này, thu nhập cho bản thân được ổn định hơn. Nghề dệt thì đòi hỏi tính cẩn thận, lỡ tay dệt sai một sợi vải là phải tháo bỏ ra toàn bộ, rất lâu mà lại dễ hỏng nguyên liệu. Mẹ tôi đã dạy như thế”, chị Phương nói.

Với khả năng dệt được bốn sản phẩm/tuần, Bích Phương là thành viên quan trọng trong Tổ hợp tác. Ngoài việc hoàn thiện sản phẩm nhanh chóng, cô gái này còn sáng tạo ra nhiều hình ảnh độc đáo từ hạt cườm nhỏ mầu trắng trang trí lên bề mặt thổ cẩm tạo sự phá cách.

Câu chuyện hướng đến sự bền vững cho làng nghề dệt ở thôn Đhrôồng luôn được các thành viên trong Tổ hợp tác quan tâm. Mặc dù số lượng thợ lành nghề hiện tại tương đối nhiều nhưng chỉ tập trung ở một thôn. Vấn đề cùng liên kết với các thôn kế bên, mở lớp dạy nghề tạo nguồn thợ dệt bảo đảm tay nghề cao, hiểu văn hóa bản địa là mục tiêu được tổ trưởng Tổ hợp tác Bhling Thị Treng vạch ra trong từng năm. “Dù thế nào đi nữa, gìn giữ bản sắc của người Cơ Tu phải là mục tiêu hàng đầu và xuyên suốt. Được mặc trên người bộ đồ truyền thống khi nói chuyện với nhiều người là điều chúng tôi cảm thấy tự hào nhất’, chị Treng khẳng định chắc nịch.