Theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học

Từng theo học ngành y với suy nghĩ sẽ nối nghiệp gia đình, nhưng đam mê nghiên cứu khoa học đã thôi thúc Đinh Tuấn Hoàng thay đổi. Gửi 20 bộ hồ sơ thì 10 trường đại học tốp đầu ở Mỹ gọi, Hoàng quyết định đến Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), nơi nổi tiếng về nghiên cứu và giáo dục các ngành khoa học để thực hiện ước mơ.
0:00 / 0:00
0:00
Theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học

Từ Massachusetts...

Đinh Tuấn Hoàng (trong ảnh), từng nổi tiếng với biệt danh “chàng trai vàng” Hóa học khi năm 2015, Hoàng là học sinh duy nhất của Việt Nam xuất sắc giành Huy chương vàng trong Kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế. Mê nghiên cứu khoa học nên ngay từ khi học phổ thông, Hoàng đã mày mò trong các phòng lab để thực hiện thí nghiệm. Và đam mê đó đã thôi thúc Hoàng tìm kiếm học bổng để đến Mỹ theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học.

Những ngày đầu đến Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), chàng sinh viên trẻ cũng không tránh khỏi cảm giác “choáng” trước môi trường mới. “MIT chỉ đánh giá sinh viên bằng năng lực mà ở đây ai cũng chăm chỉ, tập trung và rất xuất sắc. Cơ hội ở MIT rất rộng mở khi sinh viên được khuyến khích tham gia các dự án nghiên cứu khoa học nghiêm túc”, Hoàng chia sẻ về môi trường mới.

Thời gian học tại MIT, nhờ những thành tích nổi bật, đặc biệt là tiếng vang từ dự án “Nâng cao sự hiểu biết của cộng đồng về bệnh di truyền tan máu bẩm sinh Thalassemia” mà Hoàng triển khai tại Việt Nam năm 2016 đã giúp cậu sinh viên tạo được nhiều thiện cảm với thầy cô. Hoàng là một trong số ít cử nhân được TS, BS Hojun Li lựa chọn để tham gia dự án nghiên cứu cơ chế điều trị bệnh thiếu máu Diamond Blackfan (DBA) do GS Harvey Lodish - nhà khoa học về sinh học phân tử tế bào hàng đầu thế giới chủ trì.

DBA là một bệnh về máu hiếm gặp và còn nguy hiểm hơn Thalassemia. Trẻ em mắc DBA, cơ thể sẽ không tạo đủ số lượng tế bào hồng cầu mang oxy đến tất cả các tế bào khác trong cơ thể dẫn đến nguy cơ chậm phát triển thể chất. Để điều trị DBA, các bác sĩ thường dùng steroid, một loại thuốc chống viêm mạnh trong cơ thể.

“Steroid như con dao hai lưỡi khi có quá nhiều tác dụng phụ. Điều dự án hướng đến là tìm ra chính xác steroid đã tác động lên gien nào để điều chế một loại thuốc tương tự nhưng hạn chế được các tác dụng phụ”, Hoàng chia sẻ.

... đến Pennsylvania

Sau ba tháng tốt nghiệp Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Hoàng tiếp tục đến Đại học Pennsylvania để học tiến sĩ. Từ những tiền đề về nghiên cứu trước đây, Hoàng tiếp tục tham gia dự án Distributed Ribonucleic Acid Manufacturing (DReAM) - Nghiên cứu sản xuất phân tán vaccine mRNA tại chỗ do hai GS Daeyeon Lee và Kathleen Stebe chủ trì nghiên cứu. Đây là một dự án lớn được tài trợ bởi Quỹ Khoa học quốc gia Mỹ NSF.

Thành công của hai loại vaccine ngừa Covid-19 Pfizer/BioNTech và Moderna đã cho thấy hiệu quả của công nghệ mRNA. Điều này thúc đẩy các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu ứng dụng công nghệ mRNA để tạo ra các loại vaccine phòng ngừa những bệnh khác như ung thư, rối loạn di truyền, HIV… Dự kiến đến năm 2027, thị trường mRNA sẽ phát triển lên 30,5 tỷ USD. Tuy nhiên hiện nay, việc mở rộng sản xuất là một bài toán khó bởi mRNA rất dễ bị phân hủy ngoài thiên nhiên. Việc bảo quản phải tuân thủ ở nền nhiệt độ -80oC. Trong khi đó, để sản xuất được vaccine dựa trên công nghệ mRNA cần trải qua rất nhiều quy trình tổng hợp và tinh chế khắt khe, phức tạp.

“Bài toán khó đó đang được hai GS Daeyeon Lee và Kathleen Stebe tìm lời giải thông qua việc phát triển công nghệ DReAM cho phép tổng hợp và phân lập liên tục mRNA. Sự bảo vệ bổ sung này sẽ làm giảm đáng kể nhu cầu lưu trữ đông lạnh, tiếp tục mở rộng các địa điểm có thể sản xuất phương pháp trị liệu dựa trên mRNA. Phương pháp này cũng cho phép sản xuất tại chỗ các sản phẩm dược phẩm khác trong nhiều môi trường khác nhau, mang lại tiềm năng hỗ trợ các nỗ lực khám phá không gian, quốc phòng và khắc phục thảm họa”, Hoàng say sưa kể về dự án mình đang tham gia.

Được giao phụ trách hai nghiên cứu sinh cấp dưới, Hoàng chia sẻ, đó chính là tinh thần trao quyền và thúc đẩy sự sáng tạo, chủ động trong nghiên cứu khoa học. Chàng trai này cho biết, sẽ dùng chính tinh thần này để hướng dẫn những người đi sau. Và đây cũng là lý do sau khi tốt nghiệp, Hoàng sẽ dành một vài năm ở lại Mỹ làm việc để tiếp tục học hỏi.

“Trong tương lai, chắc chắn mình sẽ trở về Việt Nam để sống và cống hiến bởi ở đó là Tổ quốc, là gia đình”, Hoàng chia sẻ.