Thêm cơ hội việc làm cho người lao động

Từ thực tế nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong xuất khẩu, tạo đơn hàng mới… ảnh hưởng đến việc làm của người lao động, trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc tạo việc làm cho người lao động hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
Cần thúc đẩy hoạt động tuyển dụng để người lao động có thêm cơ hội tìm việc làm.
Cần thúc đẩy hoạt động tuyển dụng để người lao động có thêm cơ hội tìm việc làm.

Hầu hết các ngành sụt giảm nhu cầu tuyển dụng

Navigos Group - tập đoàn chuyên cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự tại Việt Nam vừa công bố báo cáo toàn cảnh về nhu cầu tuyển dụng bốn tháng đầu năm 2023 khi so sánh với cùng kỳ đang bình ổn trước dịch Covid-19 (năm 2019) và bốn tháng đầu năm 2022 (sau Covid-19).

Theo báo cáo này, so với thời điểm thị trường ổn định trước dịch, nhu cầu tuyển dụng lao động trong bốn tháng đầu năm 2023 giảm trung bình 18%. Cá biệt, lĩnh vực giảm sâu nhất ghi nhận mức giảm lên đến 43%.

Trong đó, những lĩnh vực trọng điểm như du lịch, nhà hàng và khách sạn; dệt may và da giày; xây dựng và bất động sản; thậm chí là công nghệ thông tin và một số ngành khác… đều chứng kiến sụt giảm rõ rệt về nhu cầu tuyển dụng.

Về tổng thể, nhu cầu tuyển dụng của các ngành trong bốn tháng đầu năm 2023 giảm trung bình 18% so với thời điểm trước dịch và giảm trung bình 16% so với thời điểm phục hồi sau dịch (năm 2022).

Có tới 10 lĩnh vực và ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng giảm sút gồm: Du lịch, nhà hàng, khách sạn; dệt may, da giày; xây dựng, bất động sản; thu mua, vật tư, cung vận; vận tải, logistics; xuất nhập khẩu; marketing; pháp lý, hành chính; bán hàng, chăm sóc khách hàng. Đáng chú ý, ngay cả ngành công nghệ thông tin - lĩnh vực rất được kỳ vọng cũng không nằm ngoài xu hướng này.

Trong đó, du lịch, nhà hàng, khách sạn được xem là lĩnh vực chịu ảnh hưởng sâu sắc từ đại dịch Covid-19. Năm 2023, dưới tác động tiếp tục của suy thoái kinh tế, nhu cầu tuyển dụng ngành này dù vẫn giảm nhưng đã được cải thiện, cụ thể là đang giảm từ 55% ở năm 2022 thì 2023 giảm còn 43%.

Với ngành dệt may, da giày, số liệu cho thấy dù đang trên đà phục hồi chung của thị trường sau dịch, nhưng nhu cầu tuyển dụng lao động của ngành năm 2023 vẫn còn thua kém so với mức thời điểm thị trường bình ổn với chênh lệch là 18%.

Nhu cầu tuyển dụng của nhóm ngành xây dựng, bất động sản đối mặt với tình trạng sụt giảm đáng kể, lên đến 34% vào đầu năm 2023, đến từ tác động việc thắt chặt về tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp từ cuối quý II/2022.

Lĩnh vực thu mua, vật tư, cung vận cũng ghi nhận giảm sút 25% về nhu cầu so với thời điểm được xem là bình ổn của thị trường vào năm 2019. Hay lĩnh vực vận tải, logistics cũng có mức sụt giảm 22% về nhu cầu tuyển dụng.

Nhóm ngành pháp lý, hành chính thì có sự giảm sút đáng kể về nhu cầu tuyển dụng, lên đến 31%. Ngành nghề marketing có nhu cầu tuyển dụng sụt giảm là 28% so với thời điểm cùng kỳ đang bình ổn trước dịch Covid-19. Trong khi đó, ngành bán hàng, chăm sóc khách hàng ghi nhận mức giảm sút 23%.

Như trên, công nghệ thông tin - lĩnh vực thường được xem là xu hướng của toàn thế giới, dẫn đến nhu cầu về lao động lớn nhưng cũng có mức sụt giảm 20% về tuyển dụng so với thời điểm cùng kỳ đang bình ổn trước dịch Covid-19.

Theo Navigos Group, trong những tháng đầu năm 2023, chỉ có hai lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng tăng trưởng so với thời điểm bình ổn trước dịch Covid-19 là nhóm ngân hàng, dịch vụ tài chính và hàng tiêu dùng.

Trong đó, nhu cầu tuyển dụng ngân hàng, dịch vụ tài chính tăng trưởng 25% so với thời điểm cùng kỳ đang bình ổn trước dịch Covid-19 và hàng tiêu dùng tăng 17%.

Đáng chú ý, bên cạnh xu hướng tăng giảm của các lĩnh vực khác qua các năm, thì lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và bán lẻ, bán buôn lại có nhu cầu tuyển dụng ổn định, gần như không có nhiều thay đổi.

Nhóm nghiên cứu của Navigos Group nhận định, sau bốn tháng đầu năm, vẫn chưa có tín hiệu tích cực nào về tình hình thị trường quốc tế, kinh tế trong và ngoài nước được ghi nhận. Năm tài chính mới đã bắt đầu nhưng các doanh nghiệp vẫn “án binh bất động” trong trạng thái chờ và nghe ngóng thị trường khi lo ngại về kinh tế thế giới kém khả quan trong năm nay.

Navigos Group dự báo, cho đến khi nền kinh tế thế giới chạm đáy và phục hồi trở lại, các doanh nghiệp vẫn sẽ cố gắng thực hiện các biện pháp cắt giảm chi phí để bảo toàn nhân sự hoặc có thể thắt chặt thêm nếu tình hình trở nên tệ hơn.

Triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn

Báo cáo của Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung gửi các đại biểu Quốc hội một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV cho thấy, tại một số địa phương lao động có việc làm có xu hướng giảm so với quý IV/2022 như Thành phố Hồ Chí Minh giảm 0,4%, Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 2,6%, Bắc Ninh giảm 0,9%, Bắc Giang giảm 4,5%, Thái Nguyên giảm 2,2%.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, diễn biến cuối tháng 4 và tháng 5 về sản xuất, kinh doanh kéo theo vấn đề lao động, việc làm có diễn biến khó khăn hơn. Số doanh nghiệp gặp khó khăn phải cắt giảm lao động là 8.644 doanh nghiệp (chiếm 1% tổng số doanh nghiệp). Doanh nghiệp gặp khó khăn là những doanh nghiệp thuộc ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử...

Về lao động, số lao động trong doanh nghiệp bị ảnh hưởng việc làm là 509.903 người (khoảng 3,4% tổng số lao động trong doanh nghiệp), trong đó: Số lao động thôi việc, mất việc làm là 279.409 người (chiếm 54,79% lao động bị ảnh hưởng); trong đó lao động ngành dệt may là 68.782 người, da giày 31.653 người, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử là 45.075 người.

Số lao động thôi việc, mất việc tập trung ở các tỉnh có khu công nghiệp, khu kinh tế lớn như Bình Dương (71.590 người), Đồng Nai (32.450 người), TP Hồ Chí Minh (44.890 người), Bắc Giang (27.500 người), Bắc Ninh (13.990 người), Hải Dương (16.020 người), Hà Nội (46.860 người)…

Số lao động giảm giờ làm là 195.039 người (chiếm 38,25% lao động bị ảnh hưởng); số lao động bị ngừng việc, nghỉ việc không lương là 17.003 người (chiếm 3,33% lao động bị ảnh hưởng); số lao động tạm hoãn hợp đồng lao động là 8.346 người (chiếm 1,64% lao động bị ảnh hưởng), trong đó nhiều nhất là lao động ngành dệt may là 3.826 người.

Số lao động chưa qua đào tạo (chưa có bằng cấp, chứng chỉ) thôi việc, mất việc nhiều nhất với tỷ lệ 68%. Tỷ lệ lao động là thợ may, thợ lắp ráp thôi việc, mất việc cao nhất (28% lao động là thợ may, 8% lao động là thợ lắp ráp).

Số lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất thôi việc, mất việc nhiều nhất (49% số lao động nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp là từ các khu công nghiệp, khu chế xuất).

Chỉ rõ những nguyên nhân của việc cắt giảm lao động hiện nay, theo lãnh đạo Bộ LĐ - TB&XH, các doanh nghiệp thiếu đơn hàng là do kinh tế các nước gặp khó khăn, lạm phát cao, chính sách tiền tệ thắt chặt nên sức mua sụt giảm... khiến nhiều doanh nghiệp trong nước gặp tình trạng hàng tồn kho không xuất được, không có đơn hàng mới.

Bên cạnh đó, chi phí sản xuất tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam không thể cạnh tranh được; một số thị trường lớn của Việt Nam đặt ra yêu cầu mới về tiêu chuẩn hàng hóa, và có sự thay đổi quan điểm thị hiếu của người tiêu dùng nên các doanh nghiệp gặp khó để sắp xếp lại hoạt động sản xuất, trong khi, sau đại dịch Covid-19 nguồn lực tài chính của các doanh nghiệp không còn đủ để thực hiện.

Đánh giá chung, việc cắt giảm lao động trong các doanh nghiệp hiện nay chủ yếu là vì lý do kinh tế, khó khăn ở việc tìm kiếm, phát triển thị trường nước ngoài, doanh nghiệp gặp khó khăn tập trung vào doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo ở một số ngành như dệt may, da giày, sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ.

Từ thực tế trên, nêu các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tạo việc làm cho người lao động hiện nay, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động, nâng cao hiệu quả hoạt động của các định chế trung gian của thị trường, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động. Thúc đẩy tạo việc làm bền vững, sử dụng lao động hiệu quả thông qua các chương trình, đề án, chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động.

Triển khai các giải pháp đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu sử dụng lao động, nhu cầu đào tạo nghề nghiệp của doanh nghiệp về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề, trình độ của lao động trong các doanh nghiệp. Thực hiện các giải pháp để thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Các giải pháp cần tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, tìm kiếm đơn hàng mới, giảm chi phí sản xuất, kinh doanh thông qua việc giảm lãi suất vay, hỗ trợ giảm thuế, giảm các khoản phí, lệ phí phải đóng... Đồng thời, thực hiện các giải pháp để hỗ trợ tạo việc làm, kết nối cung - cầu lao động và bảo đảm quyền lợi cho người lao động…