“Tay mềm” bền nghề đẽo đá

Dọc hai bên tuyến đường liên thôn Xuân Phú và Phú Thượng (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) là làng nghề đá chẻ Hòa Sơn với những túp lều, đống đá ngổn ngang và hàng tá âm thanh chát chúa phát ra. Ở đó, những người phụ nữ che mặt bằng tấm khẩu trang mỏng, đội chiếc mũ lụp xụp, đeo đôi găng tay vải cũ sờn, cùng với một cái búa nhỏ và một thanh kim loại dẹt cứng đang mưu sinh với nghề.
0:00 / 0:00
0:00
Gia đình chị Đào chẻ đá thành phẩm.
Gia đình chị Đào chẻ đá thành phẩm.

Gia đình cùng làm đá

Trong hàng trăm người làm nghề đá ở làng Hoa Sơn, có đến hơn một nửa lao động là phụ nữ. Hàng chục năm qua, những đôi bàn tay yếu mềm nay đã chai sạn, họ kiên trì làm việc để có nguồn thu nhập trang trải cho cuộc sống, cho con em cắp sách đến trường.

Chị Phạm Thị Bích Đào, sinh năm 1987 (trú thôn Phú Thượng, xã Hòa Sơn) vung búa nhỏ gõ xuống chiếc đục sắt để miếng đá dày 5cm tách ra chính xác mà không cần lần tìm vân đá. Đến nay, cũng vừa tròn 20 năm chị Đào đã làm cái nghề “khô khốc” này. Chị kể, lúc mới làm nhiều lần sơ ý bị búa xoẹt vô tay, chảy máu cũng là chuyện thường xảy ra. Bên cạnh đó là bị đau nhức tai vì tiếng búa đập đá, tiếng máy cưa đá. Nhưng nhờ có sự đồng hành, chỉ dẫn bởi những người đi trước trong gia đình nên chị dần thành thục rồi cũng quen tiếng ồn, thấy mọi việc đều đơn giản.

Chị Đào chia sẻ: “Nói không quá thì gia đình tôi có duyên với nghề này, từ cha mẹ ruột cho đến chồng, em gái và giờ là con tôi. Ba mẹ tôi đã đến với nghề để nuôi chị em tôi trưởng thành, bây giờ ba mẹ tôi đã có một cơ sở làm đá đủ lớn. Một cơ sở có lán trại rộng rãi, có những máy cưa đá mạnh, có nguồn nguyên liệu dồi dào, có khách hàng ổn định. Nhờ vậy mà tất cả thành viên trong gia đình có việc làm quanh năm”.

Không ai nghĩ rằng, người phụ nữ tuổi 36 có vóc dáng nhỏ bé này đã là mẹ của bốn đứa con. Con nhỏ nhất hơn hai tuổi, đứa lớn nhất của chị cũng đã 17 tuổi. Mỗi ngày, chị Đào cùng chồng đi làm đều chở theo con gái nhỏ nhất đến chỗ làm để vừa làm vừa trông con. Những đứa con còn lại của chị, những ngày không đi học đều theo ba mẹ vào xưởng.

Hằng ngày phải tiếp xúc thường xuyên với khói bụi từ máy cưa đá, nguy cơ mắc phải các căn bệnh về đường hô hấp cũng tăng cao, nhiều lần chị Đào được người thân khuyên chuyển nghề. Nhưng với chị, được làm nghề mình gắn bó, được trò chuyện cùng người thân lúc rảnh rỗi và đem lại nguồn thu nhập ổn định là những điều giúp chị sẽ tiếp tục bám trụ với nghề. “Nghề này nói cực thì rất cực nhưng nói nhàn thì cũng có cái nhàn. Bởi vì làm ăn theo sản phẩm, ai siêng năng thì thu nhập cao hơn. Muốn làm lúc nào, làm bao nhiêu cũng được, không bị ép buộc hay gò bó gì cả. Nghề nào chẳng khó, nhưng làm đá thu nhập ổn định hơn so với làm ruộng đồng”, chị Đào tâm sự.

“Tay mềm” bền nghề đẽo đá ảnh 1

Chị Bình chạm khắc tượng.

Người phụ nữ tạc tượng

Điểm đặc trưng khi đến làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) là không thể thiếu hình ảnh các pho tượng được xếp hàng dài dọc trên đường, những lớp bụi đá phủ trắng và phấp phới bụi bay từ những máy mài, máy cưa đá. Dưới bàn tay của các nghệ nhân nơi đây, những khối đá vô tri trở thành các pho tượng đầy tinh xảo, ấn tượng thông qua sự tỉ mỉ, trau chuốt của những người thợ. Chị Lê Thị Hòa Bình (trú phường Hòa Hải) là một trong những người thợ đó. Chị Bình sinh năm 1976, là một trong số hiếm những người phụ nữ gắn bó với công việc tạc tượng đầy bụi bặm này suốt hơn 23 năm qua.

Chị Bình nhớ lại, đầu những năm 2000, chị làm nghề may vốn chỉ quen cầm kim với chỉ. Khi lấy chồng làm điêu khắc tại làng đá mỹ nghệ Non Nước, hằng ngày chị phụ giúp chồng đánh bóng, mài dũa các pho tượng lúc thời gian rảnh. Từ đó, chị đã mê nghề này lúc nào không hay. Sau khoảng thời gian thuyết phục gia đình, chị đã chính thức bước chân vào nghề bằng những kiến thức được cầm tay chỉ việc từ chồng. “Ngày tôi quyết định học nghề, gia đình ai cũng ngăn cản, cũng vì công việc này vất vả, ảnh hưởng đến sức khỏe và vốn thường dành cho đàn ông khỏe mạnh. Những lúc mới cầm máy, tay cầm không chặt nên có lúc bàn tay bị thương, việc đứng liên tục hàng giờ đồng hồ để mài, đục cũng khiến lưng bị đau nhiều hơn”, chị Bình trải lòng.

Tại làng đá mỹ nghệ Non Nước, tuy có nhiều phụ nữ làm nghề, nhưng đa số là làm đánh bóng, mài tượng. Chị Bình, là một trong số ít phụ nữ có thể làm toàn bộ các khâu để cho ra một pho tượng hoàn chỉnh, từ tham gia phác họa, điêu khắc tỉ mỉ cho đến mài tượng. Để hoàn thành một bức tượng, chị phải trải qua nhiều công đoạn và tốn nhiều thời gian. Khi điêu khắc, bắt buộc chị phải ghì máy bào thật chắc, tì mạnh vào khối đá cứng và liên tục trong nhiều giờ liền.

Người phụ nữ 47 tuổi có bàn tay thô ráp, sần sùi, nhưng lại rất khéo léo và kiên nhẫn. Với chị, điều quan trọng là phải thổi “hồn” được vào cho tác phẩm. Chị Bình cho biết: “Phải thật cẩn thận, kỹ lưỡng để bức tượng chuyển tải được nội dung mà mình mong muốn. Chỉ cần một chi tiết không đúng ý mình cũng ảnh hưởng đến toàn bộ bức tượng. Không chỉ vậy, mà người thợ giỏi phải không ngừng học hỏi để đáp ứng yêu cầu của khách hàng, bắt buộc thường xuyên tự mày mò, tìm hiểu các kiến thức chuyên sâu về cơ thể con người và về văn hóa, nghệ thuật của nhiều quốc gia nhằm tạo ra nhiều bức tượng có đa dạng tư thế sống động”.

Với chị Bình, công việc điêu khắc đá cho dù là người đàn ông hay phụ nữ, chỉ cần có niềm đam mê và sự kiên trì với nghề thì ắt sẽ thành công. Động lực của chị là người con trai út trong số ba người con của chị cũng đã dần thích theo nghề này. Chị Bình tâm sự: “Nó học ngành Công nghệ điện, vừa ra trường năm rồi, tôi cũng không nghĩ là nó sẽ làm nghề của cha mẹ. Cũng nhờ kiến thức bên kỹ thuật mà nó đem áp dụng cho việc tạc tượng, giúp cho công việc của chúng tôi dễ dàng hơn. Được chỉ bày những kiến thức về nghề, chia sẻ kinh nghiệm cho con giúp tôi vững tin hơn vào nghề điêu khắc đá này”.

Phải ngồi, đứng liên tục để chẻ, để khoan, rồi mùi từ đá tỏa ra, các chị đang đối diện hàng giờ với nguy cơ mắc bệnh đau lưng, xương khớp và nhiều bệnh về đường hô hấp. Nhưng vì cuộc sống và cả vì niềm yêu thích mà những người phụ nữ ấy đã chọn được sống một đời cùng đá, tiếp tục lao vào lớp bụi lẫn trong tiếng đục đẽo, tiếng vang của đá cho đến khi không còn sức lực để theo đuổi.