Động lực từ bao phủ vaccine
Ba thập kỷ qua, nền kinh tế Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng GDP vượt mức của ASEAN. Bởi GDP của Trung Quốc đã tăng hơn 10% trong giai đoạn 1990-2000, trước khi giảm xuống mức 7,7% từ năm 2010; trong khi GDP thực tế của ASEAN tăng ở mức ổn định nhưng thấp hơn, nằm ở mức khoảng 5,2% trong hai thập kỷ qua.
GDP của Trung Quốc và ASEAN bắt đầu phân hóa vào cuối những năm 90 thế kỷ trước, khi ASEAN bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Còn Trung Quốc phát triển nhanh chóng sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2000. Tính đến năm 2020, GDP của Trung Quốc là 14,72 nghìn tỷ USD, gấp hơn 5 lần quy mô của ASEAN là 2,9 nghìn tỷ USD. Tuy nhiên, trong năm 2022, có nhiều cơ hội để ASEAN bắt kịp về công nghệ, cơ sở hạ tầng và đầu tư của Trung Quốc. Các yếu tố để có thể lạc quan về sự tăng trưởng kinh tế của Đông Nam Á được xem xét qua phương thức chống đại dịch Covid-19, thị trường chứng khoán và việc áp dụng công nghệ, tác động của nợ công với chính phủ.
Trung Quốc đang theo đuổi chiến lược “Không Covid” (Zero-Covid). Ngay cả khi có tỷ lệ tiêm chủng cao, Trung Quốc vẫn đang thực hiện các biện pháp ngăn chặn nhanh chóng và hạn chế di chuyển khi các đợt bùng phát nhỏ xảy ra. Vào cuối tháng 10/2021, chính quyền Trung Quốc đã xây dựng các cơ sở kiểm dịch chuyên biệt để đón hàng nghìn lượt khách nước ngoài. Các quy định cấm đi lại và kiểm dịch nghiêm ngặt vẫn được duy trì ít nhất trong nửa đầu năm nay khi biến chủng Omicron vẫn hoành hành.
Sự tăng tốc mạnh mẽ trong việc triển khai tiêm chủng vaccine trên toàn ASEAN đang nâng cao triển vọng mở cửa trở lại sớm hơn để phục hồi tăng trưởng vào năm nay. Chính phủ các nước ASEAN đang áp dụng chiến lược “sống chung với Covid”, giúp giảm nguy cơ đóng cửa liên tục so chiến lược “Zero-Covid” của Trung Quốc.
Malaysia, Thailand và Việt Nam đã có bước tăng trưởng mạnh trong tiêm chủng. Riêng Việt Nam đã đạt tỷ lệ bao phủ vaccine đứng thứ 6 trên thế giới. Với tỷ lệ tiêm chủng cao hơn, các trường hợp nhiễm và tử vong do Covid-19 đã giảm đáng kể tại ASEAN. Sự dịch chuyển của người dân đã được cải thiện khi chính phủ các quốc gia ASEAN bắt đầu nới lỏng các hạn chế di chuyển. Ngành dịch vụ bán lẻ và giải trí đã trở lại mức tương đương trước đại dịch ở Indonesia và Thailand, phục hồi nhanh chóng ở các nước còn lại của ASEAN.
Sự gián đoạn chuỗi cung ứng và tắc nghẽn kho vận đã trở nên tồi tệ hơn do chính sách “Zero-Covid” và cuộc khủng hoảng năng lượng của Trung Quốc. Các nhà cung cấp linh kiện cho Apple và Tesla của Mỹ đã phải ngừng sản xuất ở một số cơ sở. Việc đóng cửa các cảng tại Diêm Điền, Thâm Quyến vào tháng 5/2021 và Ninh Ba vào tháng 8/2021 đã làm ảnh hưởng nặng nề tới chuỗi cung ứng trên toàn cầu.
Thị trường chứng khoán tại Trung Quốc cũng đã bị ảnh hưởng rất sâu do chính phủ nước này đã siết chặt hoạt động tài chính ngầm và nợ bất động sản để hạn chế rủi ro. Kể từ năm 2018, khi Trung Quốc công bố các quy định mới, bao gồm yêu cầu các ngân hàng loại bỏ những đơn vị quản lý tài sản của họ, vốn là những “mạch máu” chính để chuyển tín dụng tới khu vực tư nhân, thì hoạt động tài chính ngầm đã suy giảm. Đến tháng 6/2021, Trung Quốc đã cấm các ngân hàng và công ty quản lý tài sản sử dụng tiền huy động được từ các sản phẩm quản lý tài sản tiền mặt để đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi, chứng khoán bảo đảm bằng tài sản và trái phiếu doanh nghiệp bị xếp hạng thấp.
Cơ hội thay đổi và vươn lên
Trong khi đó thị trường chứng khoán tại Đông Nam Á đang tăng trưởng mạnh. Như với Việt Nam, theo báo cáo của Công ty Chứng khoán BSC thuộc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), trong năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến những thay đổi mạnh mẽ cả về chất và lượng, xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm nay. BSC cho hay, thị trường chứng khoán Việt Nam đang đi theo con đường của các nền kinh tế được mệnh danh là “những con hổ châu Á” khoảng 25 đến 30 năm trước, bao gồm Singapore, Hàn Quốc và Hồng Công, Đài Loan (Trung Quốc).
Theo BSC, trong năm 2022, thị trường Việt Nam nhiều khả năng sẽ duy trì xu hướng tăng điểm nhờ các yếu tố cơ bản là yếu tố vĩ mô, doanh nghiệp và dòng tiền. Tình hình kinh tế vĩ mô ổn định và gói kích thích kinh tế được thông qua sẽ giúp nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng sau khi kiểm soát được đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, sau một năm bùng nổ về nhiều mặt, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng nên thận trọng hơn khi có các yếu tố quốc tế kém thuận lợi hơn do tác động của những tiêu cực gần đây.
Một yếu tố khác để ASEAN vươn lên là tỷ lệ chấp nhận và thâm nhập công nghệ đã tăng nhanh ở ASEAN trong thời kỳ đại dịch và vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển. Bởi, trong một thập kỷ qua, Trung Quốc có sự tăng trưởng nhanh chóng, đạt được tỷ lệ thâm nhập công nghệ cao nhưng tốc độ tăng trưởng đang bắt đầu chững lại. Tỷ lệ thâm nhập thương mại điện tử ở Trung Quốc là khoảng 30% và đang theo kịp với Hàn Quốc (37%). Song, sự kìm hãm mới đây của Trung Quốc đối với các công ty công nghệ lớn có thể làm chậm hoặc giảm việc áp dụng và đổi mới công nghệ.
ASEAN vẫn đang ở giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi trực tuyến, áp dụng công nghệ và đang trong quá trình tăng tốc. Tỷ lệ thâm nhập thương mại điện tử ở Thailand, Malaysia và Philippines đều tăng cao. Tại Việt Nam, năm 2020, thương mại điện tử tăng trưởng 18% với tổng doanh thu là 11,8 tỷ USD và đã tăng lên con số 13 tỷ USD vào năm 2021.
ASEAN cũng trở nên hấp dẫn hơn đối với đầu tư vào công nghệ tài chính (fintech) khi Trung Quốc đã trở thành một thị trường đã “chín”. Trong nửa đầu năm 2021, ba trong số 10 giao dịch fintech hàng đầu châu Á là ở ASEAN. Việc Việt Nam ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cũng là yếu tố khiến cho giới đầu tư tài chính quan tâm hơn tới việc đầu tư fintech tại Việt Nam.
Sự kìm hãm của Trung Quốc với lĩnh vực công nghệ đã dẫn đến “cuộc đổ máu” trong các cổ phiếu công nghệ Trung Quốc vào năm 2021. Chỉ số Golden Dragon Trung Quốc trên sàn NASDAQ đã giảm 31%, xóa sạch toàn bộ mức tăng mà nó đã tích lũy được vào năm 2020. Các biện pháp Trung Quốc áp dụng bao gồm rà soát bảo mật dữ liệu chặt chẽ hơn trước khi phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) ở nước ngoài; các quy tắc chống lũng đoạn mới với các công ty internet; những cuộc điều tra chống độc quyền đối với hai công ty bán lẻ Alibaba và Meituan; can thiệp mạnh mẽ vào lĩnh vực giáo dục tư nhân…
Riêng đối với vấn đề nợ công, các chính phủ ASEAN phải đối mặt khoản nợ công lớn do các chương trình tài chính tốn kém liên quan đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, nợ doanh nghiệp và hộ gia đình tại ASEAN lại không tăng đáng kể trong thời kỳ đại dịch và trong cả thập kỷ qua. Nợ doanh nghiệp (tổng mức tín dụng của các tập đoàn phi tài chính) dao động từ 22,6% GDP ở Indonesia đến 73,9% GDP ở Malaysia, thấp hơn đáng kể so mức 159% GDP ở Trung Quốc. Nợ hộ gia đình đã tăng cao ở Malaysia (93,2% GDP), Thailand (89,3%), nhưng mức nợ thấp xuất hiện ở Indonesia (16,6%) và Philippines (10,5%). So sánh với tổng nợ 287% GDP của Trung Quốc thì con số của ASEAN chỉ là quá nhỏ, đặc biệt là nợ doanh nghiệp của Trung Quốc rất cao (159%). Đây sẽ là lực cản đối với tăng trưởng của nước này trong tương lai.
Giới chuyên gia dự đoán, năm nay, lạm phát sẽ tăng cao trên toàn thế giới do những tác động của đại dịch Covid-19. Nhưng 2022 cũng là năm để thế giới có thể biến chuyển. Những nước ASEAN và các nền kinh tế mới nổi có thể tiếp tục vươn lên thay đổi và bắt kịp so tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc.