Về đích sau gần 20 năm
Sau quãng thời gian dài thi công và hoàn thành các thủ tục cần thiết, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố Hồ Chí Minh (gọi tắt là Ban Giao thông, Chủ đầu tư) vừa khánh thành công trình mở rộng mạng lưới thu gom và nâng cấp, mở rộng Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (huyện Bình Chánh) thuộc dự án cải thiện môi trường nước Thành phố Hồ Chí Minh lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - kênh Đôi - kênh Tẻ (giai đoạn 2).
Dự án có mức đầu tư 11.300 tỷ đồng, trong đó vốn ODA là 9.850 tỷ đồng và đối ứng từ ngân sách thành phố là 1.450 tỷ đồng. Mục tiêu là hoàn chỉnh hệ thống thoát nước mưa, giải quyết tình trạng ngập tại các điểm ngập trong lưu vực, nạo vét, cải tạo tuyến kênh Tàu Hủ, kênh Ngang số 1, 2 và 3 và một phần kênh Hàng Bàng. Thu gom và xử lý nước thải trong lưu vực, nâng công suất trạm bơm và Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng từ 141 nghìn m3/ngày (giai đoạn 1)
lên thành 469 nghìn m3/ngày (giai đoạn 2). Ngoài ra, dự án chỉnh trang đô thị, khôi phục mặt nước một phần tuyến kênh Hàng Bàng, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sống của người dân. Ông Hàn Cư (ngụ tại huyện Bình Chánh) không giấu được niềm vui: “Người dân chúng tôi rất sốt ruột mong chờ ngày hoàn thành để được hít thở bầu không khí trong lành từ các dòng kênh chảy qua”.
Giám đốc Ban Giao thông Thành phố Hồ Chí Minh Lương Minh Phúc cho hay, sau gần 20 năm triển khai, dự án cải thiện môi trường nước thành phố góp phần biến cù lao sình lầy, lau sậy trở thành một khu xử lý nước thải hiện đại, với công suất xử lý nước thải 469 nghìn m3/ngày đêm, lớn nhất trong cả nước tính đến thời điểm hiện nay. Thành phố đang đầu tư xây dựng Nhà máy Nhiêu Lộc - Thị Nghè giai đoạn 2 với công suất 480 nghìn m3/ngày đêm. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào tháng 6/2025, giúp tăng tỷ lệ xử lý nước thải từ 40 lên 75% thời gian tới.
Tăng tốc dự án trọng điểm còn lại
Các dự án nạo vét, chỉnh trang, cải thiện môi trường, xây dựng hạ tầng cũng đã được Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh thực hiện thời gian qua. Trong đó, một dự án tiêu biểu là dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm, có tổng mức đầu tư hơn 9.644 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách. Trong đó, khoảng 2.710 tỷ đồng là chi phí xây dựng, hơn 6.731 tỷ đồng là chi phí đền bù giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật.
Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, theo dự kiến, dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm, đoạn qua quận Gò Vấp sẽ tiến hành khởi công trong tháng 9, hoàn thành trong tháng 4/2025. Đoạn qua địa phận quận Bình Thạnh sẽ khởi công vào tháng 4/2025 và sẽ hoàn thành vào tháng 4/2028. Trong đó, tuyến rạch chính dài gần 6,7 km và 3 nhánh dài hơn 2,2 km (gồm nhánh cầu Sơn, Bình Lợi, Bình Triệu). Theo đó, rạch Xuyên Tâm sẽ được nạo vét sâu 3,5 m, rộng từ 20 - 30 m với hệ thống thu gom nước thải, nước mưa đồng bộ. Hai bên bờ sẽ được xây dựng đường, mỗi bên rộng 6 m với 2 làn xe, vỉa hè rộng từ 3 - 4 m. Dự án còn đầu tư xây dựng công viên, mảng xanh và hệ thống chiếu sáng. Mục tiêu đầu tư nhằm giải quyết ô nhiễm môi trường, cải tạo thoát nước, chống ngập, thu gom nước thải về nhà máy xử lý nước thải tập trung của Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời kết nối giao thông cục bộ và xây dựng hạ tầng kỹ thuật, góp phần chỉnh trang đô thị.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, rạch Xuyên Tâm là con rạch ô nhiễm nặng nề nhất nên người dân luôn mong ngóng ngày con rạch được cải tạo để cải thiện đời sống cũng như thay đổi diện mạo đô thị. Năm 2002, dự án này đã được phê duyệt lần đầu tiên nhưng do nhiều lý do nên vẫn chưa thể thực hiện. Như vậy, sau hơn 20 năm ô nhiễm nghiêm trọng, Rạch Xuyên Tâm cũng chuẩn bị được “thay áo mới”.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng cho hay, chính sách tái định cư cũng được đề xuất theo hướng có lợi cho người dân hơn so với trước. Theo đó, trường hợp bị thu hồi toàn bộ nhà ở, đất ở đủ điều kiện bồi thường về đất ở thì được giải quyết tái định cư bằng nền đất hoặc nhà ở xã hội. Hộ dân bị thu hồi toàn bộ nhà, đất ở nhưng không đủ điều kiện bồi thường về đất ở, tùy trường hợp có thể được giải quyết tái định cư bằng nền đất hoặc nhà ở xã hội.