Đổi mới tương lai: Kết nối AI và bán dẫn toàn cầu

Lần đầu tiên Hội nghị quốc tế về trí tuệ nhân tạo (AI) và bán dẫn (AISC 2025) sẽ được tổ chức trong các ngày từ 12 đến 16/3 tại Hà Nội và Đà Nẵng. Sự kiện quy tụ hơn 1.000 chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ cao với nhiều chương trình đan xen kéo dài trong suốt 5 ngày.
0:00 / 0:00
0:00
Các chuyên gia dự báo, trong tương lai, Việt Nam sẽ trở thành trung tâm sản xuất của nhiều doanh nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Các chuyên gia dự báo, trong tương lai, Việt Nam sẽ trở thành trung tâm sản xuất của nhiều doanh nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Hội nghị có chủ đề "Đổi mới tương lai: Kết nối AI và bán dẫn toàn cầu", tập trung vào AI trong thiết kế và sản xuất chip, cùng tiềm năng của kiến trúc bán dẫn tiên tiến. Sự kiện này quy tụ nhiều lãnh đạo cao cấp, chuyên gia công nghệ từ các tập đoàn lớn như Google DeepMind, IBM, Intel, TSMC, Samsung, MediaTek, Tokyo Electron, Panasonic, Marvell cùng nhiều doanh nghiệp đến từ Silicon Valley, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc. Chuỗi sự kiện diễn ra tại hai thành phố lớn, bao gồm tọa đàm, hội thảo kỹ thuật, triển lãm công nghệ, diễn đàn chính sách cấp cao dành cho 100 lãnh đạo công nghệ hàng đầu.

Theo Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), thị trường bán dẫn toàn cầu đã đạt 500 tỷ USD vào cuối năm 2024 và trí tuệ nhân tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng kinh tế. Việc tích hợp AI vào thiết kế và sản xuất chip đang thu hút những khoản đầu tư lớn, hứa hẹn sẽ định hình lại ngành công nghiệp này. Ở nước ta, Nghị quyết số 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia xác định đây là chìa khóa then chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội. Đặc biệt, trí tuệ nhân tạo và ngành công nghiệp bán dẫn được xem là những lĩnh vực trọng yếu, đóng vai trò quan trọng trong tiến trình này. Trong năm 2024, Việt Nam đã ban hành hàng loạt cơ chế, chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghệ cao, đặc biệt là ngành công nghiệp bán dẫn và AI. Những chính sách này không chỉ tạo động lực cho các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và làm chủ công nghệ mà còn góp phần thu hút đầu tư, hoàn thiện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo một cách toàn diện.

Về định hướng phát triển trong thời gian tới, NIC cho rằng Việt Nam đang đứng trước “thời cơ vàng” trong lĩnh vực công nghệ. Một trong những yếu tố thuận lợi là sự ổn định chính trị, các chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ và định hướng giáo dục phù hợp. Bên cạnh đó có dân số trẻ, nhiều người trẻ đam mê công nghệ, giàu kỹ năng và có nền tảng công nghệ vững chắc, mang đến nhiều cơ hội phát triển cho các nhà đầu tư. Đây chính là lợi thế lớn giúp bứt phá trong các lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là AI và công nghiệp bán dẫn cũng như nhân rộng mô hình hợp tác thành công với Tập đoàn NVIDIA trong việc đặt trung tâm nghiên cứu và phát triển về AI tại Việt Nam.

Trong khuôn khổ AISC 2025, SemiKong - nền tảng mã nguồn mở tiên phong trong sản xuất chip do Aitomatic phát triển, sẽ được ra mắt. Đây là kết quả hợp tác với FPT Software và các chuyên gia bán dẫn quốc tế, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc ứng dụng AI vào sản xuất chip toàn cầu. Đồng thời, NIC cùng Meta, Nvidia, Aitomatic sẽ cùng nhau công bố hợp tác xây dựng bộ dữ liệu tiếng Việt phục vụ nghiên cứu, phát triển AI.

Bên cạnh chuỗi sự kiện chính, AISC 2025 còn là nơi đánh dấu sự gia nhập của các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam vào Liên hiệp phát triển AI và trí tuệ nhân tạo toàn cầu (AI Alliance) được sáng lập bởi IBM, Aitomatic Meta, AMD, Intel cùng các học viện hàng đầu quy tụ hơn 140 thành viên từ 25 quốc gia với sứ mệnh thúc đẩy, đổi mới và mở rộng trong phát triển AI.