Đường dây buôn người lớn nhất châu Âu
Giới chức thành phố West Midlands (Anh) cho biết tòa án địa phương đã xét xử xong vụ án liên quan đường dây buôn người do tám đối tượng gốc Ba Lan cầm đầu. Các đối tượng nhận hình phạt từ 4,5 đến 11 năm tù. Những kẻ buôn người đã dụ dỗ người lao động yếu thế như người mới mãn hạn tù, người vô gia cư, con nghiện,… từ Ba Lan tới Anh làm việc dưới hình thức lao động nhập cư, song lại phải sống trong điều kiện khắc nghiệt.
Những người này được hứa hẹn cung cấp nơi ăn chốn ở và công việc ổn định khi tới Anh, nhưng trên thực tế, họ phải làm việc liên tục trong các trang trại, khu tái chế rác và nhà máy chế biến thịt gà mà chỉ được trả chưa đến 25 USD mỗi tuần, thậm chí có trường hợp không được nhận một đồng tiền công. Điều tra của giới chức Anh cho thấy, những kẻ buôn người đã bỏ túi phần lớn tiền lương của người lao động và thu khoản lời khổng lồ để sống xa hoa ở Anh. Ước tính số tiền chúng thu được lên đến 2,5 triệu USD.
Đường dây buôn người này có lớp vỏ bọc là một công ty lao động, nên dễ dàng “né” được các quy định pháp lý về cung cấp việc làm cho người nhập cư. Hoạt động của công ty này diễn ra trong một thời gian dài, từ tháng 6-2012 đến tháng 10-2017. Mạng lưới chỉ bị phát hiện sau khi hai nạn nhân đã trốn được và tìm kiếm sự giúp đỡ của tổ chức từ thiện Hope for Justice (Hy vọng cho công lý). Hope for Justice cho biết, ít nhất 51 nạn nhân của đường dây này đã liên lạc với họ và kêu cứu về tình trạng sống tồi tệ, bị bóc lột sức lao động nặng nề. Sau đó, cảnh sát West Midlands đã mở một cuộc điều tra vào tháng 2-2015.
Hơn 400 người trong độ tuổi từ 17 đến 60 đã bị bóc lột sức lao động đến mức cùng cực. Họ được chia ra thành các nhóm nhỏ ở tại chín địa chỉ khác nhau trong thành phố và bị ép buộc làm việc theo yêu cầu của các “ông chủ” mà không hề biết trước công việc hay tiền lương sẽ nhận được. Các nạn nhân cho biết, họ phải sống trong những khu ổ chuột chật chội, ngủ trên sàn và ăn thức ăn hết hạn. Một số căn hộ bị nhồi nhét hàng chục người, không có nhà vệ sinh hay lò sưởi, và các nạn nhân phải nhặt rác để đốt sưởi ấm. Một nạn nhân cho biết còn phải tắm rửa ở dưới kênh vì không có nước sinh hoạt.
Nếu dám lên tiếng phàn nàn, họ liền bị những kẻ cầm đầu đe dọa cắt suất ăn, thậm chí đánh đập, tra tấn dã man. Theo Telegraph, một nạn nhân phản ánh về điều kiện sống và lương quá thấp đã bị chúng đánh gãy tay nhưng không được chăm sóc y tế. Người này sau đó bị chúng nhốt lại vì chấn thương nặng và không thể làm việc. Các nhân chứng khác cũng cho biết, một người đã bị lột hết quần áo trước mặt các công nhân khác, và bị dọa cắt một quả thận nếu không giữ im lặng.
Băng đảng buôn người này đã thu giữ giấy tờ cá nhân của nạn nhân khiến họ không thể ra ngoài nếu không được sự đồng ý. Nạn nhân cũng bị chúng dùng thẻ căn cước để đăng ký bảo hiểm và mở tài khoản ngân hàng bằng địa chỉ giả mạo để trục lợi từ tiền lương của họ. Trong đường dây buôn người còn có kẻ làm việc cho một trung tâm tuyển dụng lao động hợp pháp, nhờ vậy, chúng có thể lợi dụng để sắp xếp các công việc cần lao động “chui”. Các nạn nhân phải làm việc trong điều kiện hạn chế, thậm chí còn phải trả “nợ” cho những kẻ buôn người vì chúng đòi thêm chi phí vận chuyển, tiền thuê nhà và thức ăn…
Đường dây buôn người này do Ignacy Brzezinski (52 tuổi) và Wojciech Nowakowski (41 tuổi), cùng một số thành viên trong gia đình lập ra. Tất cả đều là người Ba Lan. Thẩm phán Mary Stacey cho biết, nạn nhân nô lệ hiện đại phải sống mức sống dưới nghèo khổ trong khi những tên trùm buôn người bóc lột sức lao động của họ lại sở hữu tài sản hàng triệu USD, có nhà và xe hơi sang trọng ở Anh.
Ông Mark Paul - Giám đốc Cơ quan công tố Anh (CPS) cho biết, quy mô của đường dây buôn nô lệ hiện đại nói trên được xem là lớn nhất châu Âu cho đến thời điểm hiện nay. Giới chức đã tiếp cận được với khoảng gần 100 nạn nhân của chúng, song các nhân chứng cho biết ít nhất 300 người lao động Ba Lan khác đã bị băng đảng này thao túng mà không dám trình báo cảnh sát vì sợ bị kết tội.
Tình trạng nô lệ hiện đại ở Anh
Trên thực tế, tình trạng bóc lột lao động nhập cư, trong đó có người lao động đến từ Ba Lan ở Anh đã trở thành vấn đề nổi cộm lâu nay. Giới chức hai nước đã thúc đẩy để ra đời nhiều văn bản nhằm hạn chế tình trạng này, nhưng vụ án vừa qua cho thấy người lao động vẫn bị bóc lột tệ hại, thậm chí bị đối xử như nô lệ. Đặc biệt trong bối cảnh người nhập cư tìm đến các nước phát triển như Anh ngày càng gia tăng.
Theo tổ chức Hope for Justice, rất khó để tổng hợp số liệu thống kê chính xác về mức độ nô lệ ở Anh. Nhiều lao động là người nhập cư không dám lên tiếng khi bị bóc lột sức lao động như nô lệ. Họ bị cưỡng chế, ép buộc làm các công việc nguy hiểm mà không được bồi thường xứng đáng, song lại lo ngại nếu công khai phản đối sẽ mất việc làm, hoặc nặng hơn là trục xuất về nước.
Giới chức Anh cũng thừa nhận rằng không có số liệu chính xác về số người bị rơi vào các đường dây buôn bán nô lệ ở Anh. Năm 2010, dư luận nước này từng ngỡ ngàng khi CPS công bố hơn 1.000 trường hợp phụ nữ, chủ yếu từ các nước Đông và Trung Âu, là nạn nhân của các đường dây bán dâm, nô lệ tình dục ở Anh. Ngoài ra, theo Telegraph, ước tính hàng nghìn thanh niên đã bị đưa qua nước Anh mỗi năm để làm nô lệ tình dục hoặc trở thành lao động “chui” ở ngay tại Anh hay tại những nước châu Âu khác.
Dư luận tại Anh đã lên án giới chức nước này vì vẫn xem nhẹ nạn bóc lột lao động nhập cư, khiến tình trạng liên tục tái diễn. Nhiều người nhập cư khi đến Anh là hợp pháp, nhưng sau đó lại bị ép buộc làm việc nặng nhọc trong môi trường khắc nghiệt như những nô lệ. Hope for Justice cho rằng, lao động nhập cư, cho dù là người di cư bất hợp pháp hoặc người di cư hợp pháp làm việc bất hợp pháp, là nhóm có nguy cơ cao nhất phải chịu điều kiện làm việc như nô lệ. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cũng đánh giá các nhóm ngành như xây dựng, nông nghiệp và các ngành nghề liên quan đến thực phẩm, mại dâm,… là nhóm ngành có nhiều lao động nhập cư bị bóc lột nhất ở Anh.
Trả lời phỏng vấn Daily Mail, một đại diện của Hope for Justice cảnh báo rằng làn sóng người di cư đổ đến châu Âu thời gian qua đang trở thành “mỏ vàng” để các băng nhóm buôn bán người, hoặc những đường dây sử dụng người lao động làm việc bất hợp pháp khai thác. Theo tổ chức trên, nếu không có biện pháp giám sát chặt chẽ người di cư hoặc hoạt động của các nhóm buôn bán người, sẽ có thêm nhiều người khác trở thành nô lệ hiện đại.