Tái cấu trúc “mặt bằng”

Một hiện tượng dễ quan sát là làn sóng trả mặt bằng kinh doanh đang diễn ra quyết liệt và nhanh chóng hơn bao giờ hết.
0:00 / 0:00
0:00

Sức mua suy giảm, kinh tế thách thức là những nguyên nhân quan trọng dẫn đến hiện tượng này, nhưng trong thực tế là chưa đủ. Hãy bắt đầu với khu vực Hồ Con Rùa, khu vực “trung tâm của trung tâm”, tại Quận 3, TP Hồ Chí Minh, ghi nhận từ những quán cà-phê lớn, hào nhoáng nhất, cho đến các quán quy mô trung bình cũng liên tục trả mặt bằng. Một doanh nhân cũng là YouTuber có tiếng viết trên trang cá nhân của mình về khu vực Hồ Con Rùa như sau “… nhìn ngon, ông lớn nào cũng muốn ra đây, nhưng kinh doanh khá chua, xe cộ đậu bất tiện, chi phí mặt bằng cao…”. Chính doanh nhân này cũng đã có hai cửa hàng ở đây và cũng chỉ trụ được hơn ba năm.

Nhưng không chỉ các “ông lớn”, những đơn vị nhỏ cũng nhanh chóng trả mặt bằng không chỉ nằm ở vấn đề chi phí mà là động thái cắt lỗ trong kinh doanh. Tại khu vực đường Nguyễn Văn Đậu, nơi tiếp giáp của hai quận Bình Thạnh và Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh, cách đây ba tháng xuất hiện một cửa hiệu làm tóc khá lớn, đông nhân viên, khuyến mãi giảm giá mạnh, nhưng mới đây cũng đóng cửa. Đơn giản là vì thu không đủ bù chi, càng làm càng lỗ và dự cảm thiếu tích cực dẫn đến việc phải cắt lỗ nhanh chóng. Một số người kinh doanh cho biết, đôi khi trả mặt bằng sớm, thấy tiếc, day dứt, nhưng sau đó nghĩ lại trả sớm… tốt hơn cầm cự, vì càng cầm cự lại lỗ chồng lỗ.

Doanh nhân Phạm Văn Ngọc, người sáng lập và điều hành thương hiệu thời trang da cá sấu Việt Tín tại Nha Trang chia sẻ: Từ khi có dịch Covid-19 cho đến hiện nay, những người làm kinh doanh buộc phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn khi chọn mặt bằng. Bản thân tôi từng có chuỗi năm cửa hàng, nhưng sau đó đã tái cấu trúc lại chỉ còn hai điểm, trong đó có một điểm ngay tại xưởng của mình, một điểm nằm ngay tại đường Trần Phú, con đường đắc địa nhất Nha Trang. Vấn đề là số lượng mặt bằng giảm, nhưng doanh số lại vẫn đang tăng trưởng. Vậy tiêu chí chọn mặt bằng là gì? Vấn đề đầu tiên là phải có sự chia sẻ từ bên cho thuê với những người kinh doanh thay vì chỉ trả tiền “cứng” hằng tháng, vì nếu có rủi ro xảy ra, chi phí phải gánh là cực lớn. Điểm thứ hai chính là địa điểm phải đủ khả năng thu hút khách hàng, và tại thời điểm hiện nay thì trung tâm thương mại đang có lợi.

Ở chiều ngược lại, có lẽ cũng phải bàn từ phía cho thuê, tức là chủ mặt bằng. Nếu nhìn về mặt bằng là nhà phố, hay còn gọi là “nhà mặt tiền” thì phía cho thuê sẽ là các cá nhân, việc tính toán giá cho thuê, hay các chính sách cho thuê sẽ có tính cá nhân hóa cao và chưa hẳn đã tối ưu. Chính điều này có thể dẫn đến khả năng những người chủ mặt bằng và bên thuê không thể gặp nhau và chia sẻ được suy nghĩ trong giai đoạn khó khăn. Có một thực tế là đôi khi, chủ mặt bằng nhà phố không có nhu cầu tài chính cao nên cũng… không cần giảm giá hay hỗ trợ khách lúc khó khăn. Tuy nhiên, theo thời gian, đã gọi là mặt bằng thì phải cho thuê và xu hướng trả mặt bằng sẽ làm các người chủ buộc phải nhìn lại, lúc đó có thể đã bị động. Như vậy, không chỉ bên đi thuê mặt bằng tái cấu trúc chi phí, mà sẽ tới lúc, bên cho thuê cũng phải tái cấu trúc.