Thác Huổi He thuộc xã Nà Nhạn, cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ 20 km, trong đó có 2 km đường đi bộ leo núi. Anh bạn dẫn đường cho biết, cạnh thác có hang Huổi He là điểm di tích lịch sử đã được quy hoạch, song vẫn đang trong thời gian chờ được tôn tạo, khai thác. Vì chưa có đường đi, lối mòn nhỏ xíu khiến ai nấy mướt mồ hôi. Song chúng tôi không phải những vị khách duy nhất. Một số nhóm dân bản hoặc du khách khác cũng hướng về phía dòng thác trong mát để thư giãn, dã ngoại cuối tuần.
Giữa rừng xanh, thác Huổi He hiện ra ngoạn mục với nhiều tầng nấc, nước ầm ầm tràn qua những vách đá sừng sững. Theo tiếng dân tộc Thái bản địa, Huổi He - hay còn gọi là Huổi Hẹ, nghĩa là dòng suối có nhiều tre, nứa. Mọi người nghỉ ngơi tại chân thác, còn chúng tôi tiếp tục leo lên cao hơn để tới “bể bơi vô cực” độc đáo. Đó là một hốc đá ở độ cao khoảng 600 m so mực nước biển, chứa dòng nước trong xanh. Vừa tắm mát, vừa ngắm phong cảnh hùng vĩ chung quanh, vừa lắng nghe chim rừng ríu rít, quả là những trải nghiệm dễ chịu. Người bạn Điện Biên kể cho chúng tôi nghe hang Huổi He kề bên dòng thác là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí trong Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ từng họp bàn. Hiện nay, hang còn nguyên vẹn với tấm bia vàng ghi dòng chữ “Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở hang Huổi He”. Đó là niềm tự hào của bà con nơi đây.
Chuyến tìm về thiên nhiên không chỉ giúp chúng tôi tránh nóng mà còn biết thêm và ghi nhớ những câu chuyện lịch sử hào hùng. Tuy vậy, phần lớn hoạt động văn hóa, du lịch tại đây chưa phải sản phẩm du lịch chính thức của địa phương. Với giá trị lịch sử và tiềm năng du lịch sinh thái, Huổi He cần được đầu tư và quảng bá để nhiều người biết đến hơn.