Rủi ro trên mạng

Nằm trong tốp 10 quốc gia có lượng người dùng Facebook, Tiktok, YouTube nhiều nhất thế giới, hiện nay, Việt Nam có hơn 70% dân số sử dụng mạng xã hội. Điện thoại thông minh, internet, các nền tảng mạng xã hội… giúp giới trẻ thuận tiện hơn trong việc tiếp cận nguồn thông tin mới, kết nối thế giới, thể hiện bản thân. Thế nhưng, không gian sinh động này cũng đầy ắp những rủi ro.
0:00 / 0:00
0:00
Giới trẻ sử dụng mạng xã hội hiệu quả, an toàn khi có đủ kiến thức, kỹ năng.
Giới trẻ sử dụng mạng xã hội hiệu quả, an toàn khi có đủ kiến thức, kỹ năng.

Khi quyền riêng tư bị xâm hại

Cách đây hai năm, khi tài khoản “xiaolin1983” đăng bán dữ liệu của hơn 30 nghìn sinh viên thuộc 10 trường đại học ở Việt Nam trên diễn đàn Raidforums, nhiều người sử dụng internet cảm thấy hoang mang, nhất là giới trẻ. Họ tên, địa chỉ, số điện thoại, tài khoản ngân hàng, hình ảnh chứng minh nhân dân… các thông tin mang tính bảo mật trong phút chốc trở thành món hàng để những hacker trục lợi. Việc các công ty làm lộ dữ liệu cá nhân của khách hàng trên nền tảng số không còn là chuyện hiếm trong vài năm trở lại đây. Rất nhiều tệp tin được rao bán công khai trên các diễn đàn của “tin tặc”, đẩy hàng triệu người vào tình huống rắc rối, bị làm phiền liên tục, thậm chí bị lừa đảo.

Là người thích sự tiện lợi của việc mua sắm trên mạng xã hội, Nguyễn Thiên Ngân (20 tuổi, sống tại quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh) thường xuyên đặt hàng trên các fanpage quần áo, trang sức, mỹ phẩm đăng ký trên cả nước. Ban đầu, cô bạn khá thích thú với hình thức mua sắm tiết kiệm thời gian và chi phí này, thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn, Ngân bắt đầu bị quấy rầy mọi lúc mọi nơi. “Tôi không hiểu tại sao nhiều người lạ lại có số điện thoại để gọi điện tư vấn mỹ phẩm, các gói làm đẹp trong khi tôi chưa tương tác với họ bao giờ. Rồi sau đó là môi giới nhà đất, cho vay tín dụng. Phải chăng thông tin cá nhân của tôi đã bị lộ?”, Ngân bức xúc cho hay.

Thống kê cho biết, cả nước có hơn 70 triệu người dùng internet. Mỗi ngày, người dùng Việt Nam dành trung bình khoảng 7 giờ đồng hồ cho các hoạt động liên quan đến không gian mạng. Số lượng các nền tảng và kênh tương tác tăng mạnh trong khi vấn đề bảo mật thông tin chưa được quan tâm đúng mức khiến nhiều người dễ rơi vào bẫy rủi ro trên internet. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, giá trị của chỉ số an toàn thông tin mạng của năm 2022 tuy đã tăng trên 46% so với năm 2021 nhưng vẫn ở mức thấp so với nhu cầu thực tế. Vì vậy, nguy cơ mất an toàn, an ninh mạng vẫn ở mức rất cao.

Biết cách bảo vệ chính mình

Tại Hội thảo khoa học “An ninh sinh viên trong thời kỳ chuyển đổi số” do Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ trẻ và Trường đại học An ninh nhân dân vừa tổ chức, nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh các thủ thuật tinh vi của tội phạm, sự chủ quan của người dùng internet cũng là nguyên nhân khiến dữ liệu cá nhân bị đánh cắp, rao bán, dẫn đến nhiều hệ lụy không mong muốn. Theo Cục An toàn thông tin, có tới 80% nguyên nhân lộ, lọt thông tin cá nhân trên internet xuất phát từ sự bất cẩn của người dùng. Mất an ninh, an toàn thông tin, dữ liệu cá nhân; Mất an ninh văn hóa; Mất an ninh giáo dục - đào tạo và Mất an ninh tư tưởng, an ninh chính trị, trật tự xã hội là bốn mối đe dọa lớn với giới sinh viên, học sinh trên không gian mạng hiện nay.

Theo đại biểu Lê Minh Diệu, Trường đại học An ninh nhân dân, muốn không rơi vào những “chiếc bẫy” trên không gian mạng, điều quan trọng là bạn trẻ phải nắm kỹ năng về các lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật mới để chủ động trong quá trình sử dụng. Bản thân mỗi người phải có trách nhiệm tự bảo vệ thông tin cá nhân và tự chịu trách nhiệm khi sử dụng, cung cấp thông tin của bản thân trên internet. Đồng thời hạn chế đưa các thông tin quan trọng lên mạng xã hội.

Nhiều chuyên gia cho rằng, khi người dùng kỹ càng và tỉnh táo hơn, các thông tin trên không gian mạng sẽ được sàng lọc theo đúng nhu cầu tiếp cận, tránh được nhiều rắc rối phát sinh. Do đó, việc tiếp tục đẩy mạng tuyên truyền qua nhiều kênh tương tác luôn là điều cần thiết. Cùng với các bộ, ngành, cơ quan chức năng, mỗi cơ sở giáo dục cần xây dựng, bổ sung, hoàn thiện quy định quản lý hoạt động trên internet, mạng xã hội, bộ quy tắc ứng xử trong nhà trường và trên không gian mạng. Cần đưa vào quy chế những hành vi không được phép thực hiện trên internet. Đi kèm với đó là những hình thức kỷ luật tương xứng để mọi người học sử dụng mạng xã hội đúng cách, đúng mục đích, bảo vệ an toàn cho chính mình và cộng đồng.