Rủi ro “chơi để kiếm tiền”

Play to Earn - Chơi để kiếm tiền là một trò chơi có nền tảng công nghệ blockchain (công nghệ chuỗi khối) đang hấp dẫn người chơi khi kết hợp cả mục tiêu giải trí lẫn lợi ích về mặt kinh tế khi tham gia. Nhưng nó tồn tại rất nhiều rủi ro, người chơi có thể mất tiền đầu tư khi bị cuốn vào một dự án tiền mã hóa thiếu tính bền vững và hơn nữa, những trò chơi như vậy không mang lại lợi ích hay của cải thực chất cho xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Play to Earn - Chơi để kiếm tiền là một trò chơi có nền tảng công nghệ blockchain.
Play to Earn - Chơi để kiếm tiền là một trò chơi có nền tảng công nghệ blockchain.

Chơi để kiếm tiền là các trò chơi điện tử mà người tham gia có thể thu được lợi nhuận từ nó, thông qua giao dịch, trao đổi mua bán, phần thưởng… Những cách kiếm tiền kiểu như vậy thực chất đã xuất hiện từ rất sớm trong các trò chơi trực tuyến trước đây như Võ Lâm Truyền Kỳ, Thiên Long Bát Bộ, Liên Minh Huyền Thoại… Trong các trò chơi này, người chơi có thể kiếm tiền bằng cách bán vật phẩm, trang bị, vũ khí… quý hiếm trong trò chơi hoặc bán luôn cả tài khoản cho các game thủ khác. Các giao dịch này thường là những giao dịch cá nhân bên ngoài có thể dùng tiền mặt, chuyển khoản hoặc thẻ cào...

Chơi để kiếm tiền hiện là cơ chế cốt lõi trong mô hình mà giới đầu tư vào công nghệ blockchain gọi là GameFi - kết hợp giữa trò chơi (game) và tài chính (finance). Với GameFi, các trò chơi đều dựa trên công nghệ blockchain. Và không giống như các trò chơi điện tử truyền thống có các giao dịch chỉ tồn tại trong trò chơi, hầu hết các trò chơi blockchain cho phép người chơi chuyển các vật phẩm game, số tiền mã hóa kiếm được ra khỏi thế giới ảo của trò chơi. Điều này cho phép người chơi giao dịch các mặt hàng của họ trên thị trường NFT (Non-fungible token - tài sản không thể thay thế) và bán tiền mã hóa trên các sàn giao dịch.

Cơ chế của một trò chơi blockchain thường là người tham gia sẽ tạo ra một ví để chứa tiền mã hóa của một dự án tiền mã hóa nào đó, chủ của dự án này cũng là đơn vị tạo nên trò chơi. Người chơi phải kết nối ví điện tử của mình vào tài khoản tạo ra trong trò chơi. Hầu hết các dự án sẽ yêu cầu bạn mua tiền mã hóa hoặc các NFT trong trò chơi để bắt đầu. Tùy thuộc vào trò chơi, người chơi có thể kiếm phần thưởng bằng cách hoàn thành nhiệm vụ, chiến đấu với những người chơi khác hoặc xây dựng các công trình và kiếm tiền trên mảnh đất của họ... Khi muốn rút tiền, người chơi chuyển lại số tiền, vật phẩm trong trò chơi vào ví đã tạo và có thể giao dịch nó trên các sàn tiền mã hóa.

Những trò chơi blockchain luôn được giới đầu tư tâng bốc với những lời có cánh như “chỉ chơi mà cũng có tiền”, một số trò chơi còn kết hợp với việc rèn luyện thể chất để khuyến khích người chơi kiếm tiền như càng chạy nhiều bạn sẽ kiếm được nhiều tiền... Nhưng lợi ích của những trò chơi này chỉ chiếm một phần nhỏ và nó có thể mang lại tác hại rất lớn đến tâm lý, thể chất, kinh tế của người chơi cũng như những rủi ro đối với xã hội như tệ đánh bạc, rửa tiền...

Trong các trò “chơi để kiếm tiền”, các nhà phát triển cũng tập trung nhiều hơn vào mô hình kinh tế của trò chơi hơn là các khía cạnh giải trí. Điều này đi ngược lại toàn bộ mục đích của một trò chơi là vui vẻ và giải trí. Người chơi thường phải bỏ ra một số tiền lớn để tham gia. Khi chưa kiếm được lợi nhuận, người chơi phải tiêu tốn rất nhiều thời gian, thậm chí đến 15-17 giờ/ngày để kiếm được một khoản lợi nhuận. Đôi khi, game thủ mất hằng tuần, hằng tháng chỉ để cố gắng thu hồi vốn đầu tư ban đầu khi tham gia vào trò chơi.

Mặc dù những trò chơi này có các vật phẩm, tiền mã hóa nằm trong thị trường phi tập trung, nhưng chúng vẫn bị kiểm soát bởi một nhà phát triển hoặc nhà phát hành tiền mã hóa. Họ có thể đặt giới hạn về số tiền mà người chơi có thể kiếm được trong một khoảng thời gian nhất định. Vì vậy, trong khi họ cung cấp cơ hội kiếm tiền, rất ít người hiểu được những tổn thất tiềm ẩn mà họ có thể phải gánh chịu. Chưa kể thị trường tiền mã hóa vốn có sự biến động rất lớn, khiến chúng trở thành một tài sản mang nhiều rủi ro.

Ngoài ra, công nghệ blockchain thực tế còn trong giai đoạn sơ khai. Do đó, vẫn còn một số vấn đề cần được giải quyết, bao gồm khả năng mở rộng, chi phí trả trước, cơ sở hạ tầng mạng... Do đặc điểm của công nghệ blockchain, các trò chơi, dự án tiền mã hóa sẽ chiếm rất nhiều tài nguyên mạng, tiêu thụ nhiều điện năng để xác minh các giao dịch. Và các trò chơi dựa trên công nghệ này hiện đều chưa mang lại được lợi ích thực chất cho xã hội.

Cuối cùng, các trò “chơi để kiếm tiền” còn có thể trở thành mảnh đất cho hoạt động đánh bạc trực tuyến và rửa tiền núp bóng. Thực tế, kể từ năm 2018 đã có nhiều sòng bạc trực tuyến được cấp giấy phép tại nước ngoài, có kết hợp với công nghệ blockchain. Người chơi sẽ kết nối ví tiền mã hóa của một dự án vào sòng bạc trực tuyến để chơi, sau đó rút tiền về ví và đổi thành tiền mặt trên các sàn giao dịch tiền mã hóa. Điều này gây ra rủi ro cho các cơ quan quản lý và xã hội khi rất khó kiểm soát các hành vi đánh bạc thông qua các sòng bạc sử dụng công nghệ blockchain. Chưa kể, đây cũng là phương tiện rất dễ được sử dụng để rửa tiền và gian lận tài chính.

Ngành công nghiệp trò chơi điện tử hiện có giá trị lên tới 336 tỷ USD với khoảng ba tỷ người chơi trên toàn cầu, với xu hướng “chơi để kiếm tiền” ngày càng phát triển nhờ sự hỗ trợ của công nghệ blockchain. Nhưng xu hướng này đang mang tới những rủi ro rất lớn cho không chỉ nền kinh tế số mà với cả xã hội, vì nó tiêu tốn thời gian, tâm sức của người chơi và không mang lại của cải thực chất.