Rác, sau những đơn hàng online

“Quá nhiều rác thải nhựa cho một bữa ăn!”, một nhân viên văn phòng đã phải thốt lên khi chứng kiến người giao hàng lỉnh kỉnh giao ba suất cơm văn phòng đầy ứ những túi nylon, hộp nhựa. Sự bùng nổ của các ứng dụng đặt đồ ăn trực tuyến kéo theo hàng triệu tấn rác nhựa thải ra môi trường mỗi năm.
0:00 / 0:00
0:00
Rác thải từ một suất ăn. Ảnh: SONG ANH
Rác thải từ một suất ăn. Ảnh: SONG ANH

Tràn lan đồ nhựa một lần

11 giờ trưa tại cửa hàng cơm văn phòng khá đông khách trên đường Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), những suất cơm đã xếp sẵn trên bàn để chờ người giao hàng qua lấy. Mỗi suất cơm gồm hộp xốp đựng cơm và đồ ăn, cốc nhựa đựng canh, túi nhỏ gia vị, túi nylon lớn buộc ở ngoài, thìa đũa dùng một lần kèm theo. Trong khoảng thời gian cao điểm từ 11-12 giờ trưa, có hàng chục người giao hàng xếp hàng chờ lấy đồ. Chủ cửa hàng cho biết, những ngày hè nắng nóng, hầu như chỉ có người giao hàng đến lấy đồ mang đi. Cao điểm có ngày giao vài trăm suất. Khách chỉ cần gọi điện chọn món, cửa hàng chuẩn bị và có người đem giao tận nơi không cần phải xếp hàng đợi chờ, chen chúc hay ngồi vỉa hè nóng bức, cơm đến nơi vẫn nóng và giá cũng không cao hơn đến ăn trực tiếp. Thứ duy nhất không tiện là đống rác thải, toàn nylon và hộp nhựa thừa lại sau mỗi bữa ăn.

Làm việc văn phòng và thường xuyên đặt đồ ăn qua các ứng dụng, chị Nguyễn Thị Ngân (Tây Hồ, Hà Nội) cũng phải hoảng hốt với lượng rác nhựa phát sinh sau mỗi đơn hàng giao đồ ăn online. Theo chị Ngân, đặt đồ ăn qua các ứng dụng rất tiện, nhiều lựa chọn, chuyển rất nhanh nhưng mỗi lần chuyển đến cũng phát ngại vì lỉnh kỉnh nhiều túi, hộp, thìa đũa nhựa. Chị Ngân thường đặt đồ ăn về văn phòng cho nhóm 15 người. Trung bình một suất đồ ăn thông thường thải ra ít nhất 3-4 loại rác như hộp nhựa, túi nylon, thìa, dao nhựa toàn là đồ dùng một lần và không thể tái chế. Thí dụ như một bát phở, khi chuyển đến nhà gồm túi nylon đựng bún, túi đựng nước dùng, 1-2 túi nhỏ đựng gia vị chanh, ớt tươi, tương ớt, dấm tỏi, đũa thìa nhựa, và túi nylon to đựng tất cả các thứ trên. Tương tự, một suất cơm bình dân lượng rác thải ra cũng không kém. Dù chị Ngân có chọn tính năng không cần thìa hay đũa dùng một lần, thì cửa hàng vẫn bỏ vào với tâm lý “khách không dùng thì bỏ đi”. Nhẩm tính một ngày nếu đặt một suất cơm trưa và một ly trà sữa, mình chị Ngân đã thải gần 10 loại rác ra môi trường.

Trong báo cáo về ứng dụng giao đồ ăn tại Đông Nam Á của Momentum Work vừa công bố, trong năm 2023, người Việt Nam đặt đồ ăn trên các ứng dụng Grab, Shopee Food với tổng giá trị lên tới 1,4 tỷ USD tương đương 35 nghìn tỷ đồng. Báo cáo cũng chỉ ra dịch vụ giao đồ ăn là một trong những lĩnh vực tăng trưởng nhanh nhất hiện nay. Tính trung bình một cửa hàng bán đồ ăn online giao khoảng 300-400 suất/ngày, cao điểm lên đến 700-800 suất. Mỗi suất đồ ăn giao đi kèm theo trung bình 3-4 loại rác thải nhựa. Tại các cửa hàng quán ăn, túi nylon khách thích dùng bao nhiêu cũng được.

“Xanh” thì khó cạnh tranh

Theo Viện Chiến lược và Chính sách về Tài nguyên và Môi trường, hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thải ra 80 tấn nhựa và nylon mỗi ngày. Chỉ cần quan sát những hộp nhựa vứt lăn lóc trên phố và những xe rác chất cao toàn túi nhựa hộp xốp, cũng đủ hình dung sơ về lượng rác thải nhựa thải ra mỗi ngày.

Theo báo cáo mới đây nhất của Ngân hàng Thế giới, bao bì nhựa đựng thực phẩm mang đi là thủ phạm lớn nhất gây ra nạn rác thải nhựa ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trong khi đó, các ứng dụng đặt đồ ăn chỉ dừng lại ở việc đưa ra các khuyến nghị chung chung như là khuyên người dùng hạn chế đồ nhựa không cần thiết. Các chuyên gia cho rằng, giải pháp hợp lý hiện nay là thay thế các loại bao bì dùng một lần bằng các bao bì tái chế, thân thiện môi trường. Nhưng trở ngại lớn nhất vẫn là chi phí bao bì “xanh” cao hơn, đẩy giá sản phẩm lên, dẫn tới việc khó cạnh tranh. Một vài cửa hàng thực phẩm hữu cơ, thực phẩm cao cấp ở Hà Nội đã chuyển sang dùng bao bì thân thiện môi trường, nhưng giá mặt hàng lại cao gấp 2-3 giá thông thường.

Theo anh Tuấn, một chủ cửa hàng kinh doanh đồ ăn online ở khu vực Cầu Giấy (Hà Nội), ai cũng biết chuyển qua bao bì thân thiện môi trường là xu hướng trong tương lai, nhưng khó áp dụng vì giá không cạnh tranh nổi. “Khách hàng luôn có xu hướng so sánh giá các nơi. Mình đắt thêm vài nghìn đồng là mất khách”, anh Tuấn nhấn mạnh. Trong khi đó, các loại sản phẩm bao bì đóng gói bảo đảm tiêu chí “xanh”, “thân thiện môi trường” thì giá lại rất cao. Thí dụ gói 100 hộp cơm 600 ml chất liệu xốp thông thường có giá khoảng từ 40-50 nghìn đồng, nhưng cũng hộp như vậy chất liệu phân hủy làm từ bã mía thì có giá gấp đôi, gấp ba từ 150-180 nghìn đồng. “Biết là dùng túi giấy thân thiện môi trường, nhưng lượng khách giảm thì làm gì có lời”, một chủ cửa hàng kinh doanh đồ ăn online khác chia sẻ.

Nhiều quán ăn còn “hào phóng” treo luôn bịch túi tại vị trí thuận tiện nhất để khách dễ lấy. Chưa có con số thống kê cụ thể nào về số rác thải nhựa có nguồn gốc từ bao bì đóng gói đồ ăn giao nhanh được sử dụng tại nước ta. Nếu có, chắc chắn là con số đáng báo động.