Giúp dân sử dụng công nghệ hiệu quả

Nhằm giúp người dân, nhất là các hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận công nghệ thông tin, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, nhiều giải pháp đã được TP Đà Nẵng thực hiện như tặng điện thoại thông minh, lắp đặt WiFi miễn phí, hướng dẫn sử dụng internet an toàn cho người lớn tuổi, góp phần thực hiện hiệu quả “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
0:00 / 0:00
0:00
Tặng điện thoại thông minh và chuyển đổi lên mạng 4G cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Tặng điện thoại thông minh và chuyển đổi lên mạng 4G cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Phổ cập điện thoại thông minh

Thực hiện chính sách hỗ trợ phổ cập điện thoại thông minh, từ tháng 7 đến nay, các đơn vị viễn thông trên địa bàn TP Đà Nẵng đã đẩy mạnh hoạt động tặng điện thoại thông minh và chuyển đổi mạng 2G lên 4G cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tại 7 quận, huyện. Mới đây, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội chi nhánh Đà Nẵng (Viettel Đà Nẵng) phối hợp UBND quận Hải Châu trao tặng 30 điện thoại thông minh cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Nhận điện thoại mới, bà Phan Thị Thiện (phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu) vui mừng: “Nếu không có sự hỗ trợ từ doanh nghiệp, tôi khó có thể mua được điện thoại thông minh. Điện thoại có đầy đủ các chức năng, sẽ giúp ích cho tôi trong tiếp cận thông tin và các ứng dụng công nghệ”. Vừa ngắm nghía chiếc điện thoại, ông Nguyễn Văn Xây (phường Hòa Cường Nam) nói: “Đây là lần đầu tiên tôi có được chiếc điện thoại giá trị thế này. Nó sẽ giúp tôi đọc tin tức, giải trí cũng như sử dụng các dịch vụ công trực tuyến trong thời gian tới”.

Vừa qua, Tổng công ty Viễn thông MobiFone chi nhánh Đà Nẵng cũng tặng 133 điện thoại 4G cho người dân khó khăn tại xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang). Ông Ngô Văn Phấn (xã Hòa Khương) vui mừng khi lần đầu sở hữu điện thoại thông minh. Ông Phấn còn được nhân viên MobiFone Đà Nẵng hỗ trợ lắp đặt sim 4G và hướng dẫn cài đặt các ứng dụng cần thiết như Cổng dịch vụ công quốc gia, VssID, VNeID và các ứng dụng giao dịch điện tử khác.

Theo đại diện lãnh đạo quận Ngũ Hành Sơn, chính sách hỗ trợ phổ cập điện thoại thông minh góp phần nâng cao tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh, nâng cao hiệu quả trong việc tiếp cận với các ứng dụng về công nghệ thông tin, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng dữ liệu về dân cư định danh và xác thực điện tử. Chương trình càng ý nghĩa hơn trong bối cảnh Bộ Thông tin và Truyền thông sắp tiến hành tắt sóng 2G vào tháng 10 tới.

Sử dụng internet an toàn, hiệu quả

Để giúp người dân truy cập và sử dụng internet thuận tiện, UBND quận Hải Châu tiên phong triển khai lắp đặt hệ thống WiFi miễn phí tại các nhà văn hóa, trung tâm sinh hoạt cộng đồng, công viên, vườn dạo tại 13 phường trên toàn quận. Cuối tháng 8 vừa qua, điểm phát WiFi miễn phí tại nhà sinh hoạt cộng đồng khu vực Định Thọ (phường Nam Dương) được khai trương trong sự hào hứng của cán bộ, nhân dân khu vực. Theo đại diện phường Nam Dương, hệ thống WiFi miễn phí giúp việc tổ chức các buổi hội họp, tuyên truyền đạt hiệu quả hơn. Theo kế hoạch của UBND quận Hải Châu, mục tiêu tới cuối năm 2024, các đơn vị, doanh nghiệp viễn thông hoàn thành lắp đặt hệ thống WiFi tại 96 điểm với kinh phí vận hành dự kiến khoảng 288 triệu đồng/năm.

Bên cạnh cung cấp WiFi miễn phí, các địa phương cũng chú trọng tập huấn, hướng dẫn người dân, nhất là người lớn tuổi cách sử dụng các ứng dụng số và mạng xã hội an toàn, hiệu quả. Điển hình, UBND phường Hòa Cường Nam vừa giới thiệu và ra mắt mô hình lớp học chuyển đổi số miễn phí dành cho người lớn tuổi mang tên “Smartphone và internet - Dễ dàng và an toàn”. Nội dung học gồm cách truy cập các trang báo điện tử thông dụng, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các ứng dụng, nền tảng số dùng chung của thành phố, mở tài khoản ngân hàng và cài đặt ứng dụng thanh toán trực tuyến, cách sử dụng các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook), tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế, cách bảo đảm an toàn thông tin cá nhân khi tham gia trên không gian mạng, tránh bị lừa đảo mất tiền, gắn với việc bảo vệ dữ liệu cá nhân... Qua đó giúp người dân, đặc biệt là người lớn tuổi thích nghi và tận dụng những tiện ích công nghệ thông tin để phục vụ nhu cầu, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Chủ tịch UBND phường Hòa Cường Nam Võ Đức Lâm cho biết, qua khảo sát về nhu cầu của 150 người lớn tuổi về sử dụng thiết bị công nghệ, mạng internet thì hơn 90% số người tham gia khảo sát mong muốn được hướng dẫn sử dụng internet an toàn. Mặc khác, TP Đà Nẵng đang hướng đến xây dựng mỗi công dân đều có danh tính số, tài khoản số, chữ ký số để sử dụng trong các giao dịch trực tuyến do đó, việc hướng dẫn và nâng cao kỹ năng công nghệ cho người cao tuổi, giúp họ tiếp cận công nghệ thành thạo là nền tảng để xây dựng công dân số.

Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng, thành phố hiện có 3.810 hộ gia đình chưa có điện thoại thông minh. Để hỗ trợ người dân, các doanh nghiệp viễn thông di động cam kết hỗ trợ 2.010 điện thoại thông minh. Với 1.800 hộ còn lại, UBND thành phố trích ngân sách hỗ trợ chi phí mua điện thoại, tối đa 2 triệu đồng/thiết bị cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn thành phố.