Đưa công nghệ vào phòng chống thiên tai

Là tỉnh thường xuyên xảy ra bão lũ, vài năm gần đây nhiều trang thiết bị, công nghệ mới áp dụng trong dự báo, cảnh báo sớm về thiên tai đã được tỉnh Thừa Thiên Huế quan tâm, đầu tư nhằm hạn chế bớt những thiệt hại do thiên nhiên gây ra.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân có thể theo dõi mọi biến động thời tiết thông qua ứng dụng Huế-S.
Người dân có thể theo dõi mọi biến động thời tiết thông qua ứng dụng Huế-S.

Với sự tiến bộ của khoa học - công nghệ, việc người dân được tiếp cận thông tin nhanh chóng qua nhiều phương tiện truyền thông đã tạo thuận lợi cho công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Mới đây tỉnh đã đưa vào sử dụng trạm ra-đa mưa X-band và hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn, camera giám sát. Trước đó hệ thống 46 trạm đo mưa tự động phủ khắp địa bàn tỉnh cũng đang được tiếp tục đầu tư mở rộng. Bên cạnh đó, phải kể đến hệ thống thông tin quản lý thiên tai tích hợp nhiều mô hình tính toán hiện đại, triển khai truyền tin cảnh báo thiên tai trên nền tảng internet ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI, Big Data qua ứng dụng Huế-S của Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh. Ngoài ra, còn có ứng dụng Vrain giám sát lượng mưa theo thời gian thực trên các thiết bị điện tử thông minh, công nghệ LoRa giao thức không dây truyền thông tầm xa, năng lượng thấp dùng cho các trạm cảnh báo ngập lụt tự động ở các khu vực thấp trũng, đông dân cư cùng Tổng đài cứu hộ cứu nạn 19001075.

Thống kê trong những đợt mưa lớn, gây ngập sâu ở một số điểm vào năm 2023, Tổng đài 19001075 đã tiếp nhận hàng nghìn thông tin của người dân trên địa bàn đề nghị hỗ trợ sơ tán, nhiều người già, trẻ nhỏ cần can thiệp y tế khẩn cấp. Ngay khi tiếp nhận các cuộc gọi, cơ quan chức năng đã phối hợp địa phương hỗ trợ, ứng cứu kịp thời.

Còn với Hue-S, người dùng khi cài đặt ứng dụng trên điện thoại sẽ nhận được các cảnh báo trên bản đồ ngập lụt, mực nước tại các sông, bản tin cảnh báo mưa lũ hoặc có thể truy cập hệ thống camera tại các vị trí thường xuyên xảy ra ngập sâu. Các thông tin luôn được cập nhật liên tục để người dân nắm rõ nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn.

Theo nhiều người dân ở Huế, nhờ ứng dụng công nghệ cũng như mạng xã hội trong việc dự báo bão lũ đã giúp mọi người nắm bắt thông tin để phòng ngừa cũng như có phương án đối phó một cách kịp thời. “Tôi cho rằng ứng dụng Hue-S vô cùng thuận tiện và quan trọng vì mọi thông tin đều được báo về điện thoại của người cài đặt. Nhờ ứng dụng, những trận mưa lớn, thủy điện xả lũ đều được thông báo trước và sớm để tôi và mọi người có thể mua thức ăn dự trữ, di chuyển phương tiện đến nơi cao ráo cũng như chuẩn bị các phương án dự phòng khác”, anh Nguyễn Duy Khánh, TP Huế nói.

TS Nguyễn Đính, Chi cục Thủy lợi tỉnh cho rằng, với sự hỗ trợ đắc lực của khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, công tác dự báo, cảnh báo sớm thiên tai ngày càng hiệu quả hơn. Nhờ đó, các ngành, đơn vị địa phương có đầy đủ thông tin để chỉ đạo, điều hành, giúp người dân hạn chế thấp nhất các rủi ro, thiệt hại, đặc biệt là thiệt hại về người.

Đặc biệt, việc kết nối phòng họp trực tuyến của Ban Chỉ huy phòng, chống tiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh với Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia trong các cuộc họp trực tuyến khẩn đã góp phần thông tin nhanh chóng kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành từ xa.